Kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Ninh Bình
(QNO) - Ngày 6.9, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Bái Đính, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp Bộ VH-TT&DL, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dự Lễ kỷ niệm.
Ninh Bình là vùng đất cố đô, nơi phát tích của 3 triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, có truyền thống lịch sử, văn hóa hàng ngàn năm, nơi có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú cùng các giá trị văn hóa nổi bật toàn cầu, nơi chứa đựng các thông tin về sự tương tác giữa con người và môi trường từ thời tiền sử đến ngày nay.
Nơi đây ghi dấu bước ngoặt lịch sử quan trọng của dân tộc với sự kiện Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế ở thế kỷ X, lập nên Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam. Dấu vết của kinh đô Hoa Lư xưa đã và đang được các nhà khảo cổ học làm rõ, từng bước bổ sung thêm các giá trị văn hóa nổi bật, làm dày sâu thêm giá trị của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi danh.
Các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên ở Ninh Bình là nguồn lực, trụ cột và động lực quan trọng trong xây dựng văn hóa, con người Ninh Bình đáp ứng yêu cầu mở cửa, hội nhập quốc tế, là cơ hội để Ninh Bình phát triển bền vững, mở rộng giao lưu văn hóa, kinh tế với các quốc gia, dân tộc trên thế giới.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Việt Nam là thành viên của tổ chức UNESCO từ năm 1976, tham gia Công ước Di sản thế giới từ năm 1978. Trong suốt 35 năm qua, Việt Nam là thành viên tích cực tại các diễn đàn của UNESCO về di sản thế giới (với 4 lần đảm nhiệm vai trò thành viên của Hội đồng chấp hành UNESCO tại các nhiệm kỳ) và là một trong 21 thành viên của Ủy ban Di sản thế giới, đặc biệt 2 bên đã ký kết Bản ghi nhớ giữa Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2016 - 2020 nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thăm UNESCO năm 2015.
Bản ghi nhớ đã nêu rõ Việt Nam và UNESCO tăng cường hợp tác nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương trong công tác bảo vệ di sản thiên nhiên và văn hóa; nâng cao năng lực quản lý, thiết lập mạng lưới của các khu di sản thế giới; bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của đất nước nhằm cải thiện đời sống xã hội và văn hóa của cộng đồng. Đồng thời huy động các phương hướng ứng phó sáng tạo, phù hợp về văn hóa đối với những thách thức của phát triển bền vững; thúc đẩy du lịch bền vững trong đó đảm bảo sự cân bằng giữa công tác bảo tồn di sản thiên nhiên và văn hóa với phát triển kinh tế tại các khu di sản thế giới.
Tham gia diễn đàn của UNESCO, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, thể hiện qua hệ thống pháp luật về di sản văn hóa được xây dựng theo tinh thần của Công ước. Các cơ sở pháp lý, chính sách, thể chế, bộ máy quản lý, bảo vệ di sản của Việt Nam đã, đang được xây dựng và không ngừng hoàn thiện.
Để tiếp tục bảo đảm thực thi nghiêm túc những cam kết với UNESCO, Việt Nam tích cực nghiên cứu, cập nhật những thay đổi của Hướng dẫn thực hiện Công ước và chủ trương, chính sách mới của UNESCO theo xu hướng hội nhập quốc tế. Huy động nguồn lực, tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của các di sản.
Đối với các địa phương có di sản thế giới, cần thể hiện vai trò, đóng góp, trách nhiệm hơn nữa, tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vào quản lý di sản thế giới, mở rộng hợp tác quốc tế, xây dựng bộ công cụ giám sát về tình trạng bảo tồn đảm bảo tính khả thi trên cơ sở tham khảo các bộ công cụ giám sát của UNESCO và các nước trên thế giới phù hợp với bối cảnh và điều kiện của Việt Nam, cùng cộng đồng quốc tế tôn vinh, phát huy giá trị của Công ước đặc biệt quan trọng này. Tiếp tục quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản để cụ thể hóa các biện pháp triển khai thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam - UNESCO, tăng cường hơn nữa hợp tác Việt Nam - UNESCO hướng tới mục tiêu gìn giữ và bảo tồn di sản cho thế hệ mai sau.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) khẳng định, lễ kỷ niệm là dịp đánh dấu mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển giữa UNESCO và Việt Nam. UNESCO đã và đang tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, với các hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính để triển khai chiến lược giáo dục mới trong 10 năm tới.
Trong 35 năm qua, Việt Nam có 8 di sản được ghi danh là di sản thế giới. Tính riêng 5 năm qua, UNESCO đã dành hỗ trợ đối với ưu tiên của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý về di sản cũng như công tác kiểm kê các di sản phi vật thể của Việt Nam. UNESCO muốn tăng cường hợp tác xây dựng năng lực cho cán bộ quản lý các khu di sản, để có thể dự báo tốt hơn về hệ quả lâu dài của biến đổi khí hậu và giải quyết các tình huống khẩn cấp một cách hiệu quả hơn.
Bà Audrey Azoulay cho rằng, bảo tồn di sản không phải là chuyện xa xỉ. Cần đặt văn hóa và di sản đúng tầm quan trọng đáng có. Cần coi các chính sách văn hóa là đòn bẩy mạnh mẽ cho các hành động của quốc gia. Đây cũng chính là thông điệp mà UNESCO sẽ bảo vệ vào cuối tháng này tại Mexico tại Hội nghị Mondiacult năm 2022 do UNESCO và Mexico tổ chức, với sự tham dự của 140 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.