Giấc mơ rượu cần... xuống núi

TRUNG VIỆT 13/09/2022 09:14

Câu chuyện về cách làm men rượu bí truyền của đồng bào vùng cao và làm cách nào để có thể đưa vào sản xuất thành sản phẩm hàng hóa là bài toán khó...

Già Cầu - người nắm giữ bí quyết làm men ngon ở Ngọc Linh. Ảnh: T.VIỆT
Già Cầu - người nắm giữ bí quyết làm men ngon ở Ngọc Linh. Ảnh: T.VIỆT

Theo nhiều người dân ở vùng Ngọc Linh, tại các xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, Trà Don, đồng bào Xê Đăng, Ca Dong nắm giữ bí quyết làm men rượu cần rất ngon, trong đó rượu cần tại Trà Don có vị đặc biệt hơn. Già Hồ Văn Cầu (nóc Tắc Tố, xã Trà Don) là một trong số ít người nắm được cách làm men bí truyền.

Già Cầu cho biết, từ 10 hộ, nay chỉ còn 4 hộ ở Trà Don làm men, tập trung hết ở Tắc Tố. “Kêu là cây men dây, có từ thời ông bà xưa, tháng 11 âm lịch thì vào rừng lấy nó đem về, giã bỏ phần lõi, chỉ lấy vỏ, lại giã tiếp cho nát ra thành bột rồi trộn với gạo đỏ, lại giã tiếp rồi đem ngâm nước lạnh, ủ 3 đêm trong ống nứa, nó sẽ thành men” - già Cầu nói.

Phải lấy vào tháng 11, vì lúc đó cây men dây làm men mới ngon, còn các tháng khác thì chất lượng sẽ không bằng. Có một cách giải thích khác, là thuở xa xưa, sau khi thu hoạch lúa rẫy, đưa về kho, ăn lúa kho, từ đó mới đi lấy men về ủ rượu. Cũng theo già Cầu: “Men đó và gạo đỏ làm men mới ngon chứ lấy bột ngọt mua ở đồng bằng thì dở”. Theo đó, 1 lon men nước ủ được 3 ché to (loại 20 lít/ché).

Ảnh: T.VIỆT
Ảnh: T.VIỆT

Anh Hồ Văn Võ, cán bộ địa chính xã Trà Don cho biết, năm 2017 - 2019, xã làm đề án OCOP là men rừng này, nhưng không được duyệt. Vừa rồi tại phiên chợ sâm của huyện Nam Trà My, xã thuê già Cầu làm 20 ché (loại ché 5 lít) và đưa xuống giới thiệu cho quan khách tham gia phiên chợ uống thử. Nhiều người không làm được men này, đành phải mua, già Cầu bán mỗi lon men chỉ 30 nghìn đồng; giá 1 ché 20 lít là 1,2 triệu đồng.

Câu chuyện đưa rượu cần Tắc Tố xuống huyện là sáng kiến của anh Lê Trung Thực - Chủ tịch UBND xã Trà Don. Anh cho biết: “Đề án OCOP năm đó từ men dây thất bại, có lý do là họ giấu bí quyết, không truyền ra ngoài; làm men thì phụ nữ không cho vào và nguyên liệu không rõ ràng.

Muốn làm OCOP thì danh tính khoa học của sản phẩm đi cùng thành phần phải minh bạch. Tôi nói với già Cầu, mỗi tháng làm cho xã 10 ché để đưa xuống phiên chợ sâm, trước là giới thiệu, sau là bán thử. Vừa rồi đưa xuống, được mọi người đánh giá là sản phẩm tốt, rất ngon, được nhiều người mua. Tháng 11 năm nay, xã cố gắng hỗ trợ gạo, tiền công cho các hộ tại Tắc Tố làm số lượng lớn để đem bán”.

Còn câu chuyện, liệu nó trở thành sản phẩm hàng hóa không, để đưa rượu cần này trở thành đặc sản của Nam Trà My, ông Thực cho biết, điều này không dễ, bởi vấp phải rào cản phong tục.

Già Cầu không muốn truyền cho ai (khi được hỏi, già Cầu cho biết, sẵn sàng truyền lại cho các con trai, nhưng không biết họ chịu học không, bởi đã làm là theo suốt đời, không được bỏ, ông bà xưa bắt buộc vậy - NV). Khi chưa xóa được phong tục này, thì nó khó trở thành phổ biến.

Tuy nhiên, xã đang hy vọng, bởi ngay khu vực đó có 1 suối nước nóng, có doanh nghiệp muốn đầu tư vào, biến thành khu nghỉ dưỡng sinh thái, nhà nghỉ tại đây sẽ là nhà sàn, có bán rượu cần cho du khách. Nếu điều đó thành hiện thực, thì cơ hội cho rượu cần Trà Don khuếch trương tên tuổi, may ra sẽ làm nhiều hơn, được nhiều người biết đến.

Men đó chỉ làm rượu cần và theo già Cầu thì ông chưa dùng nó nấu rượu gạo từ gạo đỏ. Ông Thực cho rằng, nếu nấu được, thì thêm một may mắn cho sản phẩm của người dân đến với người tiêu dùng. Xem ra, làm để có ăn, chưa nói giàu, ở vùng cao nó nằm ngay trong tiềm năng chưa được khai phá, giới thiệu. Đây là bài toán đòi hỏi sự kiên trì của chính quyền lẫn sự hợp tác của người dân.

TRUNG VIỆT