Xây dựng mô hình nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025: Tạo đột phá mạnh mẽ
Hôm qua 30.8, chủ trì hội nghị trực tuyến và phát động phong trào thi đua “Quảng Nam chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu các ngành, địa phương phải tập trung tháo gỡ vướng mắc, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện.
Khó khăn trước mắt
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh cho biết, cuối năm 2021 Quảng Nam có 118 xã đạt chuẩn NTM; 4 địa phương đạt chuẩn huyện NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM gồm: Phú Ninh, Duy Xuyên, Điện Bàn, Tam Kỳ; 195 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu; 10 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao và 1 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu.
Vấn đề đáng quan tâm là, những năm qua tình trạng nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM vẫn còn xảy ra tại nhiều địa phương.
“Tính đến ngày 30.7.2022, tổng số nợ đọng trong giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 209 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp huyện nợ hơn 138 tỷ đồng, ngân sách cấp xã và các nguồn khác nợ hơn 71 tỷ đồng” - ông Ngô Tấn nói.
Mục tiêu Quảng Nam đặt ra là phấn đấu đến cuối năm 2025 bình quân số tiêu chí đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh hơn 17,5 tiêu chí/xã; trên địa bàn tỉnh không còn huyện không có xã đạt chuẩn NTM, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí.
Đến cuối năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 155 xã/194 xã đạt chuẩn NTM; có ít nhất 64 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao và có ít nhất 16 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu...
Ông Ngô Tấn cho biết, tổng kinh phí đầu tư công trung hạn cho chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025 của Quảng Nam đã được giao hơn 1.301 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hơn 671 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 630 tỷ đồng.
Như vậy, giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách trung ương giảm gần 60% so với giai đoạn trước, do Quảng Nam không còn nằm trong số các tỉnh được phân bổ vốn theo hệ số ưu tiên vì đã là địa phương điều tiết về ngân sách trung ương.
Không chỉ vậy, vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh cũng giảm từ 1.108 tỷ đồng giai đoạn 2016 - 2020 xuống còn 630 tỷ đồng giai đoạn 2021 - 2025 (giảm gần 50%). Trong khi đó, các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM của giai đoạn 2021 - 2025 hầu hết thuộc khu vực miền núi, có xuất phát điểm thấp, cần rất nhiều nguồn lực để đầu tư mới đảm bảo đạt chuẩn NTM.
Giai đoạn 2021 - 2025 chưa có nguồn để hỗ trợ xã NTM nâng cao (mục tiêu 40% số xã đạt), xã NTM kiểu mẫu (mục tiêu 10% số xã đạt) và mức hỗ trợ huyện NTM, huyện NTM nâng cao giai đoạn này còn thấp...
Theo nhiều ý kiến, ngày 8.3.2022 Trung ương đã ban hành các bộ tiêu chí quốc gia NTM giai đoạn 2021 - 2025 nhưng hiện nay vẫn còn một số bộ, ngành chưa công bố các chỉ tiêu, hướng dẫn thực hiện theo nhiệm vụ được giao nên tỉnh chưa đủ cơ sở ban hành quy định đánh giá, xét công nhận địa phương đạt chuẩn NTM. Sẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2022 thời gian còn lại không nhiều.
Cạnh đó, bộ tiêu chí mới quy định tăng thêm nhiều chỉ tiêu và mức độ thực hiện cao hơn nhiều so với giai đoạn 2016 - 2020, nhất là khó thực hiện đạt tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn đối với các xã miền núi...
Đồng bộ giải pháp
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng, để triển khai hiệu quả chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025, chính quyền các địa phương phải khẩn trương củng cố, kiện toàn bộ máy Văn phòng điều phối NTM cấp huyện và bộ phận chuyên trách NTM cấp xã.
Trên cơ sở đó, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, tham mưu xây dựng cụ thể kế hoạch để tổ chức thực hiện bài bản. “Sau ngày 10.9.2022, nếu địa phương nào không hoàn thành công tác này, sẽ bị UBND tỉnh phê bình” - ông Tuấn kiên quyết.
Theo ông Trần Anh Tuấn, các địa phương cần bám sát những văn bản chỉ đạo của cấp trên và nắm chắc bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 do Trung ương ban hành.
Đồng thời tập trung rà soát, đánh giá kết quả đã đạt được trong thời gian qua và nhận diện những mặt tồn tại, các vướng mắc phát sinh. Từ đó, kịp thời đưa ra phương hướng, giải pháp phù hợp, hiệu quả cho giai đoạn mới này.
Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh đầu tư cho chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025 cắt giảm mạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị thời gian tới các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân, tranh thủ các nguồn lực xã hội hóa và thực hiện tốt chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn để triển khai mô hình xây dựng NTM hiệu quả.
“Trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu ở nông thôn, chính quyền các cấp phải tổ chức rà soát nhu cầu đầu tư một cách cụ thể, thiết thực, phù hợp với quy hoạch, có tính chất lan tỏa, đảm bảo nguồn lực thực hiện, tránh đầu tư dàn trải, gây nợ đọng xây dựng cơ bản” - ông Tuấn lưu ý.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT và một số ý kiến khác cho rằng, những năm đến các địa phương cần tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong đó, chú trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng - con vật nuôi, hỗ trợ phát triển sản xuất theo phương thức liên kết chuỗi giá trị để tăng hiệu quả kinh tế, ổn định đầu ra các mặt hàng nông sản.
Đồng thời triển khai thực hiện sâu rộng chương trình OCOP theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác.
Cùng với đó, tích cực nhân rộng các mô hình thôn, xóm xanh - sạch - đẹp để xứ Quảng ngày càng có nhiều làng quê đáng sống và đây cũng là tiền đề quan trọng cho việc phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh về lâu dài...