Sinh kế cho người dân vùng sạt lở

TẤN SỸ 13/09/2022 06:51

Cuối tuần qua, các bạn trẻ đến từ TP.Hồ Chi Minh đã mang ngọn lửa yêu thương, sự sẻ chia đến trẻ em vùng cao Phước Sơn. Tại đây, các bạn còn trực tiếp trao “cần câu” cho người dân Giẻ Triêng vùng sạt lở núi.

Đêm hội cho học sinh vùng sạt lở núi sau 3 năm thiên tai, bão lũ. Ảnh: TẤN SỸ
Đêm hội cho học sinh vùng sạt lở núi sau 3 năm thiên tai, bão lũ. Ảnh: TẤN SỸ

Về với vùng cao

Sân nhà làng truyền thống của xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) có rất đông đồng bào Giẻ Triêng. Ngoài chăn ấm, quần áo mới, ai cũng vui khi được nhận cuốc, xẻng, rựa, cù veo. Với họ, đây chính là những công cụ lao động thiết thực để khôi phục sản xuất sau thiên tai.

Vượt hơn 10km đường rừng, anh Hồ Văn Cây cùng người dân thôn 2, xã Phước Lộc đến nhận những vật dụng hỗ trợ. Anh cho biết: “Có công cụ lao động này bà con mình sẽ phát nương làm rẫy, khai hoang ruộng nước, trồng bắp, tỉa lúa. Bà con sẽ ổn định sản xuất, không lo thiếu ăn nữa”.

Còn theo già làng Hồ Văn Hạnh ở thôn 3, xã Phước Lộc: “Nhiều đoàn từ thiện đến cho gạo, mỳ tôm, bà con vui, nhưng ăn rồi cũng hết. Cho công cụ lao động như thế này thì bà con mới tích cực tăng gia sản xuất, tự tay làm ra hạt gạo trái bắp, lúc đó không còn trông chờ ỷ lại vào Nhà nước hay đoàn từ thiện nữa”.

Toàn xã Phước Lộc (Phước Sơn) có 220 hộ dân, với gần 1.000 nhân khẩu. Đợt bão số 9 hồi cuối năm 2020 đã làm 13 người chết, mất tích, 120 ngôi nhà của người dân bị sập, hơn 30ha lúa nước bị vùi lấp và đến nay 9ha không thể khôi phục được. Bão lũ đã làm cho tỷ lệ hộ nghèo nơi đây vốn đã cao nay lại cao hơn, với 76,89% hộ nghèo.

Tặng quà cho học sinh và người dân xã Phước Lộc. Ảnh: Tấn Sỹ
Tặng quà cho học sinh và người dân xã Phước Lộc. Ảnh: Tấn Sỹ

Ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho biết, hơn 3 năm qua, Trung ương, tỉnh và huyện Phước Sơn đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai. Song do sự tàn phá quá lớn của bão lũ, nên giao thông đi lại ở xã vẫn rất nguy hiểm, nguy cơ chia cắt, cô lập vẫn chực chờ. Đời sống của người dân vùng sạt lở núi vẫn còn muôn vàn khó khăn.

“Cùng với nguồn lực của Nhà nước, việc chung tay của các nhà hảo tâm trong cả nước đã và đang trợ lực rất lớn cho bà con sớm vươn lên. Chúng tôi đã đón rất nhiều đoàn từ thiện đến chia sẻ với địa phương và hôm nay các bạn trẻ đến từ TP.Hồ Chí Minh hỗ trợ công cụ lao động sản xuất cho 100% hộ dân trên địa bàn xã, là điều rất thiết thực. Xã sẽ phát động bà con ra quân khai hoang, phục hóa, tập trung làm lúa nước, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo” - ông Thoại cho biết thêm.

San sẻ yêu thương

Lần thứ hai trở lại miền núi Quảng Nam, chị Nguyễn Thị Hoàng Yến - Trưởng nhóm từ thiện đến từ TP.Hồ Chí Minh rất đồng cảm trước những khó khăn mà người dân vùng sạt lở núi đang gặp phải.

Chị Yến cho biết: “Đợt này, đoàn phát 220 phần quà bao gồm công cụ lao động, chăn ấm, quần áo mới, lương thực, thực phẩm cho người dân. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức múa lân, phát bánh kẹo, tặng quần áo, dép, đồ chơi cho 220 học sinh từ mẫu giáo đến THCS của xã. Tặng thuốc và kit test Covid-19 cho trạm y tế xã”.

Tổng kinh phí của đợt thiện nguyện nêu trên gần 400 triệu đồng, là tình cảm của anh chị em trong đoàn, sự hỗ trợ của Câu lạc bộ thiện nguyện Bắc Trung Nam, Công ty CP Dược phẩm Trà Vinh gởi đến người dân. Hy vọng khi người dân có công cụ lao động sẽ tự vươn lên ổn định cuộc sống sau thiên tai, bão lũ.

“Vượt hơn 1.000km từ TP.Hồ Chí Minh về với vùng đồng bào thiểu số, chúng tôi hy vọng sẽ chuyển những năng lượng tích cực nhất, lan tỏa đến tất cả mọi người ở mọi miền đất nước. Qua đó sẽ có nhiều tấm lòng hảo tâm đến đây để chia sẻ khó khăn với bà con vùng sạt lở ở Quảng Nam.

Đợt này, nhóm cũng đã khảo sát và xây dựng kế hoạch xây dựng nhà tránh lũ cho người dân thôn 3, xã Phước Lộc, dự kiến mức kinh phí 150 triệu đồng. Chúng tôi cũng sẽ quay lại đây để trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi vào cuối năm học 2022 - 2023 này” - chị Yến cho biết thêm.

TẤN SỸ