Dòng vốn FDI vào Đông Nam Á tăng mạnh
(QNO) - Vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, các nền kinh tế thành viên thuộc Hiệp hội Các quốc gia khu gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) triển khai mạnh mẽ chiến lược thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Ngày 14.9 vừa qua, hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Hội đồng khu vực đầu tư ASEAN công bố báo cáo đầu tư ASEAN (AIR) năm 2022 với tiêu đề: "Phục hồi đại dịch và thuận lợi hóa đầu tư".
Theo báo cáo, các nước ASEAN nhận được 174 tỷ USD dòng vốn FDI vào năm 2021, tăng 42% so với năm trước đó.
Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cho biết, sự gia tăng FDI tại khu vực lên mức gần trước đại dịch làm đảo ngược mức sụt giảm 30% vào năm 2020 (122 tỷ USD) do bùng phát Covid-19. Như vậy, nguồn vốn FDI tăng trở lại sau đại dịch phản ánh sức hấp dẫn của nền kinh tế khu vực đối với các nhà đầu tư toàn cầu.
Dòng vốn FDI vào khu vực ngày càng được thúc đẩy bởi cơ hội mới nổi trong các lĩnh vực như xe điện, điện tử, kinh tế kỹ thuật số và công nghệ xanh.
Các công ty khởi nghiệp, đặc biệt là các kỳ lân đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các xu hướng mới trên và đóng góp vào quá trình chuyển đổi nền công nghiệp 4.0 ở ASEAN.
Trong nhóm 10 thành viên ASEAN, Singapore nhận được phần lớn nhất trong "miếng bánh" FDI với 99,1 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020; tiếp theo là Indonesia với 20,1 tỷ USD, Việt Nam 15,7 tỷ USD và Malaysia 11,6 tỷ USD.
Dòng vốn FDI vào Campuchia không thay đổi nhiều, ở mức 3,5 tỷ USD (3,6 tỷ USD vào năm 2020) nhưng vẫn ở mức cao so với mức trung bình hằng năm giai đoạn 2015 - 2019 là 2,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tại Campuchia tăng 28% lên 710 triệu USD. FDI vào ngành may mặc - theo truyền thống là nước tiếp nhận sản xuất lớn nhất - giữ ổn định ở mức 272 triệu USD.
FDI từ Mỹ vào khu vực ASEAN chiếm tỷ trọng lớn nhất với 40 tỷ USD. Tiếp theo là Trung Quốc với 14 tỷ USD, tăng 96%, chủ yếu đổ vào sản xuất, các hoạt động liên quan đến xe điện, kinh tế kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng và bất động sản.
Đầu tư từ Nhật Bản tăng nhẹ lên 12 tỷ USD, chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất như điện tử và các ngành công nghiệp ô tô, bao gồm xe điện.
Tuy nhiên, đầu tư nội khối ASEAN lại giảm 2 tỷ USD, tương đương 9% dù dòng vốn vào vẫn ở mức cao là 21 tỷ USD. Đầu tư trong khối ASEAN vẫn là một nguồn đáng kể, chỉ đứng sau Mỹ.
Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi nói: "Khi chúng ta tiếp tục đối mặt với những bất ổn kinh tế toàn cầu do các yếu tố như đại dịch đang tiếp diễn, gián đoạn chuỗi cung ứng, áp lực lạm phát và xung đột địa chính trị, điều quan trọng hơn bao giờ hết là ASEAN phải kiên định trong quá trình hội nhập kinh tế và tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh và đầu tư".
Báo cáo trên cũng nêu rõ, một số yếu tố dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ của dòng vốn FDI trong khu vực, bao gồm sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất, chiến lược đầu tư của doanh nghiệp tập trung vào việc mở rộng năng lực để thúc đẩy chuỗi cung ứng và phục hồi sau đại dịch, đầu tư các dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng, bao gồm kinh tế kỹ thuật số.
Thông tin từ Tổng cục Thống kê, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong 8 tháng năm 2022 ước tính đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua.