Cần nâng mức hỗ trợ thiết chế văn hóa thôn, khối phố

XUÂN HIỀN 23/09/2022 06:31

Yêu cầu trên được hầu hết đại biểu các cấp đặt ra khi tham gia góp ý dự thảo Đề án “Hỗ trợ phát huy hiệu quả hoạt động nhà văn hóa - khu thể thao thôn, tổ dân phố” sẽ trình kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh sắp tới.

Nhà văn hóa thôn, khối phố là một trong những thiết chế văn hóa cơ sở cần thiết để nâng cao đời sống văn hóa cộng đồng. Ảnh: X.H
Nhà văn hóa thôn, khối phố là một trong những thiết chế văn hóa cơ sở cần thiết để nâng cao đời sống văn hóa cộng đồng. Ảnh: X.H

Nhu cầu từ cơ sở

Tại Nhà văn hóa (NVH) thôn 4, xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước, dù cơ sở vật chất bao gồm bàn ghế, thiết bị âm thanh đã cũ, nhưng theo đại diện xã này, các chương trình sinh hoạt cộng đồng của hội, đoàn thể đều gần như tổ chức tại đây.

Thiết chế NVH thôn không có trong các hạng mục được nhận hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí của tỉnh, nên chính quyền cấp xã buộc phải linh động lấy nguồn sự nghiệp hoạt động văn hóa thể thao của xã để duy trì hoạt động tại những nơi này.

Đây cũng là kết quả khảo sát tại 18 địa phương về thực trạng cơ sở vật chất, hoạt động của các NVH - khu thể thao thôn, tổ dân phố (gọi chung là thôn) do Sở VHTT&DL thực hiện trong quá trình xây dựng đề án.

Đại diện sở này cho biết, qua các cuộc khảo sát đều cho thấy nhu cầu đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở là rất lớn. Đặc biệt, sau khi thực hiện sáp nhập, nhiều NVH thôn không đảm bảo diện tích, quy mô xây dựng chưa đáp ứng với số hộ dân tăng lên sau sáp nhập. Các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt, tập luyện, vui chơi, thi đấu vừa cũ kỹ vừa thiếu thốn...

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị nhiều NVH - khu thể thao thôn tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2016, qua thời gian sử dụng đã xuống cấp do thiếu kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa. Đặc biệt, do thiếu quy định về hỗ trợ kinh phí hoạt động nên chưa đảm bảo kinh phí để NVH - khu thể thao thôn tổ chức, duy trì các hoạt động thường xuyên.

“Từ thực tế nêu trên, để giải quyết tình trạng khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở gắn với hoàn thiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, Sở VHTT&DL đề xuất xây dựng đề án hỗ trợ phát huy hiệu quả hoạt động NVH - khu thể thao thôn trên địa bàn tỉnh, tập trung vào 3 nội dung chính: Hỗ trợ sửa chữa cơ sở vật chất với định mức 30 triệu đồng/ thôn; hỗ trợ mua sắm, sửa chữa trang thiết bị, âm thanh với định mức 10 triệu đồng/ thôn; hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên với định mức 7 triệu đồng/thôn. Thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2023 - 2026 với nhu cầu kinh phí hơn 73 tỷ đồng” - ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTT&DL nói.

Nguyên tắc hỗ trợ được đề xuất là ngân sách tỉnh đảm bảo 100% đối với 9 huyện miền núi và một số thôn miền núi, hải đảo các huyện đồng bằng. Các địa phương khác ngân sách tỉnh đảm bảo 70%, còn lại do ngân sách huyện và xã đảm bảo.

Xem xét nâng mức hỗ trợ

Tại nhiều phiên họp lấy ý kiến hoàn thiện đề án, đa số đại biểu cho rằng, mức hỗ trợ sửa chữa 30 triệu đồng/NVH thôn là quá ít. Ông Nguyễn Đình Tiên - Phó Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh cho rằng, đề án hỗ trợ NVH thôn là phù hợp bởi hiện nay cơ sở vật chất ở các NVH đã xuống cấp.

Nhà văn hóa thôn, khối phố là một trong những thiết chế văn hóa cơ sở cần thiết để nâng cao đời sống văn hóa cộng đồng. Ảnh: X.H
Nhà văn hóa thôn, khối phố là một trong những thiết chế văn hóa cơ sở cần thiết để nâng cao đời sống văn hóa cộng đồng. Ảnh: X.H

“Hoạt động NVT thôn hiện còn nghèo nàn, chủ yếu dành cho các cuộc họp chính. Diện tích quy mô NVH thôn nhỏ, không có không gian sinh hoạt. Do vậy, vấn đề hỗ trợ như thế nào cần phải bàn thêm. Với mức hỗ trợ như đề án đưa ra khiến tôi phân vân vì khá ít. Các NVH đã về đích nông thôn mới cũng đã xuống cấp nhiều. Nên chăng nâng mức phù hợp khoảng 50 triệu đồng để tạo điều kiện cho địa phương” - ông Nguyễn Đình Tiên đề xuất.

Ở miền núi, ông Nguyễn Đình Tiên cho rằng, cần tính toán hợp lý để vừa bảo tồn văn hóa miền núi vừa giữ lại thiết chế văn hóa, trong đó có các gươl.

Tương tự, ông Phạm Văn Đốc - Bí thư Huyện ủy Tiên Phước cho rằng, với mức hỗ trợ 30 triệu đồng để sửa chữa cơ sở vật chất thì không thấm vào đâu.

“Nên nâng lên mức 50 triệu/nhà. Mỗi địa phương có nhu cầu khác nhau, do vậy nếu có đề án hỗ trợ, tôi nghĩ nên phân cấp cho huyện, huyện giao về xã khảo sát với nhu cầu mà xã đang cần thì sẽ hiệu quả hơn” - ông Phạm Văn Đốc nói.

Ông Hà Đức Tiến - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, lĩnh vực văn hóa gặp rất nhiều hạn chế, đặc biệt ở mức hỗ trợ đầu tư.

“Tôi đề xuất hỗ trợ mở rộng mặt bằng cho NVH ở khu vực miền núi, bởi nhiều nơi chỉ có một cái nhà. Chúng ta đã quên một điều là quyền sử dụng đất của cộng đồng như thế nào, hỗ trợ làm sao được cấp giấy chứng nhận và cắm mốc giới hạn.

Bởi thực tế ở nhiều nơi, người dân lấn chiếm đất, không gian của các thiết chế văn hóa cộng đồng, đây là điều khiến công tác quản lý vô cùng khó khăn. Cần xây dựng nguyên tắc cân đối phù hợp giữa các vùng. Bên cạnh đó, xem xét đồng thời hỗ trợ NVH và nhà truyền thống ở miền núi” - ông Hà Đức Tiến nói.

Quyền sử dụng đất đối với các thiết chế văn hóa là điều được nhiều địa phương yêu cầu. Đại diện UBND TP.Hội An cho rằng, về công tác quản lý, cần bổ sung việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các NVH thôn để tránh chuyện lấn chiếm, sử dụng sai mục đích làm ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan tại các NVH.

Cải thiện tình trạng xuống cấp ở các thiết chế văn hóa để từ đó phát huy hiệu quả sinh hoạt văn hóa cộng đồng là điều nên chăng, trong quá trình phát triển bền vững của một địa phương.

XUÂN HIỀN