Cô gái khuyết tật khởi nghiệp thành công với chuỗi tiệm bánh ngọt Yuki

DOÃN HẰNG - NGUYỄN QUỲNH 04/09/2022 16:19

(QNO) - Tốt nghiệp với 2 tấm bằng đại học kinh tế, chị Trần Thị Hồng Nhung (SN 1992, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) quyết định rời Sài Gòn về quê xin việc, rồi chị bén duyên với chuỗi cửa hàng bánh ngọt Yuki từ đây.

Chị Nhung khởi nghiệp thành công với tiệm bánh ngọt. Ảnh: H.Q
Chị Nhung khởi nghiệp thành công với tiệm bánh ngọt. Ảnh: H.Q

Bánh ngon vì sức khỏe

Đầu năm 2016, khi đang ở ngưỡng tuổi 24 đầy hoài bão, chị Nhung quyết định rời TP.Hồ Chí Minh về quê nhà Duy Xuyên với 2 tấm bằng đại học kinh tế. Chị dự định xin vào làm việc cho nhà nước, nhưng trượt kỳ thi viên chức. Cùng năm đó, chị lập gia đình, rồi mang thai con gái đầu lòng.

Lúc mang bầu được 4 tháng, không biết phải làm gì cho qua thời giờ rảnh rỗi, chị tập tành làm bánh rau cau biếu tặng người thân và bán online với dự định sau khi sinh con xong sẽ tìm việc làm.

Cuối năm 2016, chị Nhung làm ra mẫu bánh kem rau cau 3D mới lạ, thu hút thị trường bánh kem ở thị trấn Nam Phước. Nhiều người biết đến bánh này, rồi truyền tai nhau, tiệm bánh online của chị dần đông khách.

Chị Nhung đang gắn tem cho các sản phẩm bánh tại tiệm Yuki. Ảnh: H.Q
Chị Nhung đang gắn tem cho các sản phẩm bánh tại tiệm Yuki. Ảnh: H.Q

Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm và kiến thức, chị Nhung gặp không ít khó khăn khi làm bánh: “Khi làm bánh từ rau cau, tôi không hiểu vì sao rau cau bị tách lớp. Vì vậy, có khi phải bỏ cả nồi nguyên liệu. Thất bại nhiều đến mức tôi bị áp lực, ốm sốt 3 ngày liên tục vẫn không thôi trăn trở, tìm nguyên nhân tại sao bánh bị hỏng”...

Dù chưa thành công, nhưng mỗi lần trông thấy con thích ăn bánh do chính tay mẹ làm ra, chị thấy vui và lấy đó làm động lực để tiếp tục rút kinh nghiệm, học hỏi và quyết tâm làm điều gì đó ý nghĩa. Cũng vì lý do đó, mà chị đặt mục tiêu làm ra những chiếc “bánh ngon vì sức khỏe” để phục vụ cộng đồng.

Đến năm 2019, chị Nhung khai trương tiệm bánh nhỏ đầu tiên tại nhà ba mẹ, bán bánh sẵn và nhận làm bánh theo yêu cầu của khách hàng. Sang năm 2020, chị tiếp tục khai trương tiệm bánh thứ 2.

Hiện tại tiệm bánh của Nhung có hơn 70 dòng sản phẩm. Ảnh: H.Q
Tiệm bánh của Nhung hiện có hơn 70 dòng sản phẩm. Ảnh: H.Q

Từ hai mặt hàng bánh kem rau cau 3D và xôi hoa đậu, tiệm bánh Yuki mở rộng sản xuất các loại bánh khác như bánh sinh nhật, bánh rau cau, bánh su kem, bánh bông lan trứng muối, bánh trung thu… Đến nay, tiệm của chị làm ra hơn 70 mẫu bánh ngọt. Hằng năm, Nhung mang đi kiểm định chất lượng sản phẩm, đảm bảo bánh đến tay người tiêu dùng là bánh sạch, hợp vệ sinh.

Hiện chị đang làm chủ 3 cửa hàng bánh ngọt, với 25 nhân viên làm xoay ca. Bánh của tiệm nhắm đến phân khúc khách hàng bình dân, mỗi chiếc bánh kem bán ra thị trường có giá từ 150.000 - 200.000 đồng/chiếc.

