Thị trấn không xa
Trung Phước - trong ký ức của người dân xứ sở đầu nguồn sông mẹ Thu Bồn này, từ bao lâu nay đã sầm uất như phố. Là “phố” nằm trong thung lũng với bốn bề núi non bao bọc, cư dân quần tụ quanh ngôi chợ tuổi đời đã trăm năm...
Nhưng những ngày sau này, Trung Phước sẽ thật sự là phố, với định danh tên gọi là thị trấn Trung Phước của huyện Nông Sơn. Mọi tiêu chí, thủ tục đều đã hoàn thành. Người dân xứ này đang khấp khởi đợi ngày gọi chốn cư trú của mình bằng một danh xưng mới.
Trăm năm tên gọi
Trong cuộc chuyện với những người già xứ sở đầu non, tên gọi Trung Phước được gọi lên với rất nhiều tự hào. Họ nói, từ thời Tây Sơn, Trung Phước đã hình thành. Với thế đất ở vùng thung lũng, xung quanh là núi non, nơi đây gần như trở thành trung tâm của mọi hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho rằng, việc đặt tên thị trấn Trung Phước là do địa danh này đã có tên trong lịch sử từ lâu đời và đi vào tiềm thức của mỗi người dân trong vùng. Tên gọi này cũng được nhân dân khắp mọi miền biết đến.
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Trung Phước - Nông Sơn là căn cứ địa cách mạng, có vị trí chiến lược quan trọng, ghi dấu một thời oanh liệt của bao thế hệ cách mạng anh hùng đã lập nên nhiều chiến công vang dội.
Ông Hòa nói, mặc dù cho đến nay, thị trấn Trung Phước chưa được thành lập, nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn xem và gần như gọi nơi này là thị trấn Trung Phước của huyện Nông Sơn từ khi mới thành lập trung tâm huyện lỵ Nông Sơn.
Với người dân xứ sở đầu nguồn này tên gọi Trung Phước gắn liền với ngôi chợ - nơi tập trung các sản vật từ Trà Linh, Tý, Sé, Dùi Chiêng cho đến hàng ở miệt xuôi theo đò dọc từ Hội An, Vĩnh Điện, Giao Thủy ngược lên.
“Chợ đông vào buổi mai đến gần trưa mới tan. Ngoài số người làng còn số khách mua bán khá đông từ mấy làng phía thượng nguồn xuống chợ như làng Phú Gia, Dùi Chiêng, Khánh Bình, Bình Yên, Đông An, Xuân Hòa, Nông Sơn và làng Phường Rạnh ở dưới làng tôi cũng đến chợ bằng ghe chèo đậu chật cả bến chợ.
Lại còn kẻ mua người bán từ mấy làng lân cận phía trong ra như Trung Lộc, Phước Bình, Trung Yên nên chợ thêm đông đúc” - cố nhà thơ Tường Linh, một người con của quê mẹ Trung Phước viết.
Chỉ là một chợ xã, bây giờ thành chợ huyện, chợ vẫn ở xung quanh dọc khu bến sông, nhưng tên gọi bao lần vẫn nguyên chợ Trung Phước. Cụ bà Lê Thị Ký, năm nay đã ngoài 90, là người chứng kiến những đổi dời của vùng đất này.
Ngày xưa, mắm bà Ký nổi tiếng toàn chợ vì người phụ nữ này biết mối lái với đò dọc từ Cẩm Hà lên, chọn những hũ sành đựng mắm, lựa con cá cơm than làm sao để hũ mắm cái dậy mùi mà ai ngang qua đầu chợ cũng buộc phải ghé lại.
Bà Ký nói, bao nhiêu lần đi theo chợ, chứng kiến sự dịch chuyển từ cả quy mô đến không gian, điều mừng nhất có lẽ là tên chợ vẫn luôn gắn với tên đất. Bởi giữ được một cái tên, cũng là giữ lấy những sống còn của đời người đã trải trên chính mảnh đất này.
Dựng xây hy vọng
Theo đề án, toàn bộ xã Quế Trung bao gồm diện tích tự nhiên là 49,24km2 và dân số là 11.466 người ở 9 thôn sẽ nằm trong lộ trình phát triển thị trấn Trung Phước.
Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết, nếu được Bộ Nội vụ thông qua, thị trấn Trung Phước sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại dịch vụ - công nghiệp xây dựng - nông nghiệp.
Một cụm công nghiệp - thương mại - dịch vụ Nông Sơn sẽ được đầu tư xây dựng hạ tầng và đưa vào khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đi đôi với phát triển thêm các ngành nghề mới, chế biến lâm sản, may mặc, khai thác phát triển làng nghề dó - trầm hương... đều nằm trong lộ trình phát triển của địa phương.
Ông Lê Văn Tài - một người dân thôn Trung Hạ cho rằng, ông chờ ngày quê mình được gọi tên là thị trấn. Vì như vậy, con đường phía trước nhà của ông sẽ được hoàn thiện, cống thoát nước cũng được đầu tư, hạ tầng đường sá của một thị trấn huyện lỵ sẽ phải khác nhiều so với bây giờ. Đó là mong mỏi chính đáng từ nhu cầu của người dân đã nhiều đời gắn với mảnh đất này. Và lên thị trấn, cũng là để những câu chuyện phát triển có lề lối, quy mô hơn.
Trong cuộc hành trình của lễ hội du lịch, văn hóa làng Đại Bình - một trong những không gian sau này sẽ là dấu ấn của thị trấn Trung Phước, niềm khấp khởi về một vùng du lịch cộng đồng chuyên nghiệp được mở ra. Du lịch được hy vọng sẽ trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng của thị trấn trong tương lai.
Phát triển du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa - lịch sử, đầu tư khai thác có hiệu quả các điểm du lịch tại làng quê sinh thái Đại Bình, làng nghề dó - trầm hương, Dinh bà Thu Bồn... cũng như khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nhiều hơn nữa các trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch tại khu vực và các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ kỹ thuật khác, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế... là những nét màu đang được vạch ra trong bức tranh về thị trấn Trung Phước trong tương lai không xa.
Ngày lên phố, có lẽ đang ở rất gần với người dân Quế Trung.