Phản biện xã hội đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
(QNO) - Sáng nay 15.9, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Tham dự hội nghị có đại diện các bộ, ngành trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học và hơn 3.400 đại biểu tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố. Tại điểm cầu Quảng Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca chủ trì.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp lần thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, Luật Đất đai đã bộc lộ những hạn chế, gây khó khăn, vướng mắc, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18, ngày 16.6.2022 với 5 quan điểm, 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp, 8 nhóm chính sách lớn trong hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đất đai và tổ chức thực thi. Đây là định hướng chính trị đặc biệt quan trọng để sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.
Tại hội nghị, đại biểu đã tập trung phản biện đối với một số nội dung cụ thể như sự tương thích của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với Hiến pháp năm 2013 và các luật khác có liên quan. Việc thể chế hóa các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo tinh thần của Nghị quyết số 18. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước các cấp và quyền chủ thể của nhân dân, quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất.
Các ý kiến cũng tập trung thảo luận nội dung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm tăng tính công khai, minh bạch, bình đẳng giao đất, cho thuê đất. Hoàn thiện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư. Đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định về tài chính đất đai, giá đất trong dự thảo.
Tổng hợp ý kiến gửi đến hội nghị phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, các ý kiến cho rằng nhiều quy định trong dự thảo luật vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, chưa thể chế đầy đủ các chính sách mới trong Nghị quyết số 18. Vẫn còn nhiều nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất; chưa tạo không gian mới, động lực cho phát triển, bảo đảm an ninh - quốc phòng; giảm tối đa thủ tục hành chính.
Việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất, giảm khiếu kiện về đất đai cần quy định rõ hơn…
Trong 8 nhóm nội dung góp ý, phản biện đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đối với việc thể chế hóa các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam trong dự thảo, các ý kiến đề nghị cần thể chế đầy đủ phương châm “dân biết, dân kiểm tra, dân giám sát” vào những nội dung cụ thể liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Ngoài ra, cần quy định rõ vai trò của MTTQ Việt Nam tham gia vào việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi UBND cùng cấp phê duyệt. Quy định cụ thể hơn nhiệm vụ của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát việc thực hiện và phản biện xã hội.