“Để khách hàng có thể ăn được bánh với chất lượng và mùi vị ngon nhất, tôi làm bánh nhỏ để giảm giá thành. Khách hàng đến với Yuki luôn được nhận quà tri ân, tích điểm giảm giá... Mong muốn lớn nhất của tôi là khi họ đến Duy Xuyên tìm mua bánh ngọt, tiệm bánh Yuki sẽ được nhớ đến đầu tiên” - chị Nhung chia sẻ

Mỗi ngày, chị Nhung dùng 80% thời gian để quản lý tiệm, 20% thời gian còn lại học hỏi cách làm bánh mới, nâng cao tay nghề. Chị tâm niệm, để có thể đi được đường dài, nhân viên phải giỏi hơn chủ. Chị hết lòng truyền nghề, chỉ dạy tận tâm để tất cả nhân viên trong tiệm đều nắm được công thức làm bánh.

Vươn lên nghịch cảnh, san sẻ yêu thương

Bẩm sinh đã bị lệch khung xương chậu, khiến một bên chân nhỏ, yếu hơn, đi lại khó khăn, khiến chị tự ti với khiếm khuyết. Đến khi học hành thành tài, chị lại bỏ phố về quê làm bánh, khiến nhiều người không khỏi ái ngại.

Mỗi hộp bánh khách đặt, đều được gửi kèm lời cảm ơn. Ảnh: H.Q
Mỗi hộp bánh khách đặt, đều được gửi kèm lời cảm ơn. Ảnh: H.Q

“Lúc ở nhà làm bánh, nhiều người thấy vậy hay nói trêu tôi học đại học phí quá, giờ về rúc bếp... Những lời này tôi thấy tủi thân, nhưng rồi càng đi sâu vào kinh doanh tôi nhận ra học đại học không hề phí.

Khi bắt đầu đụng đến nhiều chuyện cần kiến thức chuyên môn, lời dạy của thầy cô giáo trong môi trường đại học giúp tôi nhận ra vấn đề, phát triển tiệm nhanh hơn” - Nhung trải lòng.

Anh Vũ (chồng chị Nhung) lui về làm hậu phương ủng hộ vợ phát triển sự nghiệp riêng. Ảnh: H.Q
Anh Dũng (chồng chị Nhung) tạm gác lại nghề hướng dẫn du lịch, về giúp vợ phát triển sự nghiệp làm bánh. Ảnh: H.Q

Thấu hiểu những vất vả của vợ, anh Lưu Phan Hoàng Dũng (chồng chị Nhung) quyết định tạm gác nghề hướng dẫn viên du lịch để ở nhà chăm sóc con cái cho chị Nhung có toàn thời gian làm bánh, phát triển tiệm.

Đôi chân không lành lặn từng là nỗi tự ti, nay lại trở thành động lực để chị phấn đấu, chị luôn đồng cảm với những người khó khăn. Hằng năm, chị trích 5% doanh thu của tiệm bánh làm từ thiện, nhiều tổ chức thiện nguyện đến đề nghị hỗ trợ đều được chị giúp đỡ.

Chị Nhung chia sẻ: “Khi dịch Covid-19 ở TP.Hồ Chí Minh căng thẳng, tôi làm bánh rồi viết thư tay gửi vào, sau đó một bạn nhắn tin cảm ơn. Bạn kể với tôi, khi mà Sài Gòn đang cách ly quyết liệt, được ăn miếng bánh nghĩa tình rất vui và xúc động. Mùi vị chiếc bánh làm bạn nhớ mãi, phải tìm cho bằng được người làm bánh để cảm ơn. Chính những câu chuyện ấy, làm tôi quyết tâm làm tốt hơn nữa”.

Tiệm bánh Yuki chia sẻ bữa ăn yêu thương cho người già, người đau ốm. Ảnh: H.Q
Tiệm bánh Yuki chia sẻ bữa ăn yêu thương cho người già, người đau ốm. Ảnh: H.Q

Dịp Trung thu năm nay, tiệm bánh Yuki đã gửi tặng 700 bánh trung thu đến với trẻ em ở huyện Tây Giang. Đến Tây Giang, tận mắt nhìn thấy khó khăn của người dân, chị nghẹn ngào: “Bánh mì có khi là món lạ đối với bà con, ở đó, mọi người quý từng vụn bánh mì. Mình ấp ủ ý tưởng thời gian tới sẽ mở một phòng làm bánh, mang lò nướng, máy đánh bột lên nơi đây. Phòng bánh không chỉ làm bánh phục vụ người đồng bào, mà còn dạy mọi người ở đây biết làm bánh, trao cho họ cần câu cơm”.

[VIDEO] - Chị Nhung khởi nghiệp thành công với bánh ngọt:

DOÃN HẰNG - NGUYỄN QUỲNH