Vãng gia cải thiện an sinh trẻ em
Trực tiếp đến thăm hỏi từng gia đình, bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng... là các hoạt động của mô hình “Vãng gia cải thiện an sinh trẻ em” đang thực hiện tại Quảng Nam.
Tiếp cận trẻ em gần hơn
“Vãng gia cải thiện an sinh trẻ em” được hiểu nôm na là mô hình “thăm hộ” - trực tiếp đến và thăm hỏi từng gia đình. Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, thông qua những hoạt động như vậy, trẻ em và gia đình được động viên, tư vấn, hỗ trợ, kết nối dịch vụ xã hội để cải thiện tình trạng an sinh, trên cơ sở phát huy nội lực và tăng cường sự tham gia của trẻ em và gia đình.
Mô hình “Vãng gia cải thiện an sinh trẻ em” là một trong các hoạt động nằm trong Chương trình Hành động vì trẻ em tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030. Đây cũng chính là chương trình được thực hiện dưới sự phối hợp của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam (WV) và Sở LĐ-TB&XH.
Tạo ra sự tin cậy và từ đó tìm hiểu những vướng mắc mà trẻ và gia đình đang gặp phải để xây dựng kế hoạch giải quyết phù hợp... chính là mục tiêu cuối cùng mà mô hình “Vãng gia cải thiện an sinh trẻ em” đặt ra.
Chỉ mới triển khai từ tháng 6.2021 đến nay, nhưng mô hình đã tạo được niềm tin trong cộng đồng. Đại diện Phòng LĐTB&XH huyện Núi Thành cho biết, bằng cách quan sát, nói chuyện, chia sẻ thông tin, tư vấn và tháo gỡ khó khăn, mô hình vãng gia tại Núi Thành đang giúp đỡ 6 trẻ có nguy cơ bị tổn thương được can thiệp, tiếp cận các dịch vụ phù hợp, tạo môi trường sống tốt hơn để trẻ được chăm sóc và bảo vệ.
Trong các địa phương đang triển khai mô hình vãng gia, xã Tam Hiệp (Núi Thành) được đánh giá là điển hình thực hiện tốt mô hình này. Dù là xã trọng điểm của Khu công nghiệp Chu Lai với đa số lao động làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp nhưng địa phương có 8 trẻ em thuộc gia đình hộ nghèo, 2 trẻ em sống trong gia đình có người mắc tệ nạn xã hội và 13 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Bà T.T. L. - một trong số 3 gia đình được mô hình vãng gia xã Tam Hiệp hỗ trợ để con được đến trường cho biết, con bà có ý định nghỉ học vì gia đình không đủ điều kiện. Nắm được hoàn cảnh, cán bộ vãng gia đã đến thăm hỏi, lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của gia đình.
“Được các cô chú lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của mình, con vui lắm. Gia đình con được giúp đỡ, con còn được mua đồ dùng phục vụ học tập, trong bữa ăn hàng ngày đã có thêm thịt, cá” - con chị T.T.L. chia sẻ.
Xây dựng mạng lưới vãng gia
Ông Nguyễn Huy - Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới Sở LĐ-TB&XH cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 358 nghìn trẻ em, trong đó số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt lên đến hơn 17,8 nghìn, số trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt hơn 40 nghìn.
“Có thể thấy số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức cao, rất cần được hỗ trợ, giúp đỡ để cải thiện an sinh cho trẻ. Vì vậy, việc triển khai mô hình này trên địa bàn tỉnh là phù hợp và rất có ý nghĩa” - ông Nguyễn Huy nói.
Mô hình vãng gia không chỉ hướng đến hỗ trợ trẻ em yếu thế trong xã hội mà còn góp phần hóa giải những mâu thuẫn từ nhà ra phố. Do vậy, chính cha mẹ, người giám hộ hợp pháp, người chăm sóc trực tiếp cho những trẻ em đang ở hoàn cảnh đặc biệt hoặc nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt cũng trở thành đối tượng của mô hình.
Người vận hành mô hình vãng gia, không ai khác là các cán bộ, cộng tác viên thực hiện công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, cán bộ ở địa phương. Bằng cách quan sát, nói chuyện, chia sẻ thông tin, tư vấn và tháo gỡ khó khăn, mô hình vãng gia được kỳ vọng sẽ giúp đỡ cho rất nhiều trẻ có nguy cơ bị tổn thương được can thiệp, tạo môi trường sống tốt hơn để trẻ được chăm sóc và bảo vệ.
Ông Võ Như Sơn Trà - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My cho biết, toàn huyện có đến hơn 11 nghìn trẻ em, trong đó 132 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 4,1 nghìn trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Đặc biệt, trẻ em trên toàn huyện có đến 95,85% là người đồng bào dân tộc thiểu số và gặp khó khăn nhiều về cuộc sống, học tập, vui chơi...
Do vậy, Nam Trà My thành lập các nhóm trẻ để tham gia mô hình vãng gia. Đội ngũ thành viên vận hành mô hình vãng gia cũng đồng thời là cộng tác viên ở thôn, vì họ hiểu tập tính, văn hóa truyền thống tại khu vực bản địa nên có cách quan sát, tư vấn cũng như tháo gỡ khó khăn phù hợp.
Với cách tổ chức bài bản, mỗi cán bộ vãng gia ở thôn, bản đã trở thành một nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. Khi mô hình được nhân rộng, kỳ vọng về việc xây dựng mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội rộng khắp, cũng sẽ đồng thời giảm thiểu những bất công, rào cản phát triển của trẻ em lẫn câu chuyện bình đẳng giới ở nhiều nơi...