Không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch Covid-19
Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhấn mạnh như vậy tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 và triển khai tiêm vắc xin trên toàn tỉnh, diễn ra vào hôm qua 20.9.
Tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em thấp
Nhận định tỷ lệ tiêm vắc xin đã tăng nhiều lần so với tháng trước, ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, đây là kết quả từ sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh cùng với việc tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin trên toàn tỉnh.
Quảng Nam đang thiếu vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên (thiếu từ ngày 29.8) và Sở Y tế đã có tờ trình đề xuất cấp bổ sung vắc xin phòng Covid-19 đến Bộ Y tế. Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam cho biết, Sở Y tế đã làm việc với một số địa phương đang thừa số vắc xin cho người lớn để điều chuyển, thực hiện tiêm các mũi 3, mũi 4 cho người 18 tuổi trở lên. Dự kiến trong tháng 10, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cấp vắc xin cho Quảng Nam và ngành y tế sẽ tập trung tiêm mũi 1 và mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, cũng như các mũi bổ sung.
“Thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phân công thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cấp tỉnh theo dõi công tác tiêm vắc xin của từng địa phương, tiến hành kiểm tra thường xuyên tại các địa phương và điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19… mà Quảng Nam đã nâng được vị thứ trong bảng xếp hạng tiêm chủng toàn quốc” - ông Mười nói.
Thời gian qua, dù tỷ lệ tăng nhưng số vắc xin hiện còn tồn ở các huyện, thị xã, thành phố vẫn khá nhiều, trong đó có thể kể đến như Điện Bàn, Hội An, Núi Thành...
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, nhiều công nhân đã tiêm ở các địa phương khác, bên cạnh đó rất khó vận động trẻ em ở độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi thực hiện tiêm chủng... Đây cũng là lý do ngành y tế đưa ra khi tỷ lệ tiêm vắc xin ở độ tuổi này của Quảng Nam vẫn đang rất thấp so với mặt bằng chung cả nước.
“Sự e ngại của các bậc cha mẹ về phản ứng sau tiêm, lo sợ ảnh hưởng của vắc xin đến sức khỏe lâu dài của trẻ dẫn đến tỷ lệ không đồng ý tiêm chủng ở nhóm trẻ nhỏ cao hơn so với nhóm trẻ 12 - 17 tuổi và người lớn.
Bên cạnh đó, hiện tại số mắc Covid-19 giảm, các trường hợp trẻ em mắc bệnh hầu hết ở mức độ nhẹ dẫn đến tâm lý chủ quan của người dân đối với việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ là không cần thiết.
Ngoài ra, Quảng Nam nhận vắc xin trẻ em vào giai đoạn đang nghỉ hè nên việc rà soát nắm số lượng trẻ gặp khó, cần phải có sự vào cuộc của chính quyền. Chưa kể, toàn tỉnh có khoảng 10 nghìn trẻ em tiêm mũi 1 là vắc xin Moderna mà chưa có vắc xin cùng loại để tiêm mũi 2” - ông Mai Văn Mười nói.
Không chủ quan
Bên cạnh việc biểu dương một số địa phương đã nỗ lực để tăng tốc tỷ lệ tiêm vắc xin phòng chống dịch Covid-19, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng, vẫn còn một số địa phương, đơn vị lơ là, có tư tưởng chủ quan trong công tác phòng chống dịch.
“Chính sự lơ là từ cấp quản lý dẫn đến tỷ lệ tiêm vắc xin thấp ở một số nhóm đối tượng, trong đó đặc biệt là trẻ em ở một số nơi rất thấp. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ đảng viên ở các sở ngành địa phương chưa làm gương trong công tác tiêm chủng” - đồng chí Lê Văn Dũng nói.
Xác định việc đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân là mục tiêu quan trọng hàng đầu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng yêu cầu khắc phục các hạn chế đã nhìn thấy, kiên quyết hơn nữa các giải pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt trong giai đoạn sắp đến mùa mưa lũ như hiện nay, tránh để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch.
Cán bộ công chức viên chức, đảng viên phải đi đầu để quần chúng noi theo, phải thực hiện tiêm chủng đầy đủ. Người đứng đầu các sở ngành, cấp ủy chịu trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm soát tình hình tiêm chủng, thực hiện phê bình kiểm điểm nghiêm túc đối với những trường hợp không chấp hành. Các địa phương thực hiện biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ, nhất là công tác tiêm vắc xin cũng như các dịch bệnh trong mùa mưa lũ sắp tới.