Chủ động vùng nguyên liệu khi khởi nghiệp với đồ gỗ phong thủy

PHAN VINH 09/09/2022 08:37

(PR) - Nhận thấy lượng gỗ rục huỳnh đàn, dó bầu trong tự nhiên ngày càng khan hiếm, dù chỉ sản xuất các vật phẩm phong thủy nhỏ như vòng tay, tượng mini,… nhưng anh Nguyễn Trần Tuấn (SN 1987, thôn 2, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) đã chủ động tìm kiếm, bảo tồn nguồn gen tốt và nhân giống, mở rộng diện tích vùng nguyên liệu, tiến tới phát triển bền vững.

Anh Tuấn đi thu mua những gốc huỳnh đàn mục ở vùng cao.
Anh Tuấn đi thu mua những gốc huỳnh đàn mục ở vùng cao.

Khởi nghiệp với vòng tay phong thủy

Theo cha mẹ từ vùng xuôi lên huyện miền núi Nam Trà My định cư từ nhỏ, anh Tuấn đã xem mình như một phần của núi rừng. Anh nhìn về những cánh rừng xa, nơi có con chim, con thú, có những áng mây chùng chình, có tiếng suối róc rách. Lớn lên, ngoài giờ học, anh cùng bạn bè thường vào rừng dạo chơi, vì vậy mà những gì có trong rừng, anh đều nắm rõ.

Khoảng năm 2005, trào lưu sử dụng đồ gỗ từ cây huỳnh đàn (sưa đỏ, quỳnh đàn) nở rộ. Nhiều người cho rằng, đây là loại gỗ quý, chất lượng tốt và đặc biệt, do sinh sống ở những vùng núi đá vôi, dưới nóng, trên lạnh, đảm bảo điều hoà âm dương nên loại gỗ này còn được người chơi phong thuỷ ưa chuộng. Loại gỗ này khá hiếm, chỉ có vùng núi Quảng Bình và Quảng Nam, nhiều thương lái lên Nam Trà My săn tìm, lúc bấy giờ, khi biết tin, anh Tuấn đã nắm bắt cơ hội và cùng bạn bè khai thác những cây lớn, có nguy cơ ngã đổ, làm thành phẩm nội thất rồi bán. Nhiều khách hàng vùng xuôi biết tới anh Tuấn cũng qua biệt danh “Nù Huỳnh Đàn” cũng từ đó.

Khách hàng thích thú với những sản phẩm bút làm từ huỳnh đàn của anh Tuấn.
Khách hàng thích thú với những sản phẩm bút làm từ huỳnh đàn của anh Tuấn.

Tuy nhiên, chuyện làm ăn của anh Tuấn phải rẻ lối vào năm 2008, Sách đỏ Việt Nam được công bố và bổ sung cây huỳnh đàn vào danh mục gỗ nhóm I, cần được bảo vệ. Anh Tuấn được lực lượng chức năng thông tin, tuyên truyền về vấn đề này, sau đó, anh không những nghiêm chỉnh chấp hành mà còn tiên phong trong việc vận động bạn bè, người quen tuân thủ quy định mới, vì hơn ai hết, anh hiểu rõ được lợi ích của việc bảo vệ rừng.

Đứng trước bước chuyển này, anh Tuấn chia sẻ: “Khi làm gỗ nội thất, nguyên liệu cần những thân gỗ lớn, nhưng quy định của nhà nước là phải chung tay bảo vệ cây huỳnh đàn, mình không thể làm nữa. Lúc bấy giờ, nhìn số nguyên liệu gốc, rễ cây, gỗ rục, còn sót lại của những năm trước, mình bắt đầu học theo người dân Tiên Phước, Nông Sơn, Đại Lộc, làm sản phẩm phong thuỷ như vòng tay, tượng phật. Vì thời gian này, các huyện trên đang rộ lên phong trào chế tác trầm hương từ cây dó bầu để xuất bán đi Trung Quốc”.

