Những phận đời sau đôi gánh hàng rong

NGUYỄN QUỲNH 20/09/2022 14:17

(QNO) - Đại dịch Covid-19 đi qua, những người phụ nữ mưu sinh với gánh hàng rong ở thành phố Hội An trở lại cuộc sống bình thường. Nghề mua gánh, bán bưng của họ có phần khởi sắc, nhưng chẳng được bao nhiêu vì lượng khách đến tham quan phố cổ giảm hơn trước dịch bệnh rất nhiều, nên đời sống còn khá nhiều chật vật với bao nỗi niềm lo toan.

Những giọt mồ hôi ướt đẫm áo, vết chân in hằn trên từng tuyến đường khi những gánh hàng rong đi qua nơi phố Hội. Ảnh: N.Q
Những giọt mồ hôi ướt đẫm áo, trên vai là gánh hàng rong đi qua từng con phố. Ảnh: N.Q

Giữa dòng khách du lịch đông đúc qua lại trên các tuyến đường, con hẻm ở phố Hội, không khó để nhìn thấy các mẹ, chị quẩy trên vai đôi gánh hàng rong, hoặc trên chiếc xe đạp cũ kỹ với những món hàng dân dã như trái cây, bánh da lợn, đậu hũ, chè... để bán cho du khách hay người dân địa phương.

Khách du lịch thưa thớt nên gánh hàng rong cũng chẳng bán được bao nhiêu. Ảnh: N.Q
Khách du lịch thưa thớt nên gánh hàng rong cũng chẳng bán được bao nhiêu. Ảnh: N.Q

Món hàng dân dã, tuy giá trị không cao, nhưng đối với họ đó là cả một tài sản để nuôi cả gia đình. Đa số những người bán hàng rong đều ở xa, mỗi ngày họ phải di chuyển liên tục vì chính quyền địa phương cấm bán hàng rong trong phố cổ. Ở những nơi họ đi qua, không biết có bao nhiêu giọt mồ hôi rơi rớt và in hằn những dấu chân mệt mỏi. 

Gánh hàng rong đem lại cho bà Tiếng khoảng doanh thu chưa tới 200 ngàn đồng/ngày nhưng bà còn phải nuôi đến 3 miệng ăn trong gia đình. Ảnh: N.Q
Gánh hàng rong đem lại cho bà Tiếng khoản chưa tới 200 ngàn đồng/ngày, nhưng bà còn phải nuôi đến 3 miệng ăn trong gia đình. Ảnh: N.Q

Bà Trần Thị Tiếng (58 tuổi, khối phố 7A, phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn) bán hàng rong ở đường Lê Lợi (Hội An) chia sẻ, buổi sáng, bà luôn dậy sớm để chuẩn bị nấu các món tàu phớ, đậu hủ, xoa xoa để gánh xuống phố cổ bán cho khách du lịch, người dân đến chiều tối mới trở về nhà.

Mỗi ngày, gánh hàng rong đem lại cho bà khoản doanh thu khá eo hẹp - chỉ tầm 100 - 150 ngàn đồng/ngày, sau khi trừ chi phí mua nguyên liệu. Trong khi đó, gánh hàng ấy là cả một "nồi cơm" để lo cho 3 miệng ăn, khổ hơn là một người con trai đang khuyết tật, sống nhờ tiền sự hỗ trợ hàng tháng của nhà nước.

Mọi vất vả, nhọc nhằn đổ lên đôi vai người đàn bà có thân hình gầy guộc. Hằng ngày, bà Lai cật lực mưu sinh ở phố để đêm về mới nghe đôi bàn chân đau buốt mệt mỏi, nhưng bà nào dám than trách số phận.

“Biết bán ri là sai quy định của thành phố, nhiều lần tôi bị tịch thu bàn ghế, phạt tiền, nhưng giờ không bán hàng rong thì không biết lấy chi lo cho 2 đứa con, nên tôi đành làm liều. Mong chính quyền thương tình, tạo điều kiện chứ tôi cũng hết cách rồi”.

Ánh mắt đầy lo toan về cuộc sống, khi cái tuổi bà Lai đáng lẻ ở nhà để con cháu phụng dưỡng. Ảnh: N.Q
Ánh mắt đầy lo toan về cuộc sống, khi cái tuổi bà Lai đáng lẻ ở nhà để con cháu phụng dưỡng. Ảnh: N.Q

Cùng cảnh ngộ, hơn 3 năm gắn bó với cảnh buôn gánh, bán bưng nơi phố Hội, bà Nguyễn Thị Lai (76 tuổi, xã Tiên Thọ, Tiên Phước) cho hay, gia đình bà có 3 người con và đã lập gia đình nhưng gia cảnh đều nghèo khó như nhau.

Để tự lo bản thân, bà lưu lạc xuống Hội An để mưu sinh với gánh đậu hũ. Mỗi chén đậu bà bán với giá 5 ngàn đồng, sau khi trừ đi các khoản chi phí mua nguyên liệu, chỉ còn chừng 50 - 70 ngàn đồng/ngày.

Trước đại dịch Covid-19 bùng phát, gánh hàng rong đem lại cho bà Lai khoản doanh thu tuy không nhiều nhưng cũng đủ giúp bà trang trải hằng ngày. Sau khi dịch tạm lắng, khách thưa thớt, mặt khác do bà tuổi cao, không biết ngoại ngữ việc bán hàng cũng giảm suốt, đời sống thêm chật vật.

"Tôi may mắn được một người dân ở phường Cẩm Nam (Hội An) cho ở nhờ miễn phí, chứ nếu thuê tiền trọ chắc không có đủ tiền để lo. Để cảm ơn gia đình người chủ nhà tốt bụng, tôi dọn dẹp nhà cửa, quét tước sạch sẽ.... Ở phố Hội, người dân ưu ái ri là tôi mừng lắm rồi, chứ giờ thuê nhà thì không có tiền trả” - bà Lai không giấu được cảm xúc.

Trên mọi nẻo đường, con hẽm ở phố Hội đều xuất hiện bóng dáng người bán hàng rong. Ảnh: N.Q
Trên mọi nẻo đường, con hẻm ở phố Hội đều có bóng dáng người bán hàng rong. Ảnh: N.Q

Mỗi người một câu chuyện, nhưng họ có chung hoàn cảnh nghèo khó, không nghề nghiệp, không đất đai sản xuất nên chọn nghề mua gánh bán bưng làm kế sinh nhai.

Đối với những người phụ nữ bán hàng rong, ước muốn của họ chỉ đơn giản là bán hết được gánh hàng, hay ước muốn nhỏ nhoi được quây quần bên mâm cơm gia đình không phải lo nghĩ về cơm áo gạo tiền nữa.

Góc phố cũng là nơi họ mưu sinh hằng ngày. Ảnh: N.Q
Góc phố cũng là nơi họ mưu sinh hằng ngày. Ảnh: N.Q

NGUYỄN QUỲNH