Ứng dụng năng lượng nguyên tử phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam
(QNO) - Sở KH&CN Quảng Nam vừa phối hợp với Viện Nghiên cứu Hạt nhân, Trung tâm Nghiên cứu và triển khai Công nghệ bức xạ - VINAGAMA hội thảo “Ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đến dự. Hội thảo quy tụ nhiều ý kiến phát biểu, chia sẻ của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực hạt nhân, nguyên tử Việt Nam.
Tại hội thảo, TS.Nguyễn Minh Hiệp - Trung tâm Công nghệ bức xạ và công nghệ sinh học - Viện Nghiên cứu hạt nhân cho biết, công nghệ hạt nhân được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như quốc phòng - an ninh, năng lượng, khảo cổ, môi trường, nông nghiệp, y dược, thực phẩm và một số lĩnh vực khác.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ bức xạ, nano, công nghệ sinh học đã được ứng dụng vào xử lý đất, giống, phân bón, kích thích sinh trưởng, bảo vệ thực vật, bảo quản nông sản, chế phẩm bổ sung thức ăn chăn nuôi.
TS.Hiệp chia sẻ thêm, tại Quảng Nam, công nghệ trên có thể hợp tác ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, bảo quản nông sản, chế biến các loại chế phẩm từ cây quế, xây dựng các cảm biến sinh học ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao... Có thể xây dựng các quy trình chiếu xạ nghiên cứu và ứng dụng sản phẩm bảo quản nông sản. Đưa các hạt nano vào tinh dầu, tạo ra các loại thuốc bảo vệ sinh vật sinh học có giá thành thấp, hiệu quả cao, chi phí thấp, chất lượng cao hơn hẳn so với quy trình trồng theo phương thức hoá học, mang lại lợi nhuận cho người nông dân...
Còn theo ông Phan Việt Cương - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ, tại Việt Nam và Quảng Nam, việc ứng dụng công nghệ chiếu xạ trong kiểm dịch trái cây và giảm nhiễm vi sinh vật gây hại trong thực phẩm là hết sức cần thiết. Việc chiếu xạ giúp thực phẩm an toàn hơn, giảm các nguy cơ gây bệnh nhờ bất hoạt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm và côn trùng gây bệnh kéo dài, giúp dễ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, tăng tính lành và bảo đảm vệ sinh thực phẩm…
Cũng theo các nhà khoa học, không chỉ lĩnh vực nông nghiệp, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ, công nghệ nano còn đang được ứng dụng trong lĩnh vực vật liệu y sinh. Cụ thể, khử trùng lĩnh vực y tế, trong chiếu xạ, nghiên cứu các sản phẩm nano sinh học giúp bảo vệ tế bào lành trong xạ trị ung thư...
TS.Phan Sơn Hải - Viện Nghiên cứu hạt nhân đóng góp thêm, tại Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng, có thể ứng dụng năng lượng nguyên tử trong khảo sát bồi lấp lòng hồ thuỷ điện, thuỷ lợi bằng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị. Công nghệ này có thể ứng dụng trong khảo sát xói mòn đất canh tác và tác động; trong khảo sát bồi lắng lòng hồ, xác định tốc độ trầm tích hồ bằng đồng vị phóng xạ, nghiên cứu nguồn gốc trầm tích, nghiên cứu xói mòn, bồi tụ ven biển, bảo vệ các công trình thuỷ điện. Từ đó, giúp xác định diễn biến tốc độ trầm tích trong khoảng thời gian 100 năm, dự báo xu thế biến động trầm tích tại vị trí lấy mẫu trong tương lai; dự báo xu thế thay đổi địa hình đáy vùng khảo sát trong tương lai.
Bà Lê Thuỷ Trinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN nhìn nhận, những năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong nghiên cứu, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu được những kết quả quan trọng. Tại Quảng Nam, hoạt động quản lý nhà nước về an toàn bức xạ đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, hoạt động an toàn bức xạ đối với X-quang y tế đi vào nề nếp, kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp tỉnh được Bộ KH&CN phê duyệt và cũng đã triển khai diễn tập theo các kịch bản được phê duyệt. Kế hoạch quan trắc bức xạ giai đoạn 2021-2025 được triển khai với mục tiêu xây dựng mạng lưới quan trắc phóng xạ và số liệu phông phóng xạ toàn tỉnh.
Song, theo bà Trinh, việc ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển các ngành kinh tế - xã hội của Quảng Nam còn mới mẻ, chủ yếu tập trung vào các kết quả ứng dụng phổ biến, hiệu quả của năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển các lĩnh vực được tỉnh quan tâm, đó là trong nông nghiệp, sinh học, bảo quản thực phẩm, y tế, thuỷ lợi và thuỷ điện.