Từ “Đội tự vệ đỏ” ngày ấy...
Ngoan cường trong các cuộc đấu tranh vệ quốc, các “Đội tự vệ đỏ” ngày ấy - tiền thân của Đội vũ trang tuyên truyền, sau này trở thành Lực lượng vũ trang TP.Tam Kỳ - đã lập nên nhiều kỳ tích, góp công rất lớn cùng chính quyền và nhân dân vùng lên đánh giặc, giải phóng quê hương.
Bảo vệ nhân dân
Ra đời trong thời điểm gian khổ của cuộc đấu tranh cách mạng, nhưng với truyền thống yêu nước, các “Đội tự vệ đỏ” Tam Kỳ ngày ấy đã tích cực huấn luyện sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng và chính quyền, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ “tiêu thổ kháng chiến”.
Thượng tá Vương Chí Dũng - Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự TP.Tam Kỳ cho biết, trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mặc dù là vùng tự do nhưng địa bàn Tam Kỳ liên tục hứng chịu những cuộc tấn công bằng không quân, lẫn sự càn quét từ phía biển.
Để đảm bảo mục tiêu bảo vệ nhân dân, cùng với mưu trí tổ chức các hoạt động kháng chiến ngoan cường, lực lượng vũ trang (LLVT) Tam Kỳ xây dựng các đội tự vệ ngày đêm luyện tập quân sự, tham gia chiến đấu, vận chuyển lương thực, đạn dược… phục vụ kháng chiến.
Được thành lập vào ngày 19.9.1945, LLVT TP.Tam Kỳ không ngừng lớn mạnh về số lượng, trở thành lực lượng tiền phong trong các cuộc đấu tranh giành chính quyền, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, chính quyền và nhân dân giao phó. Trải qua 77 năm xây dựng và trưởng thành, LLVT nhân dân TP.Tam Kỳ vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân” cho 14 tập thể và 5 cá nhân; có 802 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; cùng nhiều phần thưởng cao quý khác...
Bên cạnh làm tốt công tác bảo vệ các cơ sở sản xuất của tỉnh đứng chân trên địa bàn và hỗ trợ người dân di tản từ các vùng tạm chiếm về Tam Kỳ, các đội tự vệ còn triển khai lực lượng tiếp nhận thương binh, bệnh binh về điều trị; tiếp nhận các đơn vị bội đội chủ lực của tỉnh, của quân khu về an dưỡng, huấn luyện.
“Cuối năm 1959, Nghị quyết 15 của Trung ương ra đời và nhanh chóng được nhân dân Tam Kỳ tiếp nhận. Trên cơ sở thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Huyện ủy Tam Kỳ đã thành lập Đội vũ trang tuyên truyền gồm 8 người, do đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ làm đội trưởng, cùng nhân dân sát cánh, tạo nên niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng” - Thượng tá Vương Chí Dũng chia sẻ.
Để phù hợp với tình hình thực tiễn, tháng 4.1963, Tam Kỳ được chia tách thành 3 đơn vị hành chính, gồm các huyện Bắc Tam Kỳ, Nam Tam Kỳ và thị xã Tam Kỳ. Đối với thị xã Tam Kỳ, bên cạnh lấy các đội vũ trang tuyên truyền nội ô làm nòng cốt, địa phương điều động thêm lực lượng thành lập Thị đội, tập trung xây dựng và phát triển lực lượng đặc công tinh nhuệ lấy mật danh 75A do đồng chí Trần Xuân Vĩnh làm đội trưởng.
Đây được xem là đơn vị quân sự tinh nhuệ đầu tiên của thị xã - tiền thân của LLVT Tam Kỳ trong những năm kháng chiến chống Mỹ, góp sức cùng các lực lượng, chính quyền và nhân dân đánh thắng kẻ thù, giải phóng quê hương.
Tiếp nối truyền thống
Theo Thượng tá Huỳnh Kim Ngọc - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự TP.Tam Kỳ, ngay sau khi thị xã Tam Kỳ được giải phóng, để sớm ổn định cuộc sống của nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, LLVT thị xã dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thị ủy đã nhanh chóng tiếp nhận địa bàn, ổn định tình hình, kêu gọi lực lượng binh lính, những người từng làm việc trong chế độ cũ ra trình diện.
Tháng 10.1975, huyện Tam Kỳ được tái lập trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị hành chính trước đó là Nam Tam Kỳ, Bắc Tam Kỳ và thị xã Tam Kỳ. Ngay sau khi sáp nhập, LLVT của huyện đã nhanh chóng ổn định tổ chức và lực lượng cùng với nhân dân ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, do nằm trong vùng trọng điểm, nơi đóng chân các cơ quan đầu não của tỉnh Quảng Tín cũ trong chiến tranh nên khắp các nẻo đường, đồng ruộng của Tam Kỳ dày đặc các bãi bom mìn, đạn dược còn sót lại.
Để đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân, đồng thời nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, công tác rà phá bom mìn trở thành nhiệm vụ cấp bách. Với tinh thần đoàn kết, chỉ sau thời gian ngắn, hàng nghìn héc ta đồng ruộng, cùng hàng trăm cây số đường liên thôn, liên xã đã được làm sạch, đảm bảo an toàn cho nhân dân đi lại, đáp ứng mục tiêu phát triển sản xuất, phục hồi nền kinh tế nông nghiệp.
Sau nhiều lần sáp nhập, chia tách, bước vào thời kỳ đổi mới, vượt qua khó khăn thử thách, các LLVT TP.Tam Kỳ đã góp sức cùng Đảng bộ và chính quyền hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giữ bình yên cho vùng đất mới.
“Tự hào với truyền thống anh hùng trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, các LLVT TP.Tam Kỳ hôm nay không ngừng nỗ lực rèn luyện, từng bước khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao phó, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương” - Thượng tá Huỳnh Kim Ngọc nói.