Cây lúa làm… du lịch
(VHQN) - Cây lúa qua từng mùa lặng thầm tô thêm sắc rực rỡ cho nhiều điểm đến. Và tự thân cây lúa có thể trở thành một sản phẩm du lịch đẳng cấp nếu biết cách khai mở giá trị.
Giá trị vô hình
Dọc dài đất nước, rất nhiều điểm đến gắn với đồng ruộng trở nên cuốn hút với du khách mỗi khi vào mùa lúa chín. Có thể kể đến như Hoàng Su Phì (Hà Giang), Sa Pa (Lào Cai), Tam Cốc - Tràng An (Ninh Bình)…
Tại Hội An, đồng ruộng luôn là thành tố được xem trọng trong chiến lược phát triển du lịch qua các chặng đường của đô thị cổ. Dù chịu áp lực lớn của quá trình đô thị hóa nhưng định hướng của Hội An là vẫn giữ lại toàn bộ đồng ruộng trong tương lai.
Du lịch hưởng lợi khá nhiều từ việc có những đồng ruộng xen kẽ trong phố. Vào mùa lúa chín, giá bán phòng của các cơ sở lưu trú có “view” đồng lúa nhỉnh hơn khoảng 10 - 20% so với thông thường.
Nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống cũng thiết kế nương vào đồng lúa làm “mặt tiền” để tăng sức hút với du khách. Vào ngày mùa, không khó bắt gặp những nhóm du khách tản bộ trong nắng sớm hay chầm chậm đạp xe dưới ánh chiều tà xuyên qua những cánh đồng chỉ để trông màu của lúa, để nghe mùi rơm rạ.
Cách không xa Hội An, tiệm cà phê lò gạch cũ (huyện Duy Xuyên) dần trở thành địa điểm thân quen với những du khách thích thưởng ngoạn khung cảnh đồng quê. Cảnh sắc mùa lúa chín ôm trọn chiếc lò gạch cũ như mở lối trở lại ký ức của thời bao cấp với nhiều người.
Ở Quảng Nam, còn không ít cánh đồng, ruộng bậc thang đẹp mơ màng mà khi bất giác ngang qua, ai đó có thể thoáng chút bồi hồi vì không gian quá đỗi thơ mộng. Rõ ràng, nếu những cánh đồng lúa không hiện diện ở đó, sức hút của điểm đến ít nhiều bị suy giảm.
Theo ông Phan Đình Huê - Chủ tịch Công ty Dịch vụ du lịch Vòng Tròn Việt, việc phát triển du lịch từ cây lúa nói riêng cũng như du lịch nông nghiệp – nông thôn nói chung giúp thay đổi cách làm nông nghiệp kiểu cũ và có thể thay đổi được cả bộ mặt nông thôn.
Nó không chỉ giúp người dân tăng thu nhập từ việc bán nông sản mà còn bán được cả những tài nguyên vô hình “không thể đóng gói” như cảnh quan, khí hậu và văn hóa bản địa.
Nguyên liệu cho du lịch cao cấp
Ngày mùa. Trong sắc vàng ruộm lúa chín có tiếng du dương sáo diều từ đám trẻ mục đồng. Người vạn chài thong dong quăng mẻ lưới. Những cụ bà lui cui nhóm lửa nấu nước, tráng bánh, tráng mỳ. Một “bữa tiệc đồng quê” giữa lòng đô thị di sản.
Khoảng 10 năm qua, “bữa tiệc trên cánh đồng” của Công ty TNHH Emic Hospitality có thể xem là sản phẩm điển hình cho việc dùng nguyên liệu bản địa, cụ thể hơn là lấy cây lúa làm hạt nhân để hình thành sản phẩm du lịch cao cấp. Không gian sản xuất được trả lại nguyên trạng khi du khách rời đi. Người nông dân nhận được giá trị gia tăng bằng việc trực tiếp tham gia chương trình.
Ông Phan Xuân Thanh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Emic Hospitality Hội An, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho hay: “Đơn vị chúng tôi từng bán một bữa ăn trên đồng ruộng với giá hơn 1 nghìn USD/suất với lượng khách rất giới hạn. Du khách cảm thấy thích thú vì được hòa mình vào đời sống thường nhật của người nông dân bản địa và cảm nhận được giá trị mà họ chia sẻ với cộng đồng địa phương thông qua chuyến đi, bữa ăn đó”.
Hậu đại dịch Covid-19, Công ty TNHH Emic Hospitality Hội An, Rơm Vàng Farm cùng một số hộ dân ở thôn Võng Nhi (xã Cẩm Thanh,TP.Hội An) vẫn đang miệt mài gắn bó với cây lúa. Vụ hè thu năm nay là vụ thứ hai mọi người canh tác lúa hữu cơ. Năm 2023, những bữa tiệc trên cánh đồng sẽ trở lại.
Câu chuyện mà người dân ở đây muốn truyền tải đến du khách không chỉ đơn thuần là bữa ăn sạch hơn từ cây hữu cơ mà chính là quá trình thay đổi tư duy, lối sống của cả cộng đồng cư dân nông nghiệp bản địa.
Cây lúa mộc mạc, vươn lên từ trong bùn đất nhưng lắng đọng dư vị đất trời, hình thành nên văn minh của xứ sở. Những bông lúa chín trĩu nặng luôn cúi đầu. Du lịch gắn với đồng lúa, bình dân hay cao cấp, tất cả tùy thuộc góc nhìn và cách làm mà thôi…