Đêm hội Văn hóa dân tộc Bắc Trà My: Sản phẩm du lịch mới
Từ tháng 9.2022, vào ngày 1 hàng tháng, tại phố đi bộ (khu vực check-in, đài vọng cảnh, cầu treo kính) bờ kè sông Trường (tổ Đồng Trường, thị trấn Trà My) diễn ra Đêm hội Văn hóa các dân tộc Bắc Trà My với nhiều hoạt động
Ấn tượng đêm hội tháng 9
“Mở hàng” tổ chức Đêm hội Văn hóa dân tộc vào tối ngày 1.9 vừa qua là hoạt động sôi động, giàu cảm xúc của đoàn nghệ nhân, diễn viên quần chúng người Mường của xã Trà Giang.
Theo ông Lê Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Trà Giang, địa phương hiện có khoảng 440 người trong số gần 3.500 nhân khẩu của toàn xã là người Mường, quê gốc ở tỉnh Hòa Bình.
Hơn 30 năm di cư vào, lập làng sinh sống tại khu vực thôn 3, ven sông Trường, dưới chân núi Hòn Bà, cứ đến dịp Quốc khánh 2.9, dân làng Mường ở đây tổ chức ăn Tết Độc lập.
“Trong phần lễ, người Mường trang hoàng, sửa sang bàn thờ Tổ quốc, Bác Hồ, tổ tiên; sắm mâm cỗ giỗ Bác Hồ và tưởng niệm trang nghiêm. Phần hội thì mở tiệc ăn mừng, chiêu đãi khách, tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao như múa cồng chiêng, hòa tấu nhạc cụ, múa sạp, ném còn… theo bản sắc truyền đời của họ” - ông Bình chia sẻ.
Tiếp nối thành công của Đêm hội Văn hóa người Mường xã Trà Giang, trong ngày đầu tháng 10 sắp tới sẽ là Đêm hội Văn hóa của người Ca Dong xã vùng cao Trà Bui. Tháng 11 sẽ là Đêm hội Văn hóa người Co của xã Trà Kót; tháng 12 sẽ do đơn vị thị trấn Trà My đảm nhận…
Theo nghệ nhân người Mường gạo cội Bùi Văn Ìn (63 tuổi), chương trình trình diễn văn hóa làng Mường được huyện chọn khởi đầu cho Đêm hội Văn hóa dân tộc tại phố đi bộ là vinh dự lớn đối với bà con người Mường.
“Chúng tôi huy động hơn 50 người đủ thế hệ tham gia trình diễn trong khoảng 5 giờ đồng hồ, tái hiện toàn bộ phần hội với các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao… để phục vụ công chúng và du khách.
Lần đầu trình diễn trước đám đông và có chút bỡ ngỡ nhưng ai nấy đều rất phấn khởi bởi nhờ cơ hội này mà bản sắc văn hóa của dân làng Mường được nhiều người biết đến hơn” - ông Ìn hồ hởi.
Sản phẩm du lịch mới
Khu trung tâm huyện Bắc Trà My có không gian kiến trúc hài hòa, đan xen giữa yếu tố hiện đại và truyền thống gần gũi với tự nhiên của đồng bào các dân tộc. Hai bờ sông Trường, đoạn chạy qua khu vực này được kết nối với 3 cây cầu.
Riêng cây cầu treo cũ - chứng nhân của một thời gian khó lưu thông cách trở cho đến khi địa phương có điều kiện xây dựng được những cây cầu bê tông kiên cố - đã hầu như bị lãng quên, vắng người qua lại thì bất ngờ được lột xác ngoạn mục do được trùng tu thành cầu treo kính đầu tiên ở vùng núi Quảng Nam.
Trải nghiệm các hoạt động Đêm hội Văn hóa và tham quan cầu treo kính, ông Matt Kourevellis - một du khách đến từ Australia cho biết, ông quá bất ngờ với cách thức tổ chức các hoạt động tại đêm hội, không cầu kỳ nhưng rất mới lạ và ấn tượng.
“Tôi sẽ còn quay lại và giới thiệu cho đồng nghiệp, bạn bè cùng đến với Đêm hội Văn hóa dân tộc ở Bắc Trà My. Địa phương có ý tưởng sáng tạo và tổ chức tốt, vì vậy nên làm đêm hội thường xuyên hơn để tạo thành một sản phẩm du lịch mới gắn kết, thu hút du khách” - ông Matt Kourevellis gợi mở.
Chị Hoàng Diệu Thúy - một du khách đến từ huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đã đến với Bắc Trà My nhiều lần nhưng lần này thì chị có nhiều bất ngờ.
“Chỉ cần tham quan khu Quảng trường Văn hóa huyện và giao lưu tại Đêm hội Văn hóa là có thể biết được nhiều câu chuyện thú vị về mảnh đất, con người nơi đây như cảnh đẹp, kiến trúc cây nêu, nhà sàn, trang phục, trang sức của người Co, Ca Dong, Xê Đăng….
Phố đi bộ thì rất đông vui, nhộn nhịp, thân thiện và giúp mình biết được ở Bắc Trà My còn có người Mường với văn hóa đặc sắc; rồi được đi cầu treo kính, được chụp hình lưu niệm toàn cảnh phố núi Trà My lung linh ở đài vọng cảnh... Trải nghiệm lần này thật khó quên” - chị Thúy chia sẻ.
Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho hay, huyện tiếp sức, định hình, tạo nền tảng ban đầu về điều kiện hạ tầng, không gian ẩm thực tại phố đi bộ để các đơn vị tổ chức, thể hiện bản sắc văn hóa tộc người, địa phương.
Sản phẩm này góp phần thay đổi giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc theo hướng thiết thực, khơi dậy ý thức tự giác, thắt chặt đoàn kết giữa các dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần gắn với phát triển du lịch.
Quan trọng nhất là phải bảo tồn và thực hành được truyền thống, bản sắc văn hóa gốc, lưu truyền cho thế hệ sau và hướng đến tạo ra được sản phẩm du lịch mới, ấn tượng, thu hút du khách.