Trăm năm gương sáng còn soi
Khu lưu niệm mộ cụ Phan Châu Trinh ở TP.Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên đón khách viếng thăm, tìm hiểu cuộc đời và tư tưởng của ông.
Người làm cách mạng “gian nan đầu tiên”
Tôi đến Di tích lịch sử quốc gia Khu lưu niệm mộ cụ Phan Châu Trinh (số 9 đường Phan Thúc Duyện, phường 4, quận Tân Bình) vào một sáng đầu tháng 9.2022.
Giới thiệu cho tôi tìm hiểu về khu lưu niệm là bà Lê Thị Sáu, năm nay 82 tuổi, vợ ông Nguyễn Đông Hà (đã mất) - cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh.
Theo bà Sáu, Khu lưu niệm mộ cụ Phan Châu Trinh có diện tích hơn 2.000m2, bao gồm khu mộ, đền thờ và nhà lưu niệm trưng bày các hiện vật và tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của cụ Phan Châu Trinh. Khu lưu niệm đã được Bộ VH-TT, nay là Bộ VH-TT&DL, công nhận Di tích lịch sử quốc gia vào năm 1994.
Phần đất khu mộ cụ Phan xưa kia là nghĩa trang Gò Công tương tế, thuộc làng Tân Sơn Nhứt. Khi cụ Phan mất, một điền chủ đã hiến đất xây mộ. Trước mộ có tấm bia đá cẩm thạch khắc dòng chữ “Việt Nam chính trị cách mạng gia Phan Châu Trinh tiên sinh chi mộ”. Sau mộ là bia đá khắc nội dung về thân thế và sự nghiệp cụ Phan do chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng soạn thảo ngày 2.8.1926. Xung quanh mộ, bà Sáu trồng nhiều cây xanh.
Đền thờ rộng khoảng 40m2, nằm kề bên khu mộ, phía trước có bức tượng bán thân cụ Phan Châu Trinh bằng đá đặt trên hồ nước nhỏ, do UBND TP.Đà Nẵng tặng năm 2006. Bên trong đền, ở giữa là bàn thờ di ảnh cụ Phan, đằng sau có bức đại tự ghi “Cách Mạng Tiền Khu”, nghĩa là người làm cách mạng gian nan đầu tiên.
Nhà lưu niệm nằm đối diện khu mộ, trưng bày những hình ảnh, di vật, di bút, hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ Phan.
Bà Sáu cho biết, trước đây bà tự tay tôn tạo cảnh quan, chăm lo cho khu lưu niệm, nhưng sau này tuổi cao sức yếu, nên đã giao lại mọi việc cho anh Dương Sinh.
Anh Dương Sinh quê ở Điện Bàn, Quảng Nam, khi vào TP.Hồ Chí Minh học đại học ngành địa chất, có cơ duyên gặp gỡ bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước, cũng là cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh.
Anh Dương Sinh được bà Nguyễn Thị Bình đỡ đầu học đại học, thời gian rảnh thường đến khu lưu niệm phụ chăm sóc vườn tược. Khi bà Sáu tuổi cao sức yếu, anh Dương Sinh tiếp quản luôn việc đón các đoàn tham quan, dọn dẹp vệ sinh.
“Chi bằng học”
Trong nhà lưu niệm, bà Sáu nâng niu lần giở những trang lưu bút của khách tham quan khi viếng mộ cụ Phan Châu Trinh, không chỉ khách trong nước mà còn có cả khách Việt kiều, khách quốc tế.
Trong những dòng chia sẻ của mình, ông Hồ Văn Phú, một Việt kiều Mỹ bày tỏ tấm lòng của “một kẻ hậu bối đối với tiền bối khả kính”: “Từ thuở còn đi học, tôi đã một thời mến mộ cụ Phan Châu Trinh, người chủ trương phong trào Tây du, cổ xúy và phát huy giới trẻ du học ở phương Tây để mở mang kiến thức hầu phát triển đất nước...”.
Còn thầy giáo Thiều Quang Thịnh (đến từ Trường THPT Long Thới, Nhà Bè, TP.Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Hậu bối rất kính trọng cuộc đời và kính trọng nhân cách, tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh đã hy sinh cho dân tộc Việt Nam.
Con người cụ Phan là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ, trong đó có con luôn ngưỡng vọng và quyết chí dấn bước, làm tròn trách nhiệm là người thầy giáo góp phần tiếp nối tư tưởng “khai dân trí” của cụ Phan Châu Trinh”.
Xem lại sổ lưu niệm, ký ức khi được làm cháu dâu cụ Phan trong bà Sáu cũng tuôn trào. Bà Sáu kể, khi còn đi học, bà được thầy Trần Quang Cơ, nguyên Bí thư Ban cán sự học sinh, sinh viên khu Sài Gòn - Gia Định kể nhiều về cụ Phan Châu Trinh (ông Trần Quang Cơ đã hy sinh năm 1961).
Do đó, bà cũng tìm sách vở đọc và thầm ngưỡng mộ, tôn kính cả cuộc đời cụ bôn ba hoạt động nhằm cứu lấy dân tộc mà con cái lớn lên gần như trong cảnh không cha. Sau này, khi về làm vợ ông Hà, bà mới biết chồng mình là cháu ngoại của cụ Phan.
Theo bà Sáu, sinh thời, cụ Phan Châu Trinh và cụ Phan Thúc Duyện cùng quê Quảng Nam và cùng hoạt động trong phong trào Duy Tân. Khu lưu niệm mộ cụ Phan Châu Trinh nằm trên đường Phan Thúc Duyện không hẳn ngẫu nhiên. Con cháu của cụ Phan Thúc Duyện cũng thường đến Khu lưu niệm mộ cụ Phan Châu Trinh viếng hương tưởng nhớ.
Bản thân tôi, sau khi viếng mộ và xem tư liệu, tìm hiểu về cuộc đời của cụ Phan, càng thán phục tư tưởng vượt thời đại, tầm nhìn xa trông rộng của cụ khi nhìn thấu những vấn đề nan giải mà dân tộc Việt Nam thời bấy giờ cần sửa đổi. Từ đó, cụ khởi xướng phong trào Duy Tân mạnh mẽ “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, coi trọng giáo dục, bồi dưỡng thực học cho người dân.
Thời gian đã tính bằng thế kỷ, quan niệm cơ bản của tư tưởng Phan Châu Trinh “Bất như học - Chi bằng học” vẫn còn nguyên giá trị: “Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý tặng cho đồng bào là “Chi bằng học””.