Người bí thư Công nhân cứu quốc đầu tiên của Hội An
(QNO) - Ông Phùng Đảng, tên thường gọi là Năm Đảng, sinh năm 1914, quê gốc ở phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn nhưng gia đình đến Cẩm Phô, Hội An lập nghiệp và định cư từ đời ông nội.
Sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng nên ngay từ nhỏ ông chịu ảnh hưởng của những phòng trào yêu nước và các phong trào vận động thành thành lập Đảng diễn ra sôi nổi tại Hội An.
Lúc nhỏ, Phùng Đảng học hết chương trình yếu lược (Primaire Élémentaire) tại Hội An, sau đó ông vào Sài Gòn - Chợ Lớn học nghề may và tham gia cách mạng tại đây. Năm 1930, ông được kết nạp Đảng, tham gia các phong trào đấu tranh của công nhân ngành may, thợ thuyền... nên bị thực dân Pháp bắt kết an 2 năm tù giam.
Đến năm 1932, địch đưa anh ông về quản thúc tại quê nhà Hội An. Bằng những mối quen biết trước đây, ông tìm cách mở tiệm may âu phục gần nhà thờ Công giáo Hội An, vừa may vá để kiếm sống, vừa nhận một số thanh niên tiến bộ học may, ông âm thầm tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho những người học nghề tại tiệm may của ông. Với tay nghề vững vàng, sản phẩm chất lượng, tiệm may của ông nhanh chóng nổi tiếng và nhiều người lui tới. Chính điều này mà tiệm may của Năm Đảng luôn bị mật thám theo dõi. Nhưng bằng kinh nghiệm hoạt động cách mạng của những năm ở Sài Gòn - Chợ Lớn, ông đã nhiều lần vượt qua tai mắt của kẻ thù và tích cực tham gia hoạt động trong các tổ chức cách mạng ở Hội An.
Đầu năm 1938, Trung ương Đảng có chủ trương thành lập “Hội ái hữu” để tập hợp, đoàn kết công nhân, tạo điều kiện thành lập nghiệp đoàn các ngành nghề đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ cho người lao động.
Ở Hội An, giữa năm 1938, đại hội nghề may được tổ chức công khai tại rạp hát Đồng Lạc, với 200 anh chị em thợ may tham gia, dưới sự chủ trì của trưởng ban vận động Phùng Đảng. Tại đại hội, trưởng ban vận động đọc báo cáo đề án tổ chức và dự thảo điều lệ hội. Đại hội bầu Ban trị sự lâm thời gồm có ông Phùng Đảng làm hội trưởng, ông Trần Văn Thống làm thư ký và một số ủy viên. Đại hội thông qua đơn xin phép thành lập hội và thư gửi dân biểu Phan Thanh đề nghị giúp đỡ.
Tháng 12.1938, ông Phùng Đảng tham gia trực tiếp lãnh đạo cuộc đình công của hơn 200 chị em công nhân các xưởng sản xuất giấy vàng mả Triệu Hưng, Chấn Nam Thành, Tường Lan tại Hội An gây tiếng vang lớn trong đời sống chính trị tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ.
Cuối năm 1939, phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương bị tổn thất, chính quyền thực dân tăng cường đàn áp cách mạng, ông Phùng Đảng bị địch bắt đày đi an trí tại nhà tù Đăk Glei, Kon Tum.
Sau một thời gian bị địch giam cầm tra khảo nhưng không khai thác được thông tin cần thiết, nhà cầm quyền buộc phải thả ông. Ra tù về lại quê hương, ông móc nối với cơ sở cũ, tiếp tục hoạt động cách mạng và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Hội An năm 1945.
Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 9.1945, các tổ chức cứu quốc tiếp tục củng cố, phát triển. Hội Công nhân cứu quốc Hội An do Phùng Đảng làm bí thư, cơ quan đóng tại 105 Japonnais (nay là số nhà 105 Trần Phú, Hội An).
Tháng 8.1946, Hội Công nhân cứu quốc tỉnh Quảng Nam tổ chức đại hội tại Hội An quyết định đổi tên thành Liên đoàn Lao động tỉnh. Ông Phùng Đảng được bầu vào Ban Chấp hành của Liên đoàn Lao động tỉnh.
Đầu năm 1947, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về củng cố tuyến phòng thủ ở phía nam, “tiêu thổ kháng chiến” và tản cư, với tinh thần “thà chết không chịu làm nô lệ”, các cơ quan, chính quyền, mặt trận, đoàn thể Hội An đều được di chuyển vào phía nam sông Thu Bồn. Ông Phùng Đảng cùng cơ quan tản cư vào hoạt động tại thôn Hưng Mỹ, xã Thăng Triều. Tại quê hương mới, ngoài nhiệm vụ của cơ quan, ông được tín nhiệm tham gia vào Ban cán sự vùng Hưng Mỹ và hoạt động rất tích cực, có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng địa phương.
Sau ngày 20.7.1954, chấp hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, các tổ cơ quan, đơn vị của Hội An cấp tốc chuyển quân, đổi vùng và tập kết ra miền Bắc. Ông Phùng Đảng tiếp tục ở lại bám trụ tại vùng cát Thăng Bình hoạt động cách mạng và hy sinh ngày 2.11.1954 tại quê hương Hưng Mỹ.
Ông Phùng Đảng là bí thư Công nhân cứu quốc (nay là Liên đoàn Lao động) đầu tiên của Hội An, ông đã có nhiều hoạt động đóng góp cho phong trào công nhân viên chức - lao động Hội An trong giai đoạn tiền khởi nghĩa và thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Ông đã được Nhà nước công nhận là người hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945.