Đảm bảo cấp điện cho các khu công nghiệp
Công ty Điện lực Quảng Nam đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện đồng bộ, hiện đại nhằm nâng cấp hạ tầng lưới điện trong các khu công nghiệp, đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất của doanh nghiệp.
Xây dựng và nâng cấp lưới điện
Quảng Nam phát triển công nghiệp với tốc độ tăng trưởng hằng năm luôn đạt 2 con số, nên áp lực trong việc đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội rất lớn. Theo quy hoạch đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Quảng Nam sẽ phát triển thêm khoảng 20.000ha cụm, khu công nghiệp (KCN).
Hiện toàn tỉnh có 13 KCN đang hoạt động, có 223 dự án đầu tư thứ cấp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận đầu tư tại các KCN; tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 75.545 tỷ đồng.
Bộ KH&ĐT đang thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án kinh doanh kết cấu hạ tầng 2 KCN (Tam Thăng mở rộng và Cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải mở rộng) với tổng diện tích 363ha. Ban Quản lý các khu kinh tế và KCN tỉnh cũng đang lập đề xuất dự án 3 KCN mới, gồm Nam Thăng Bình (hơn 499,4ha), Bắc Thăng Bình (239ha) và Phú Xuân (108ha).
Ông Nguyễn Hữu Khánh - Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) có kế hoạch huy động 3.702 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa hệ thống điện tại Quảng Nam.
Về đầu tư nâng cấp nguồn lưới điện 110kV, EVNCPC đã ưu tiên đầu tư hơn 364 tỷ đồng để xây dựng mới đường dây 110kV mạch 2 Đại Lộc - Đà Nẵng; cải tạo nâng đường dây 110kV từ Tam Kỳ đi Tam Thăng; mạch vòng đường dây 110kV Duy Xuyên - Hội An...
PC Quảng Nam đang tiếp tục phối hợp các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đóng điện các công trình lưới điện. Riêng trong năm 2022, PC Quảng Nam có kế hoạch đầu tư 387 tỷ đồng xây dựng 46 công trình, trong đó có 11 công trình lưới điện 110kV, 29 công trình lưới điện trung hạ áp và 6 công trình đầu tư khác.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều công trình gặp khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, đặc biệt là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian, đã ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư...
Do đó, PC Quảng Nam mong muốn các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, tích cực hỗ trợ ngành điện trong công tác quy hoạch, di dời lưới điện và thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đảm bảo cấp điện cho sản xuất kinh doanh
Hạ tầng hệ thống điện các KCN đã được đầu tư đồng bộ đến tận hàng rào, sẵn sàng cung cấp điện ngay khi doanh nghiệp có nhu cầu. Với phương châm “điện đi trước một bước”, ngành điện đã ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng điện cho các cụm, KCN, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, tăng trưởng kinh tế cũng như thu hút doanh nghiệp đầu tư.
PC Quảng Nam phối hợp chặt chẽ với với các doanh nghiệp mới thành lập có nhu cầu sử dụng điện hoặc có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh để kịp thời quy hoạch, xây dựng, phát triển hệ thống lưới điện bảo đảm khả năng cung cấp điện phục vụ phát triển công nghiệp, sản xuất và sinh hoạt. Quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về cung cấp điện cũng được rút ngắn.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, PC Quảng Nam chú trọng công tác quản lý vận hành, giảm tổn thất điện năng để đảm bảo cung cấp đủ điện với chất lượng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Nhằm nâng cao chất lượng cung cấp điện, nâng cao năng suất lao động, giảm sự cố lưới điện, trên cơ sở lộ trình phát triển lưới điện thông minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, PC Quảng Nam đã có 13/13 trạm biến áp 110kV ở các KCN vận hành ở chế độ không người trực.
Nếu như trước đây, hệ thống nguồn, lưới điện được quản lý qua giấy tờ, sổ sách thì hiện nay, khi thực hiện chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu đồng bộ về hệ thống thiết bị nguồn lưới điện thực hiện theo phần mềm PMIS.
Cũng trên cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên qua PMIS, các thiết bị điện quan trọng như máy biến áp, máy cắt, dao cách ly trong trạm biến áp 110kV ở KCN được chấm điểm CHI (Condition Health Index - Chỉ số sức khỏe của thiết bị) và phân tích tình trạng vận hành để “chẩn đoán bệnh” trong thời gian thực, trên cơ sở đó có biện pháp tăng cường theo dõi công tác vận hành, kịp thời điều chỉnh chu kỳ kiểm tra thử nghiệm và có biện pháp bảo dưỡng, xử lý, tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Thời gian đến, PC Quảng Nam sẽ bám sát nhu cầu của các nhà đầu tư để rà soát nguồn lực, xây dựng kế hoạch đầu tư nguồn và lưới điện theo hướng chủ động, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của tất cả nhà đầu tư. PC Quảng Nam luôn đảm bảo cung ứng điện cho các dự án lớn mà tỉnh và các nhà đầu tư triển khai.
“PC Quảng Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu kinh tế và KCN tỉnh xây dựng hoàn thiện quy trình giải quyết các thủ tục hành chính cấp điện trung áp theo cơ chế một cửa liên thông điện tử trên Cổng dịch vụ công và Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. Qua đó đã tạo điều kiện cho khách hàng, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận sử dụng dịch vụ một cách thuận lợi nhất” - ông Nguyễn Hữu Khánh nói.