Ứng phó thiên tai ở Phước Sơn: Dự trữ lương thực, củng cố lực lượng xung kích
Thành lập các đội xung kích tình nguyện, dự trữ lương thực... là những giải pháp huyện Phước Sơn đưa ra trong phương án phòng chống thiên tai năm nay.
Mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần, nhưng khi nghe thông tin cơn bão Noru sắp đổ bộ, anh Hồ Văn Đố cùng Đội xung kích phòng chống thiên tai xã Phước Thành lập tức lặn lội đến thôn 3. Đây là thôn xa, đang xây dựng nhà tái định cư và có nguy cơ sạt lở cao.
Tại đây, anh Đố và 70 thành viên lực lượng xung kích xã giúp người dân chằng chống nhà cửa, hướng dẫn cách trú nạn, di chuyển những hộ có nguy cơ mất an toàn đến nhà làng...
“Trong hai năm qua, anh em ở tổ xung kích phòng chống thiên tai của xã được huấn luyện kỹ năng, trang bị công cụ, phương tiện, để bản thân có thêm kiến thức phòng chống bão lũ và giúp bà con tốt hơn” - anh Đố nói.
Hiện nay, ngoài các đội xung kích cấp xã với hơn 70 thành viên, các tổ xung kích tuyến thôn cũng đã được hình thành. Với lực lượng nòng cốt là thanh niên, công an viên, dân quân tự vệ, đây sẽ là lực lượng ứng phó xuyên suốt trong quá trình cứu nạn, cứu hộ khi thiên tai, bão lũ xảy ra.
Ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch UBND xã Phước Thành, cho biết: “Ngoài đội xung kích ở xã, 3/3 thôn của Phước Thành đều có đội xung kích. Rút kinh nghiệm từ mùa mưa bão 2020, Phước Thành đã kích hoạt các tổ xung kích phòng chống thiên tai 24/24 khi có dự báo bão đổ bộ. Lực lượng này sẽ đến thôn để vận động, tuyên truyền người dân di dời đến nơi an toàn và kịp thời ứng phó sự cố”.
Sau những đợt thiên tai kinh hoàng, huyện Phước Sơn đã lên kế hoạch, kịch bản ứng phó cho cả giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, thích ứng an toàn tại chỗ với các tình huống thiên tai cực đoan được chủ động triển khai. Với một địa phương có nguy cơ cô lập cao như Phước Sơn, việc dự trữ lương thực, thực phẩm trước mùa mưa bão là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu.
Ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho hay: “Gạo dự trữ cho mùa mưa bão năm nay là 15 tấn, xã đã đưa về các nhà làng của 3/3 thôn và đặt tại trung tâm xã, trường học. Nếu mưa bão tắc đường thì người dân có thể cầm cự được từ 15 ngày đến 1 tháng. Không chỉ gạo của Nhà nước, hiện nay bà con Giẻ Triêng cũng đã có sự chuẩn bị lương thực, thực phẩm để ứng phó với mưa bão, thiên tai”.
Theo ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, hai ngày cuối tuần qua, huyện đã thông qua nhóm Zalo để chỉ đạo điều hành công tác ứng phó với bão Noru.
Trong đó, Phước Sơn yêu cầu các đơn vị thi công khắc phục giao thông đi vùng cao phải sẵn sàng thông tuyến, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng người dân, các đơn vị khai thác khoáng sản cũng có phương án cho công nhân nghỉ để tránh nguy cơ sạt lở hầm lò. Huyện cũng đã yêu cầu các xã, thị trấn khẩn trương di dời dân đến nhà làng trú ẩn trước khi bão đổ bộ.
Thuận lợi cho Phước Sơn là 4 khu dân cư mới đã hoàn thành cơ bản, đáp ứng cho gần 500 hộ dân trú ở an toàn, không lo sạt lở. Trước đó, Phước Sơn cũng đã rà soát và vận chuyển hơn 60 tấn gạo đến các xã vùng cao. Đây là giải pháp để chủ động ứng phó cho các tình huống tắc đường và sạt lở đất mà các lực lượng cứu hộ cứu nạn chưa tiếp cận được.