Khơi dậy khát vọng vươn lên thoát nghèo
Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Nam Trà My còn 1.918 hộ nghèo, so với năm 2015 giảm 2.826 hộ (giảm 46,66%). Cuộc vận động “3 cán bộ, công chức, lao động giúp 1 hộ thoát nghèo bền vững” do UBND huyện Nam Trà My phát động đã đóng góp tích cực tạo nên kết quả này.
Thay đổi cách nghĩ và làm
Vùng đất nghèo Nam Trà My dần trở nên “nổi tiếng” qua phiên chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức hằng tháng, đạt doanh thu hàng tỷ đồng. Nhiều người còn biết đến “xứ sâm” này với cuộc vận động giàu ý nghĩa nhân văn, đó là “3 cán bộ, công chức, lao động giúp 1 hộ thoát nghèo bền vững”.
Đơn cử, trường hợp gia đình chị Đinh Thị Lệ Vui (thôn 1, xã Trà Mai) thuộc diện hộ nghèo, dù siêng năng lao động nhưng đói nghèo vẫn vây bám. Từ khi được cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Nam Trà My nhận giúp đỡ, tư vấn làm hồ sơ vay vốn ưu đãi, cách sử dụng vốn vay đầu tư chăn nuôi, gia đình chị dần tự tin hơn trong phát triển kinh tế. Được hướng dẫn kỹ thuật theo kiểu cầm tay chỉ việc, chị Vui đã mạnh dạn vay vốn mua heo, bò, gà để phát triển chăn nuôi, kinh tế gia đình ngày càng ổn định.
Nhìn lại công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, huyện đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt, cách làm hay, phù hợp với địa phương để hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo đề ra.
Ngoài việc tập trung các nguồn lực cho hộ đăng ký thoát nghèo (thoát nghèo có địa chỉ), cuộc vận động “3 cán bộ, công chức, lao động giúp 1 hộ thoát nghèo bền vững” đã hướng dẫn các hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế gia đình theo định hướng chung của huyện Nam Trà My là “trồng cây gì, nuôi con gì”...
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 - 2020, đã có 2.324 hộ nghèo, hộ cận nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững và qua rà soát hàng năm có 2.306 hộ thoát nghèo bền vững.
Tập trung cho bài toán thu nhập
Tháng 6.2022, UBND huyện Nam Trà My tổ chức lễ phát động và ra quân giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững năm 2022 theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.
Đồng thời giao cho các cơ quan, đơn vị, trường học và UBND các xã giúp đỡ 556 hộ nghèo và 27 hộ cận nghèo đăng ký thoát nghèo theo phương châm “3 cán bộ, công chức, lao động giúp 1 hộ thoát nghèo bền vững”.
So với chỉ tiêu tỉnh giao đạt 111,2%, vượt 11,2% so với chỉ tiêu huyện giao. Đây là bước đầu để địa phương tập trung nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo theo địa chỉ, giúp người nghèo, hộ nghèo tiếp cận nhanh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Từ kinh nghiệm những năm trước, UBND huyện Nam Trà My yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan đơn vị, trường học và doanh nghiệp không thực hiện dàn trải mà tập trung chủ yếu ở các hộ đăng ký thoát nghèo bền vững hàng năm. Việc giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo phải thiết thực và tùy điều kiện của từng hộ.
UBND huyện ấn định, vào ngày nghỉ của tuần thứ 3 hằng tháng, các cơ quan, đơn vị đồng loạt tổ chức ra quân để giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo đăng ký thoát nghèo.
Nội dung giúp tập trung vào tuyên truyền các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo của Trung ương, tỉnh, huyện; thống nhất phương châm “hỗ trợ cần câu, không hỗ trợ con cá”; tư vấn cho các hộ nghèo về trồng cây gì, nuôi con gì, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng, con vật nuôi; tư vấn việc sử dụng các nguồn vốn vay….
Nam Trà My là một trong 6 địa phương của tỉnh thuộc diện đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Căn cứ nội dung các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND huyện đã giao cho các cơ quan chuyên môn, địa phương tiến hành khảo sát, chọn đối tượng đầu tư, xây dựng danh mục và phê duyệt kế hoạch thực hiện.
Ông Võ Như Sơn Trà - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My cho hay, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, hộ thiếu nhiều dịch vụ đa chiều là hộ nghèo, thiếu ít hơn 2 dịch vụ đa chiều trở xuống là hộ cận nghèo.
Định hướng giảm nghèo giai đoạn này của huyện là ưu tiên lựa chọn những hộ nghèo thiếu hụt ít dịch vụ đa chiều để tập trung nguồn lực hỗ trợ giải quyết trước, như xây dựng nhà vệ sinh, nhà ở, giáo dục trẻ em… Song song với đó, tập trung giải quyết căn cơ bài toán về thu nhập theo khung thời gian nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
“Thực tiễn cho thấy, về phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cần có “độ trễ” nhất định, không thể từ một hộ nghèo đăng ký thoát nghèo đầu năm thì cuối năm sẽ thoát được nghèo, giảm nghèo nhanh mà bền vững thì rất khó. Tư duy giảm nghèo bền vững có sự thay đổi như vậy” - ông Trà chia sẻ.