Quảng Nam phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 155 xã đạt chuẩn nông thôn mới
(QNO) - Sáng nay 30.8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì hội nghị trực tuyến với 18 huyện, thị xã, thành phố để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát động phong trào thi đua “Quảng Nam chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021 - 2025. Tham dự tại điểm cầu trung tâm có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh và lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan.
Theo báo cáo của Văn phòng điều phối NTM tỉnh, tính đến cuối năm 2021 Quảng Nam có 118 xã đạt chuẩn NTM (chiếm tỷ lệ 60,08%); 4 địa phương đạt chuẩn huyện NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, gồm: Phú Ninh, Duy Xuyên, Điện Bàn, Tam Kỳ; 195 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu; 10 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao và 1 xã NTM kiểu mẫu...
Quảng Nam phấn đấu đến cuối năm 2025 bình quân số tiêu chí đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh là hơn 17,5 tiêu chí/xã. Trong đó, khu vực miền núi cao đạt 15,5 tiêu chí/xã, khu vực miền núi thấp đạt 18,5 tiêu chí/xã, khu vực đồng bằng đạt 19 tiêu chí/xã. Năm 2025, trên địa bàn tỉnh không còn huyện không có xã đạt chuẩn NTM, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí.
Đến cuối năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 155 xã/194 xã đạt chuẩn NTM (chiếm tỷ lệ 80%); ít nhất 64 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao (chiếm tỷ lệ 40%); ít nhất 16 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu (chiếm tỷ lệ 10%). Đối với xây dựng huyện NTM, Núi Thành và Tiên Phước phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM giai đoạn 2023 - 2024; Hội An hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2023 - 2024; Nông Sơn, Quế Sơn, Đại Lộc phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM giai đoạn 2024 - 2025.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, theo nguyên tắc “NTM là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể”. Do đó, thời gian tới ngành liên quan và chính quyền các cấp cần phát huy những kết quả đạt được để tiếp tục xây dựng NTM toàn diện, bền vững, đi vào chiều sâu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn so với giai đoạn trước.
Theo ông Trần Anh Tuấn, xây dựng NTM phải gắn với công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn; đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị, phát triển hài hòa kinh tế - xã hội và môi trường; thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền; tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, trong đó quan tâm hoàn thiện và cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu của các xã khó khăn, đặc thù, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là ưu tiên hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng cấp thôn, bản.
“Những năm tới, chính quyền các cấp cần tăng cường thực hiện hiệu quả và đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời tập trung phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương và sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân” - ông Tuấn lưu ý.