Amalia Rezeki - người "hồi sinh" khỉ vòi ở Indonesia

KIM OANH 27/08/2022 07:09

Amalia Rezeki là nhà bảo tồn động vật hoang dã đang góp phần bảo tồn khỉ vòi. Đây là linh vật của tỉnh Nam Kalimantan (Indonesia), được xếp vào danh mục động vật nguy cấp trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Nhà bảo tồn động vật hoang dã Amalia Rezeki của Indonesia. Ảnh: channelasia
Nhà bảo tồn động vật hoang dã Amalia Rezeki của Indonesia. Ảnh: channelasia

Khỉ vòi hay khỉ mũi vòi, khỉ mũi dài (có tên khoa học là Nasalis larvatus) từng có mặt khá phổ biến trên thế giới nhưng hiện là đặc hữu của quần đảo Borneo thuộc Indonesia.

Hiện chúng sống rải rác khắp 5 tỉnh trên đảo Kalimantan của Borneo. Với thân hình nhỏ nhắn và da nâu đỏ, khỉ vòi thường sinh sống ở xung quanh rừng ngập mặn và đầm lầy nhưng nay khó có thể tìm thấy được số lượng lớn từng có.

Nhà bảo tồn Amalia Rezeki cho biết, ở Nam Kalimantan có một số trung tâm bảo tồn các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng nhưng chủ yếu chăm sóc các loài khác như đười ươi.

Vì vậy cô quyết định lập ra nhóm tình nguyện để bảo tồn và phát triển đàn khỉ vòi. Cô nói: “Đó là lý do tại sao chúng tôi đang tập trung vào loài khỉ vòi, và cũng bởi vì tôi là người bản địa ở Nam Kalimantan”.

 Theo thống kê, hiện có chưa tới 20.000 con khỉ vòi sống trên thế giới, giảm hơn một nửa trong 50 năm qua do mất môi trường sống và nạn săn bắn. Amalia Rezeki cho biết, có khoảng 3.200 con khỉ vòi ở Nam Kalimantan vào 2 năm trước, so với khoảng 5.000 con vào năm 2013.

Lo ngại về số lượng khỉ vòi tiếp tục giảm, Amalia Rezeki thành lập nhóm tình nguyện Sahabat Bekantan Indonesia (SBI) vào năm 2013 khi đang theo học ngành sinh học để lấy bằng thạc sĩ.

Cô nói, Sahabat Bekantan có nghĩa là bạn của khỉ vòi. Bekantan là tên của loài linh trưởng ở Indonesia. Mục tiêu của SBI là cứu khỉ vòi khỏi tuyệt chủng. “Đó là trách nhiệm của chúng tôi với tư cách là công dân” - Amalia Rezeki nói.

SBI hiện có một đội ngũ nhân viên toàn thời gian gồm 20 người và 200 tình nguyện viên. Các chương trình do SBI điều hành bao gồm: giáo dục công chúng về loài khỉ thông qua các chuyến thăm trường học, các khóa học ngắn hạn, thực tập và các chương trình tình nguyện.

SBI cũng có một trung tâm cứu hộ khỉ vòi ở Banjarmasin (Nam Kalimantan) nhằm giúp phục hồi những con khỉ vòi được giải cứu khỏi các vụ cháy rừng, bị thương, buôn bán trái phép. Kể từ năm 2015, SBI xử lý gần 50 trường hợp như vậy với sự góp sức của người dân địa phương.

Nếu vết thương không quá nghiêm trọng, khỉ vòi sẽ được điều trị tại trung tâm cứu hộ của SBI và sau đó được thả về tự nhiên. Nhưng khi vết thương quá nặng, chúng sẽ được điều trị tại một phòng khám động vật đến khi khỏe mạnh mới đưa về với thiên nhiên... Amalia Rezeki cho hay: “Chúng tôi cố gắng truyền tải thông tin rằng, nếu bạn nuôi một con khỉ làm thú cưng, đó là hành vi phạm pháp và có thể bị bỏ tù”.

Cạnh đó, SBI thành lập một trung tâm nghiên cứu tại Pulau Curiak - một hòn đảo nhỏ ở Nam Kalimantan, nơi họ có thể thả những con khỉ vào rừng nhiệt đới và hồi phục rừng ngập mặn tại đảo kể từ năm 2015. Bởi theo SBI, chìa khóa để cứu khỉ vòi là cứu môi trường sống của chúng.

Để chương trình phát triển bền vững, SBI phát triển một chương trình du lịch sinh thái khỉ vòi vào năm 2018 với số lượng khách tham quan hạn chế 100 người/ngày trên đảo Pulau Curiak cùng với sự tham gia của cộng đồng địa phương. Trước đại dịch Covid-19, có rất nhiều du khách nước ngoài, đặc biệt là đến từ Australia, châu Âu và Mỹ quan tâm, tìm hiểu về loài khỉ này tại Indonesia.

Amalia Rezeki hy vọng, bên cạnh doanh thu cho chi phí của SBI, việc du khách đến tham quan cũng như nghiên cứu khỉ vòi ở Indonesia cho thấy công việc bảo tồn khỉ vòi đang được quan tâm.

KIM OANH