Khu vực ven biển linh hoạt ứng phó bão Noru

NGUYỄN QUANG 25/09/2022 15:39

(QNO) - Trước diễn biến bão Noru tăng cấp và được dự báo thành siêu bão, người dân cùng chính quyền các địa phương ven biển của Quảng Nam đang linh hoạt ứng phó.

Người dân ven biển khiêng vác thuyền đến nơi kiên cố để tránh bão. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Người dân ven biển khiêng vác thuyền đến nơi kiên cố để tránh bão. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Từ sáng sớm nay 25.9, ở các thôn của xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), người dân dùng các loại dây thừng, dây thép, bao cát, thúng cát để gia cố, chằng chống nhà cửa.

Ông Phan Toại (thôn Hòa Thượng) nói, nghe tin bão ngày càng mạnh lên nên gia đình tập trung gia cố nhà cửa. Ông cùng 2 người con và 4 thanh niên hàng xóm buộc chặt dây thừng vào trụ cột rồi kéo lên mái nhà vòng qua hông rồi lại kéo xuống đất cố định vào trụ khác.

“Ở khu vực ven biển nên tác động của gió bão là rất lớn trong khi nhà tôi cấp 4, mái lợp tôn nên phải tăng khả năng chịu lực. Mặc dù có lo lắng nhưng chúng tôi không hoảng sợ mà chủ động tìm các cách để thích ứng” - ông Toại nói.

Ngư dân cẩu thuyền nhỏ lê bờ.
Ngư dân Hội An đưa thuyền nhỏ lên bờ. Ảnh: MINH QUÂN

Từ thôn Hòa Thượng qua các thôn Hòa Hạ, Hòa Trung hay Tỉnh Thủy, đâu đâu cũng thấy người dân đoàn kết, đồng lòng giúp đỡ nhau bảo vệ nhà cửa trước thông tin bão Noru đang tiến nhanh vào đất liền. Nhiều hộ gia đình cùng nhau khiêng vác, di chuyển thuyền lớn, thuyền nhỏ tập kết vào khu vực kiên cố.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết, ở khu vực ven biển nên chính quyền địa phương và người dân luôn thường trực tâm thế chủ động phòng chống bão mỗi khi đến mùa biển động. Từ hôm qua 24.9, tất cả loa truyền thanh các thôn liên tục cập nhật, phát các thông tin, bản tin mới nhất về bão Noru. Các đội xung kích của xã gồm công an, quân sự, thanh niên… đến các công trình có khả năng bị bão tấn công cũng như nhà dân để có phương án, giải pháp bảo vệ.

“Các phương án tập trung ứng phó bão tại chỗ cũng như di dời dân đến vùng kiên cố đều được tính đến. Lương thực, thực phẩm, các vật dụng, đồ dùng thiết yếu đều chuẩn bị kỹ càng để có thể dùng cho vài ngày” - ông Bình nói.

Ghe thuyền nêu đậu tránh trú tại rừng dừa nước Cẩm Thanh.
Tàu thuyền neo đậu tránh trú tại rừng dừa nước Cẩm Thanh (Hội An). Ảnh: MINH QUÂN

Xã Tam Tiến (Núi Thành) cũng là địa phương ven biển nên người dân ngoài áp dụng chằng chống nhà cửa, bảo vệ các công trình thì ưu tiên đưa tàu thuyền đi neo đậu ở âu thuyền Hà Lộc.

Ông Hồ Nguyễn Tùng - cán bộ phụ trách thủy sản xã Tam Tiến cho biết, đến chiều nay 25.9, hầu hết tàu cá của ngư dân đã có địa điểm neo đậu là âu thuyền Hà Lộc hoặc các vùng kín gió ven sông Trường Giang qua địa bàn. Trong khi đó, hầu hết các diện tích nuôi trồng thủy sản ở vùng triều ven sông đã được các hộ dân thu hoạch.

“Cách thức chống bão của người dân là thận trọng nhưng không quá lo sợ, linh hoạt đảm bảo nhân lực, vật lực, lương thực, thực phẩm tại chỗ” - ông Tùng nói.

Các loại tàu thuyền vào neo đậu tránh bão tại âu thuyền đảo Cù Lao Chàm.
Tàu thuyền vào neo đậu tại âu thuyền đảo Cù Lao Chàm (Hội An). Ảnh: MINH QUÂN

Ở khu vực phía bắc của tỉnh, người dân Hội An, Duy Xuyên năng động phòng chống bão Noru. Ở âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên), âu thuyền Cửa Đại (phường Cẩm Nam, Hội An) và các khu vực ven rừng dừa nước xã Cẩm Thanh (Hội An), tấp nập tàu cá của ngư dân vào neo đậu. Đó hầu hết là âu thuyền kín gió lại được gia cố đê chắn sóng, bổ sung các trụ neo nên người dân tin tưởng tránh va đập, an toàn cho tàu cá nếu bão lớn vào đất liền.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Tùy tình hình bão và sự khác nhau của các địa bàn dân cư, Hội An áp dụng các cách thức ứng phó với bão khác nhau, trong đó kiên định phương châm “4 tại chỗ”. Các ngành chức năng trên địa bàn liên tục kiểm tra thực địa, cập nhật đường đi của bão để thích ứng tốt nhất”.

Đến chiều 25.9, Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các địa phương ven biển huyện Núi Thành như Tam Quang, Tam Giang, Tam Hải hướng dẫn người dân neo đậu, sắp xếp tàu cá tại các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và các luồng, lạch ven sông.

Các ngành chức năng liên tục thông tin và vận động người dân gia cố, di dời các lồng bè nuôi thủy sản vào sát bờ, buộc chặt, chăm sóc kỹ thủy sản nuôi, tránh các tình huống bất ngờ gây chết và thất thoát.

Hội An yêu cầu khẩn trương rà soát di tích, nhà cổ xuống cấp

Tại cuộc họp khẩn sáng nay 25.9, lãnh đạo TP.Hội An yêu cầu ban ngành liên quan phối hợp Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An khẩn trương rà soát di tích, nhà cổ xuống cấp để có biện pháp chằng chống. Các xã, phường kêu gọi người dân chằng chống nhà cửa; lên phương án sẵn sàng sơ tán dân ven biển đến nơi an toàn và bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân khi sơ tán.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, bà Phạm Thị Mỹ Hương - Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm, Hội An) cho biết, sáng 25.9, cán bộ và dân quân xã phối hợp các đơn vị vũ trang đóng trên địa bàn giúp đỡ người dân chằng chống nhà cửa, đưa ghe thuyền nhỏ lên bờ và hướng dẫn neo đậu trong âu thuyền đối với tàu thuyền lớn. (MINH QUÂN)

NGUYỄN QUANG