Xử lý nước biển thành nước ngọt
(QNO) - Công nghệ thu thập nước ngọt từ nước biển của công ty khởi nghiệp Manhat tại thành phố Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất được kỳ vọng góp phần giải quyết vấn đề khan hiếm nước ngọt ở Trung Đông, bên cạnh bảo vệ môi trường sinh thái.
Công ty Manhat đang tạo ra một thiết bị nổi có nhiệm vụ thu giữ nước bốc hơi từ bề mặt đại dương, ngưng tụ và thu nhận dưới dạng nước ngọt để cung cấp cho cộng đồng ven biển tại địa phương.
Đối với một số quốc gia, các nhà máy khử muối đưa ra một giải pháp - loại bỏ muối khỏi nước biển để đáp ứng nhu cầu nước ngọt. Nhưng các nhà máy như vậy vẫn chủ yếu hoạt động bằng nhiên liệu hóa thạch, có thể gây hại cho các hệ sinh thái và động vật biển.
Được thành lập vào năm 2019, công ty khởi nghiệp Manhat phát triển một thiết bị nổi có thể chưng cất nước mà không cần điện hoặc tạo ra nước muối.
Thiết bị bao gồm một cấu trúc nhà kính nổi trên bề mặt đại dương. Đặc biệt, ánh sáng mặt trời làm bốc hơi nước bên dưới cấu trúc, từ đó tách nước và các tinh thể muối. Khi nước nguội đi sẽ ngưng tụ thành nước ngọt và đọng lại ở bên trong thiết bị.
Đầu năm nay, công nghệ của Công ty Manhat nhận được giải thưởng "Đổi mới sáng tạo của châu Âu" - dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các giải pháp đột phá trong lĩnh vực nước. Công nghệ của Manhat có khả năng sản xuất nước ngọt với không khí thải CO2 và không thải nước muối.
Manhat muốn sử dụng các thiết bị khử mặn nhằm cung cấp nước ngọt tưới cho cây trồng, giúp các quốc gia Trung Đông bớt khan hiếm nước.
Tiến sĩ Saeed Alhassan Alkhazraji - người sáng lập công ty và là phó giáo sư tại Đại học Khalifa của Abu Dhabi cho biết: "Nếu bạn sản xuất nước (ngọt) trên bề mặt biển và sử dụng cho nông nghiệp, bạn có thể cho phép tái tạo diện tích đất canh tác một cách hiệu quả, đặc biệt tại khu vực đất canh tác khô cằn".
Nhờ vậy, Manhat cung cấp giải pháp công nghệ có khả năng phục vụ các khu vực ven biển khô cằn không có lưới điện để cung cấp một nguồn nước hiệu quả, chi phí thấp, giảm lượng khí thải CO2 tổng thể của quá trình khử muối.
"Chúng ta phải chấp nhận một thực tế rằng nước biển phải đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước ngọt. Nhưng chúng ta cần có một giải pháp giảm thiểu phát thải CO2 và loại bỏ hoàn toàn nước muối trong quá trình xử lý" - tiến sĩ Saeed Alhassan Alkhazraji nói.
Một mùa hè nắng nóng và hạn hán khắc nghiệt trên khắp thế giới là một lời nhắc nhở rằng khan hiếm nước là một vấn đề cấp bách và có thể trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện hơn 2 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận dễ dàng với nước sạch.