Từ trong cát nóng

PHƯƠNG GIANG - VĂN SỰ 25/09/2022 08:48

Từ trong cát nóng, những cư dân miệt biển của xã Duy Hải (Duy Xuyên) bước ra, trở thành dân đô thị, sống một cuộc đời mới cho riêng mình...

Một khu tái định cư khang trang mọc lên, thay thế cho hình hài cũ của làng biển Tây Sơn Đông ở xã Duy Hải.
Một khu tái định cư khang trang mọc lên, thay thế cho hình hài cũ của làng biển Tây Sơn Đông ở xã Duy Hải.

Hình như, chỉ còn một “vết đứt” duy nhất nữa là con đường từ biển mở lên phía Duy Vinh, Duy Thành (huyện Duy Xuyên) được nối liền. Ở hai đầu vết đứt ấy, đã thênh thang lắm hơi hướng của thị thành. Mà ngó đâu xa, người ta đã lần lượt rời đi khỏi những căn nhà cũ, vào khu tái định cư. Phố trong làng, thay cho một miền dài cơ cực mà biết bao phận người đã trải qua, dù chưa hết những lận đận khóc cười.

Phố trong làng

Không còn nhận ra làng Tây Sơn Đông (xã Duy Hải, Duy Xuyên) ngày ấy, ngoài cánh cổng làng và mấy hộ dân còn sót lại cạnh con đường nhựa cũ. Năm 2015, dự án Nam Hội An rục rịch tái khởi động, tôi có lần cùng đồng nghiệp về đây, chứng kiến những ngôi nhà mọc lên “thần tốc” ở làng, để “đón đầu” bồi thường giải tỏa.

Hai thôn Tây Sơn Tây và Tây Sơn Đông có thời điểm chỉ trong vòng tuần, có đến 54 hộ làm nhà, cải tạo công trình phụ. Bây giờ, làng mọc lên một khu dân cư vuông vắn, nhà cửa khang trang, bề thế với đầy đủ điện đường.

Lao xao và giờ thì im vắng, chờ đợi những sôi động khi hạ tầng giao thông chính thức được hoàn thiện, khớp nối. Dư vị chát đắng hẳn ít nhiều cũng có, nhưng người dân vùng cát vẫn công nhận, rằng dự án Nam Hội An và những sôi động của quy hoạch đã đánh thức miền cát nóng rẫy nghèo nàn này, thực sự tạo ra một cuộc đổi đời rất lớn cho hàng nghìn người.

Có không ít những minh chứng sinh động cho cuộc đổi đời này. Một gia đình từ chật vật mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo, bỗng “trở mình” thành tỷ phú sau khi nhận tiền bồi thường, sở hữu ngôi nhà khang trang nhất nhì làng Tây Sơn Đông.

Hiếm hoi lắm mới tìm ra những “lão nông tri điền” còn gắn bó với ruộng đồng. Đô thị hóa với tốc độ chóng mặt diễn ra ở Duy Hải và một cuộc “đô thị hóa” khác cũng nhanh không kém, trong tư duy làm ăn của dân làng…

Hơi thở thị thành lan dần xuống phía đông, bằng chuyển động của hạ tầng tạo nên hình hài phố cho làng.

“Hơn 9.000 dân của Duy Hải đã chứng kiến một cuộc đổi thay rất lớn của quê hương. Bà con từ lao động nông nghiệp nhanh chóng phải thích nghi với một cuộc sống mới, tìm kiếm việc làm phù hợp, tìm kiếm cơ hội cho chính mình ở lĩnh vực dịch vụ, thương mại và công nghiệp. Gần 2.000 lao động đã chuyển đổi từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Theo định hướng phát triển chung, xã Duy Hải cũng đặt mục tiêu xây dựng đô thị loại 5 và đây cũng là nền móng cho việc cập nhật, khớp nối các dự án, tạo lập quy hoạch chi tiết khu tái định cư, khu dân cư để triển khai thu hút đầu tư phát triển đô thị” - ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải nói.

Áo mới thị thành

Người ta đã bắt đầu quen với những dòng người ken đặc giờ giao ca, rộn ràng bán mua của hàng quán mỗi chiều tối ở Duy Hải. Miền quê thức tỉnh, tiếng lao xao từng một thời là ước mơ của cư dân khi nhìn sang phía bên kia Cửa Đại, nay tràn về xứ cát, phủ lên áo mới thị thành.

Được nới rộng từ quy hoạch chiến lược cho vùng Đông, cộng thêm những đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng, Duy Hải đứng trước cơ hội hình thành một đô thị mới mẻ, có điểm nhấn phía trung điểm cung đường ven biển của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thống nói thêm, từ những đầu tư hạ tầng đã mở lối cho cuộc đổ bộ của thương mại, công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn toàn xã. Ngày trước, khi còn phải chật vật với chuyện cơm áo mỗi ngày, người ta không thể nhìn xa hơn bữa ăn tối của chính mình, nhưng nay thì khác. Có một khoản tiền không nhỏ từ di dời, giải tỏa, người thức thời tự tìm kiếm những lối đi riêng cho mình.

“Tất nhiên, vẫn có những mặt trái khi người nông dân một bước lên đời, nhưng nhìn chung câu chuyện an sinh vẫn mang nhiều màu sắc tích cực. Thu nhập bình quân đã cao hơn nhiều so với những năm trước, nhưng chúng tôi đặt mục tiêu phải vượt lên, đến năm 2025 phải ở mức 70 triệu đồng/người/năm.

Cái gần, là mong muốn được giải quyết dứt điểm những câu chuyện còn tồn tại liên quan đến di dời, tái định cư. Xa hơn, chúng tôi kỳ vọng tương lai phải có những chuyển động tích cực hơn từ phía cộng đồng. Người trẻ mạnh dạn khởi nghiệp nhiều hơn. Lao động địa phương tìm được việc làm phù hợp, thích ứng với thế mạnh về du lịch, dịch vụ, có thu nhập ổn định tại các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng.

Dự án Nam Hội An hình thành trọn vẹn, khi không còn chịu những tác động của dịch bệnh, tôi tin Duy Hải sẽ nhanh chóng chạm tay vào giấc mơ đô thị. Nhưng đó chỉ là câu chuyện thời gian, vì mục tiêu xây dựng đô thị là câu chuyện rõ ràng, phía trước” - ông Thống chia sẻ.

PHƯƠNG GIANG - VĂN SỰ