Loay hoay biên chế ngành y
Ngành y tế Quảng Nam nói chung, các đơn vị sự nghiệp của ngành nói riêng, vẫn đang lúng túng trong xây dựng định mức biên chế trước tình trạng nhân lực ngày càng thiếu hụt.
Tuyển thiếu, lại phải tinh giản
Ông Trần Xiêm - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Sở Y tế cho biết, năm 2022 ngành được giao 3.990 biên chế, trong đó có 2.555 biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước và 1.435 biên chế hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp.
Trong năm, theo lộ trình tinh giản biên chế, ngành có 19 người nghỉ việc, trong đó tuyến tỉnh 3 người, huyện 10 người, xã 6 người. Theo Đề án vị trí việc làm (VTVL) của Sở Y tế, tổng cộng vị trí việc làm còn thiếu trong toàn ngành lên đến 741 người.
Mới đây, để đảm bảo số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, một cuộc tuyển dụng viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế và các đơn vị sự nghiệp liên quan đến ngành y tế tỉnh Quảng Nam năm 2021 được tổ chức với tổng số 824 thí sinh dự thi (trong tổng số 1.091 hồ sơ đủ điều kiện thi tuyển).
Qua rà soát sơ bộ, đối chiếu với các điều kiện xác định thí sinh trúng tuyển và chỉ tiêu tuyển dụng dự kiến của ngành y tế, chỉ có khoảng 439 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển, còn thiếu khá nhiều so với chỉ tiêu và nhu cầu.
Đơn cử, ở vị trí bác sĩ hạng III, các đơn vị sự nghiệp công lập cần đến 136 chỉ tiêu thì chỉ có 57 thí sinh trúng tuyển, bác sĩ dự phòng hạng III tuyển 28 chỉ tiêu nhưng chỉ có 23 thí sinh trúng tuyển...
Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện nay Bộ Y tế chưa ban hành thông tư hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế, trong khi Thông tư liên tịch số 08 ban hành năm 2007 đã hết hiệu lực. Chính điều này gây khó khăn trong việc xác định số lượng người làm việc tại các đơn vị, dẫn đến việc giao biên chế còn lúng túng, chưa thống nhất trong toàn ngành.
Theo ông Mười, các cơ sở khám chữa bệnh phải căn cứ số lượng giường bệnh kế hoạch được giao làm căn cứ xây dựng Đề án VTVL, thực tế nhiều đơn vị kê thêm gấp 1,5 - 2 lần so với giường kế hoạch giao nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.
Chính vì vậy các đơn vị phải hợp đồng người làm việc ngoài chỉ tiêu biên chế được giao. Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế theo lộ trình cũng gây khó khăn về nhân lực y tế đối với các đơn vị sự nghiệp.
Chờ nghị định mới
Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ nói, thực trạng nhân lực ngành y tế trong nhiều phiên họp đã đánh giá thiếu rất nhiều và thiếu ở các lĩnh vực. Tuy nhiên, qua thẩm định, trên cơ sở biên chế cũng như các chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy, đối với biên chế của sự nghiệp y tế năm 2022 cho đến năm 2025 không giảm mà còn tăng, theo hình thức chuyển nhân sự hưởng lương từ ngân sách sang hưởng lương từ nguồn thu, chuyển bác sĩ ở khối điều trị sang hưởng lương từ nguồn thu.
Bà Hoa phân tích, qua kết quả thẩm định năm 2022 của Sở Nội vụ, các đơn vị sự nghiệp y tế giảm 377 biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước (giảm 12,9%). Trong khi đó, tăng 452 biên chế hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp (tăng 46%). Như vậy, biên chế của sự nghiệp y tế tăng chứ không giảm.
Tương tự, thẩm định đến năm 2025, biên chế ngành y tế hưởng lương từ ngân sách giảm 12,9% và tăng 48,5% số biên chế hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp. Do vậy, theo bà Hoa, ngành y tế cần tính toán, linh động trong số định biên đã được phê duyệt và thẩm định để làm việc.
Được biết, Nghị quyết 102 (ngày 3.7.2020) của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế đã cho phép các đơn vị sự nghiệp y tế tự chủ một phần được ký hợp đồng lao động để bảo đảm số thiếu so với định mức được giao. Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng dự thảo nghị định về cơ chế hợp đồng làm chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập để trình Chính phủ xem xét.
Nếu được ban hành, đây được xem là giải pháp tháo gỡ vướng mắc của các đơn vị sự nghiệp y tế. Bởi theo quy định hiện hành, đơn vị y tế công lập không được ký hợp đồng làm việc chuyên môn, dù phải thực hiện đúng tinh thần chính sách tinh giản biên chế, dẫn đến thiếu nhân lực.