Sốt xuất huyết diễn biến khó lường
Theo chu kỳ dịch bệnh sốt xuất huyết, năm nay nguy cơ dịch sẽ bùng phát mạnh. Từ thời điểm này trở đi, với điều kiện thời tiết giao mùa ẩm ướt, càng khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) có dấu hiệu gia tăng từ tháng 5.2022, tăng đột biến vào tháng 6 và gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Năm 2022, tính đến ngày 14.9, toàn tỉnh ghi nhận 7.190 ca mắc SXH tại 18 địa phương, tăng khoảng 22 lần so với cùng kỳ năm 2021 (cùng giai đoạn này năm 2021 chỉ có 323 ca). Địa phương có số mắc cao hiện nay là Thăng Bình, Điện Bàn, Tam Kỳ. Ông Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc CDC Quảng Nam cho biết, ngành y tế đã xử lý 199 ổ dịch, các ca mắc bệnh không có trường hợp tử vong.
Trong tháng 8, CDC Quảng Nam đã phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố giám sát công tác phòng chống dịch bệnh SXH tại địa phương, qua đó ghi nhận chỉ số côn trùng vượt ngưỡng cho phép gấp 2 - 3 lần, nhất là chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng và chỉ số muỗi có trong nhà dân khá cao.
Quảng Nam đang bắt đầu vào mùa mưa, cũng chính là điều kiện thích hợp cho véc-tơ truyền bệnh SXH du nhập, sinh trưởng và phát triển, nguy cơ gia tăng các ca bệnh và phát triển mạnh ra nhiều địa phương nếu không có các biện pháp chủ động phòng chống dịch. Ngành y tế dự báo thời gian tới tình hình SXH tiếp tục diễn biến phức tạp.
Tại thị xã Điện Bàn, từ đầu năm đến nay, địa phương này ghi nhận hơn 1.100 trường hợp mắc SXH Dengue, tăng 21 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đại diện Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn cho biết, do năm nay nằm vào năm chu kỳ dịch nên tình hình dịch SXH đang diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, ý thức của cộng đồng về phòng chống SXH chưa cao, người dân không chủ động diệt lăng quăng. Từ thói quen tích trữ nước, không lật úp, không xử lý dụng cụ và không diệt lăng quăng hàng tuần... làm cho công tác kiểm soát véc-tơ, phòng bệnh gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, một số ổ dịch phát hiện trễ do người dân mắc SXH tự điều trị tại nhà mà không đến cơ sở y tế. Các cơ sở y tế chưa nhập trường hợp bệnh kịp thời theo quy định (đặc biệt vào các ngày nghỉ, ngày lễ) gây khó khăn trong việc xử lý ổ dịch. Y tế xã, phường chịu áp lực lớn trong công tác tiêm chủng và vừa phải chống dịch... Những điều này gây nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền và hỗ trợ giám sát dịch.
Nhằm khống chế, không để dịch bệnh bùng phát mạnh, mới đây, UBND tỉnh có công văn yêu cầu các địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh SXH và các bệnh truyền nhiễm khác.
Ông Huỳnh Công Quang cho biết, CDC Quảng Nam đã có văn bản đề nghị trung tâm y tế các địa phương nhanh chóng huy động cán bộ, viên chức phối hợp với UBND các xã, phường nơi có ổ dịch để triển khai ngay các hoạt động xử lý, đồng thời xây dựng kế hoạch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường trên phạm vi toàn địa bàn theo tuần, tháng.
Ngoài ra, các địa phương sớm triển khai chiến dịch phun hóa chất chủ động tại các ổ dịch cũ kéo dài và điểm có nguy cơ cao; huy động lực lượng các ban, ngành, đoàn thể, thành lập các tổ, nhóm phối hợp với trạm y tế tham gia diệt lăng quăng tại các hộ gia đình…