Trao cơ hội “khởi nghiệp” cho phụ nữ

MỘC MIÊN 16/09/2022 09:02

“Phụ nữ miền núi khởi nghiệp, nghe khó quá!”. Đó là lời của bà A Rất Thị Hoa - Chủ tịch Hội LHPH huyện Nam Giang. Nhưng không phải vì vậy mà phụ nữ ở địa phương thiếu cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế gia đình...

Khởi nghiệp đang “hot”, đây chẳng qua là cách dùng chữ để… kích thích, chứ chẳng qua là tìm kiếm, tạo công ăn việc làm cho chính mình và người khác. Phụ nữ miền núi, lâu nay ở trong vòng xoáy của khốn khó. Muốn họ khởi nghiệp thì phải tuyên truyền.

“Theo tôi, muốn nói chị em nghe, thì mình phải làm được. Tôi vốn từ ngành nông nghiệp qua, nên cũng có cái lợi trong vận động chị em làm kinh tế. Ở núi, phụ nữ có làm ra tiền thì mới chủ động mua sắm, lo cho con, còn không, mãi là hình bóng của đàn ông, còn đàn ông ở núi, anh biết rồi đó…” - bà A Rất Thị Hoa nói.

Cách làm của Hội LHPN Nam Giang là giao hội phụ nữ xã làm việc với ủy ban xã, tìm suất đầu tư cho các hội viên, bởi ngân sách rót về thì ủy ban làm chủ đầu tư. Mỗi thôn ít nhất phải có được 4 - 5 hội viên phụ nữ nhận được cây con giống, nếu làm tốt, thì sang năm mới, ủy ban mới rót vốn tiếp.

Mấy năm gần đây, doanh nghiệp nuôi heo bản địa, gà, vịt, dê, trồng bưởi da xanh..., chủ yếu là phụ nữ “khởi nghiệp”. Chị Hoa nói: “Chúng tôi ký kết với ngân hàng chính sách xã hội, hội viên có nhu cầu sẽ được vay ngay 50 triệu đồng. Con số tính được khoảng 100 hội viên đã bắt tay vào làm ăn bài bản. Không dễ chút nào, bởi bao đời phụ nữ miền núi đâu có chủ động làm kinh tế”.

Tuy nhiên, đâu phải mọi thứ đã hanh thông, bởi nhiều phụ nữ có tư tưởng thoát nghèo thì con đi học không được hưởng chính sách, rồi lại đẻ thêm, lại đói nghèo...

“Chúng tôi phải đi trực tiếp dự hội nghị chi hội ở các thôn, ráo riết tuyên truyền: Muốn thoát nghèo, phải dừng đẻ thêm, chỉ hai con thôi. Chừng nào mà chồng phải đi xin tiền mình để uống rượu, thì lúc đó mình mới hết làm… cảnh cho chồng” - chị Hoa nói.

Hội LHPN huyện Nam Giang cũng tìm mọi cách kết nối với các dự án, hễ có hội chợ là đem sản phẩm giới thiệu, bởi “làm cho lắm mà không có đầu ra, thì cũng bỏ”. Huyện hội đứng ra hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác, cứ theo đó mà làm, từ trồng lúa nếp than đến làm rượu cần…

Câu chuyện trên có lẽ sẽ khiến nhiều người suy ngẫm. Lâu nay hội phụ nữ chỉ biết đến chủ yếu là tuyên truyền nuôi con khỏe dạy con ngoan, bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em, tổ chức các phong trào..., chứ hướng dẫn làm kinh tế thì gặp nhiều khó khăn. Ở miền núi, chuyện này càng khó.

Quan điểm “mình có làm ra tiền thì mới không bị coi thường”, có lẽ không sai, ít nhất trong tư duy của rất nhiều đàn ông, phụ nữ là ở trong bếp, nuôi con, ta làm ra tiền, ta khiến trị hết, ưng chi làm nấy.

Phụ nữ ở miền núi lắm thiệt thòi. Nếu họ cho họ được cánh cửa làm ăn, nghĩa là đã có sự khai mở trong tư duy của họ, bước ra khỏi bếp, học cách tính toán, làm ra được tiền thì chắc chắn ý thức về giá trị bản thân sẽ mọc mầm và vươn lên. Lúc đó, cái gọi là bình đẳng giới mới thực sự đúng tên gọi của nó!

MỘC MIÊN