Nhân giống cây huỳnh đàn trong dân

Lâu nay, khi đã lấy gỗ thành phẩm, các loại gốc, rễ cây, gỗ mục người dân địa phương chỉ biết làm…củi đốt. Nhưng anh Tuấn đã thu mua hết, bắt đầu cho chế tác các loại vòng tay, dây chuyền, tượng phong thuỷ,…

Anh Tuấn ươm giống huỳnh đàn để chủ động nguyên liệu.
Anh Tuấn ươm giống huỳnh đàn để chủ động nguyên liệu.

Với thương hiệu “Nù Huỳnh Đàn” đã có từ trước, cộng thêm sự quý hiếm của loại gỗ này khi “Sách đỏ” được công bố, sản phẩm làm ra từ xưởng anh Tuấn nhanh chóng được nhiều người ưa chuộng. Từ khi chuyển hướng kinh doanh mới, anh được biết đến nhiều hơn, vì các sản phẩm độc lạ và tính cách sẵn sàng “chiều” khách của mình, anh không ngại lặn lội lên tận vùng cao, khi người dân phát rẫy, đốt thực kỳ, phát hiện gốc huỳnh đàn rục, mục, anh liền thu mua với giá cao vì đây là hàng độc lạ.

Anh Nguyễn Xuân Phao – khách hàng quen thuộc của Nù Huỳnh Đàn.
Anh Nguyễn Xuân Phao – khách hàng quen thuộc của Nù Huỳnh Đàn.

Anh Nguyễn Xuân Phao (35 tuổi, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) - một khách hàng quen thuộc của thương hiệu “Nù Huỳnh Đàn”. “Kinh doanh bất động sản nên mình rất tin vào phong thuỷ, mình đã mua một vòng tay huỳnh đàn từ anh Tuấn và sau đó mọi việc rất thuận lợi, khi mở văn phòng, mình cần tìm một tượng gỗ rục huỳnh đàn thô để trưng bày, chiêu tài. Sau một thời gian tìm kiếm, anh Tuấn đã không làm mình thất vọng khi mang về sản phẩm rất đẹp. Từ đó đến nay, chuyện làm ăn của mình cũng phát triển không ngừng” - anh Phao nói.

Một vị khách nước ngoài với sản phẩm vòng tay huỳnh đàn của anh Tuấn.
Một vị khách nước ngoài với sản phẩm vòng tay huỳnh đàn của anh Tuấn.

Bán hàng nhỏ nhưng lợi nhuận lớn, doanh thu mỗi tháng từ việc bán các sản phẩm phong thuỷ của anh Tuấn lên đến từ 300 - 500 triệu đồng. Khi đã ổn định về tài chính và thương hiệu, điều anh lo lắng nhất là nguồn nguyên liệu. Bởi dù là gỗ rục thì huỳnh đàn tự nhiên rồi cũng sẽ hết. Vì vậy, anh đã săn tìm những giống cây tốt đế nhân giống và xây dựng vườn ươm huỳnh đàn với quy mô khoảng 5.000 cây giống mỗi năm. 5 năm qua, anh Tuấn đã trồng và gửi trồng gần 6.000 cây huỳnh đàn trên địa bàn huyện Tiên Phước.

“Hiện tại, ngoài huỳnh đàn, mình còn phát triển thêm các dòng sản phẩm từ trầm hương theo nhu cầu của thị trường. Trầm hương được làm từ cây dó bầu, vùng nguyên liệu đã được người dân trồng từ lâu nay. Riêng huỳnh đàn cần 15 năm mới khai thác được, mình muốn đẩy mạnh hơn nữa. Sắp tới, “Nù Huỳnh Đàn” sẽ tổ chức tặng 5.000 cây giống và bao tiêu đầu ra cho người dân khi tới tuổi khai thác. Đây là hướng đi mình cho rằng là bền vững khi khởi nghiệp từ thiên nhiên” - anh Tuấn chia sẻ.

PHAN VINH