Đông Giang chủ động ứng phó mưa bão

CÔNG TÚ 26/08/2022 07:39

Từ thực tế công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của những năm trước, huyện Đông Giang đang tích cực chuẩn bị kỹ lưỡng phương án phòng chống lụt bão năm nay.

Khu tái định cư Bến Hiên đã xây dựng hoàn thiện hạ tầng. Ảnh: T.C.T
Khu tái định cư Bến Hiên đã xây dựng hoàn thiện hạ tầng. Ảnh: T.C.T

Kinh nghiệm thực tế

Mùa mưa bão năm 2020, thiên tai đã gây thiệt hại cho huyện Đông Giang hơn 400 tỷ đồng, một con số quá lớn với địa phương miền núi cao còn rất nhiều khó khăn này. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng hư hại nghiêm trọng, tính mạng con người bị đe dọa trước tình trạng sạt lở, nước lũ dâng cao bất thường.

Tại thôn Bến Hiên (xã Kà Dăng), mưa lũ làm cho 5 căn nhà bị sụp đổ, đe dọa sự an toàn của hàng chục ngôi nhà khác. Trước tình cảnh ấy, được sự hỗ trợ từ các cấp, năm 2021 Đông Giang đã triển khai khắc phục hậu quả, trong đó tiến hành kè chống sạt lở phía sau các Trường Tiểu học Jơ Ngây, Mẫu giáo A Rooi, Mẫu giáo Za Hung. Đáng chú ý, công trình khu tái định cư Bến Hiên cũng được xây dựng, tổng mức đầu tư hơn 29,7 tỷ đồng.

Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng - phát triển quỹ đất huyện Đông Giang - ông Hồ Hiệp cho hay, đến thời điểm này, khu tái định cư Bến Hiên đã thi công hoàn thành, với đầy đủ hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, sẽ là nơi an cư của 5 hộ có nhà bị sập và 15 hộ dân trong thôn nguy cơ cao ảnh hưởng bởi sạt lở. Ngoài ra, những công trình khắc phục hậu quả bão lũ khác do đơn vị làm chủ đầu tư cũng đã thi công xong, đưa vào sử dụng trước mùa mưa năm nay.

Ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện cho hay, cuối tháng 6 vừa qua, địa phương đã ban hành quyết định kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện. Ngay sau đó, ban đã tham mưu lập các phương án ứng phó theo từng cấp độ, để không bị động nếu thiên tai diễn biến bất thường, cực đoan.

Năm 2021, Đông Giang còn tổ chức diễn tập PCTT&TKCN, bằng nhiều cách thức sát với thực tế trên địa bàn. Một nội dung quan trọng là triển khai ứng phó trước tình trạng sạt lở gây cô lập dài ngày. Để tới mùa mưa bão này, huyện sẽ áp dụng vào thực tế, giảm thiểu thiệt hại về tài sản, nhất là an toàn tính mạng con người trước thiên tai.

Chủ động ứng phó

Gần tới mùa mưa bão, gia đình bà Đỗ Thị Yến (thôn Ngã Ba, thị trấn Prao) và gần trăm hộ dân sống dưới chân đồi Kiểm Lâm lại nơm nớp lo sợ đất đá, cây cối sạt lở vùi lấp. Bỡi lẽ, sườn đồi từng xuất hiện vết nứt dài và rộng.

Để đảm bảo an toàn, mỗi khi có đợt mưa lớn kéo dài, địa phương vận động người dân vùng có nguy cơ cao bị sụt trượt đi lánh tạm tại nhà văn hóa, hoặc ở tại nhà bà con khu vực an toàn.

Vì lẽ đó, Đông Giang đã kiến nghị và được tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án đường nội thị phía đông kết hợp hạ cos nền tránh nguy cơ sạt lở đồi Kiểm Lâm vào khu dân cư thị trấn Prao với số vốn 249 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 224 tỷ đồng).

Công trình này sẽ tạo điều kiện mở rộng đô thị Prao, xây dựng khu dân cư mới, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho các hộ dân nằm dưới chân đồi Kiểm Lâm, giúp bà con yên tâm an cư lạc nghiệp.

Tuy nhiên, các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản cần khá nhiều thời gian. Theo thông tin từ ông Hồ Hiệp, đến thời điểm này, việc thực hiện tới bước khảo sát, đo đạc giải thửa và phải tới tháng 11 năm nay mới có kết quả đấu thầu, triển khai thi công.

Ông Hồ Quang Minh nói, UBND và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã chỉ đạo thị trấn Prao nói riêng, các xã nói chung lưu ý trong phương án ứng phó phải bố trí địa điểm sơ tán, di dời dân vùng trũng thấp, có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Địa điểm bố trí là trường học, nhà văn hóa hay trụ sở xã nhưng phải đảm bảo chắc chắn, an toàn. Huyện cũng đã giao trách nhiệm cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang cử lực lượng phối hợp với cấp xã giúp sơ tán dân, tìm kiếm cứu nạn…

Mùa mưa bão năm nay, Đông Giang yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp phải tổ chức trực ban 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi chỉ đạo và thông tin kịp thời diễn biến tình hình đến các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn nắm bắt và xử lý.

Các cấp chủ động kết nối, chỉ đạo trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin (email, zalo, mạng xã hội facebook,…) phục vụ công tác chỉ huy, điều hành ứng phó và thông tin về thiên tai giữa ban chỉ huy, nhất là đối với cấp huyện, cấp xã, phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Các ngành, địa phương củng cố, duy trì các đội xung kích thường trực ở cơ sở để sẵn sàng di dời dân, giúp dân khắc phục hậu quả mưa bão, tìm kiếm cứu nạn; đồng thời quan tâm bố trí nguồn lực, đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng làm công tác này...

CÔNG TÚ