Chuyện nữ giám đốc hợp tác xã
Năng động, ham học hỏi, dám nghĩ dám làm, chị Bùi Thị Tuyết Nhung - Giám đốc Hợp tác xã Best One (tại phường An Phú, TP.Tam Kỳ) đã và đang đưa hoạt động của hợp tác xã ngày càng hiệu quả.
Quê quán tại xã Đại Hồng (Đại Lộc), sau khi tốt nghiệp đại học và làm việc nhiều nơi, chị Tuyết Nhung (SN1982) quyết định chọn TP.Tam Kỳ để “an cư, lạc nghiệp”.
Năm 2017, chị Nhung mở cửa hàng mini mart kinh doanh các mặt hàng thiết yếu. Đến năm 2019, chị mở cơ sở Best One chuyên cung cấp nhiều đặc sản mang tính đặc trưng như sâm, bánh tráng Đại Lộc, nấm và đặc biệt là các sản phẩm chế biến từ cây nhàu.
Đến năm 2021, chị quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Best One, tập trung sản xuất, chế biến nhàu lát khô, bột nhàu, trà nhàu túi lọc, viên nhàu, nhàu tươi ngâm mật ong, nước cốt nhàu, nước cốt nhàu vị dứa, rượu nhàu, muối chườm thảo dược cung cấp cho thị trường. Trong đó, sản phẩm “Bột Nhàu” đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Chị Bùi Thị Tuyết Nhung chia sẻ, cây nhàu có sức sống mãnh liệt, trồng được ở đồng bằng đến miền núi hay hải đảo, vùng ẩm thấp hoặc đất sỏi. Đáng chú ý, theo dân gian, cây nhàu có thể chữa chứng bệnh đau nhức xương khớp, tiểu đường, cao huyết áp. Chính vì vậy, chị Nhung bắt đầu khởi nghiệp với ý tưởng “Đánh thức giá trị cây nhàu”, đạt giải Nhì “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh”.
Chị còn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trên sách báo và mô hình kinh doanh khác, tham gia tập huấn về khởi nghiệp do UBND, Hội LHPN TP.Tam Kỳ tổ chức. Qua đây, chị xây dựng ý tưởng “Dịch vụ đi chợ thuê, bảo vệ thương hiệu thực phẩm sạch và truy xuất nguồn gốc” để tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ II do Hội LHPN tỉnh tổ chức, được công nhận có tính khả thi cao.
Đặt mục tiêu lấy người nông dân làm đầu, mà nhất là phụ nữ, chị Tuyết Nhung cung cấp cây giống, phân bón để họ trồng và HTX bao tiêu thu mua quả nhàu. Đến nay, nguồn nguyên liệu này nhân rộng ra hàng nghìn cây trên vùng đất Tam Kỳ, Núi Thành, Đại Lộc. Gần hai năm kể từ khi bắt đầu trồng, chị em đã thu hoạch những lứa trái đầu tiên.
Tại phân xưởng sản xuất, HTX thu hút lực lượng lao động cũng là phụ nữ với hơn 10 người; đồng thời liên kết tạo việc làm thêm cho phụ nữ khuyết tật. HTX còn liên kết với các làng nghề để tạo chuỗi du lịch trải nghiệm cho khách du lịch đến tham quan vườn nhàu, thăm cơ sở sản xuất, làng nghề mắm, nghề làm chiếu cói…
Ông Đặng Văn Tính - Trưởng phòng Kế hoạch - kiểm tra Liên minh HTX tỉnh cho biết, chị Tuyết Nhung rất tích cực tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý, kỹ năng bán hàng, chuyển đổi số do Liên minh HTX tỉnh hoặc các ngành tổ chức.
Chị Tuyết Nhung luôn tâm huyết, đóng góp nhiều với phong trào, mà việc đảm đương Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khởi nghiệp TP.Tam Kỳ là minh chứng. Chị luôn tích cực tham gia các chương trình từ thiện; nhận bảo trợ một trẻ mồ côi tại khối phố Phú Trung (phường An Phú). Ứng dụng chuyển đổi số, HTX đưa sản phẩm nhàu Best One đến thị trường chủ yếu bằng phương pháp online, thương mại điện tử.