Hướng đi mới của Bảo tàng Quảng Nam
Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam không ngừng đổi mới phương pháp tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, cải tạo không gian và loại hình trải nghiệm hướng đến học sinh. Đây là hướng đi mới, bước đầu tạo hiệu ứng tích cực.
Ông Phan Ngọc Bích - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng tỉnh cho biết, các hoạt động trải nghiệm tại bảo tàng gần đây bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ. Phần lớn các hoạt động đều hấp dẫn, nhất là với học sinh, khi tạo được không gian, sân chơi bổ ích.
“Em rất vui khi tham quan gian trưng bày ở Bảo tàng Quảng Nam, học được nhiều kiến thức mới bổ ích và đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm ở đây. Em không biết phải lựa chọn hoạt động nào yêu thích nhất vì tất cả đều rất hay và thú vị!” - học sinh Trịnh Bảo An, ở TP.Tam Kỳ, chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Minh Lê - Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp Bảo tàng tỉnh nói, điều quan trọng nhất trong xây dựng chương trình trải nghiệm - khám phá tại bảo tàng là phải đảm bảo yếu tố cuốn hút, khác biệt, bổ ích và mang tính giáo dục hơn hẳn so với những trò chơi đang có ở những trung tâm thương mại, những khu vui chơi, giải trí hiện đại.
Trong tổ chức hoạt động trải nghiệm, khám phá tại Bảo tàng Quảng Nam, việc lựa chọn nguồn nhân lực tham gia là yếu tố then chốt. Những cán bộ được lựa chọn phải có tâm huyết, có hiểu biết về đối tượng hướng tới, có kỹ năng giao tiếp, truyền đạt thông tin…
Qua mỗi hoạt động, những bài học thu nhận được chắc chắn sẽ đọng lại trong trái tim của trẻ. Sự gắn kết giữa học sinh và những người làm công tác bảo tàng ngày một gần nhau hơn. Việc định hướng cho các em có những hành động thiết thực góp phần vào công cuộc gìn giữ, bảo vệ những giá trị di sản văn hóa là điều hết sức cần thiết.
Với việc đa dạng hóa các hoạt động, trong thời gian đến Bảo tàng Quảng Nam không chỉ hấp dẫn với học sinh mà sẽ trở thành địa chỉ, điểm đến quen thuộc của đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh.
Một cách đơn giản nhất, trải nghiệm chính là những gì ta thu nhận được trên hành trình sống. Nó bắt nguồn từ sự quan sát, sự va vấp và khám phá không ngừng. Nó có được trong quá trình giáo dục và đào tạo, nó có thể nhận được bên ngoài các cơ sở giáo dục: thông qua sự giao tiếp với nhau, với người lớn, hay qua những tài liệu tham khảo không được giảng dạy trong nhà trường…
Gần đây, với sự cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ, Bảo tàng Quảng Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các trường học, các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh thăm quan và tham gia các hoạt động trải nghiệm tại bảo tàng như làm gốm Thanh Hà, làm lồng đèn ông sao, làm bánh ít lá gai truyền thống, dập giấy dó trên khuôn...
Hoạt động trải nghiệm nêu trên cũng là hiện thực hóa đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” của Thủ tướng Chính phủ và đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch” của Bộ VH-TT&DL.