Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19: Vào cuộc nước rút
Còn hơn 1 tuần nữa kết thúc Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 do Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 cấp tỉnh phát động, các địa phương đang nỗ lực để nâng cao tỷ lệ người dân tiêm vắc xin phòng Covid-19 các mũi nhắc lại...
Nhích dần tỷ lệ
Thống kê đến ngày 21.8, tại Quảng Nam, số người đã tiêm đủ liều cơ bản là gần 1,1 triệu người, đạt tỷ lệ 97,5%. Số người tiêm mũi 3 (nhắc lại lần 1) mới chỉ có 641.446 người, đạt tỷ lệ 59,0%. Mũi 4, tức mũi nhắc lại lần 2 có 142.220 người, đạt 53,6%.
Số trẻ 12 - 17 tuổi được tiêm đủ liều cơ bản là 131.256 trẻ, đạt 98,3%. Số trẻ được tiêm mũi 3 là 36.434 trẻ, chiếm 27,3%. Trong khi đó, hiện mới chỉ có hơn 80 nghìn trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm mũi 1, chiếm tỷ lệ 50,1%.
Quảng Nam vẫn đang là địa phương nằm trong số các tỉnh thành có tỷ lệ người dân tiêm các mũi nhắc lại cũng như tiêm vắc xin cho trẻ em ở mức thấp so với cả nước.
Giống như tình trạng chung gặp phải ở nhiều nơi, tỷ lệ tiêm các mũi nhắc lại thấp do sự chủ quan của người dân trong bối cảnh số ca mắc giảm, số ca nặng và tử vong ở mức rất thấp, nhiều đối tượng đã mắc Covid-19 không đồng ý tiêm các mũi vắc xin tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết.
Bên cạnh đó, các thông tin tiêu cực về tác dụng phụ, biến chứng khi tiêm mũi 3 gây ảnh hưởng đến tâm lý, e ngại của người dân không đồng ý tiêm mũi nhắc lại.
Đối với việc triển khai tiêm chủng liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, chính sự e ngại của các bậc cha mẹ về phản ứng sau tiêm, lo sợ ảnh hưởng lâu dài của vắc xin đến sức khỏe sau này khiến tỷ lệ không đồng ý tiêm chủng ở nhóm trẻ nhỏ cao hơn so với nhóm trẻ 12 - 17 tuổi và người lớn.
Chưa kể, trong bối cảnh hiện tại, số mắc Covid-19 giảm, các trường hợp trẻ em mắc bệnh hầu hết ở mức độ nhẹ dẫn đến tâm lý chủ quan của người dân đối với việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ là không cần thiết. Chưa kể, việc rà soát nắm số lượng trẻ trong giai đoạn trẻ đang nghỉ hè... cũng có nhiều khó khăn cần sự vào cuộc của chính quyền.
Đại diện Sở Y tế cho biết, tuy tỷ lệ người dân tiêm vắc xin chưa thật sự bứt phá sau khi phát động chiến dịch, nhưng so với con số người dân tiêm hồi tháng 6, trong vòng 20 ngày đầu của tháng 8, số người dân đến tiêm chủng đã tăng 1,4 lần. Cụ thể, tổng số đối tượng tiêm trong tháng 8, tính đến ngày 21.8 là 132.451 người, tăng 1,4 lần so với số đối tượng tiêm trong tháng 6 (97.117 người).
Triển khai đồng bộ
UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ chiến dịch này đến hết ngày 31.8. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh phải cam kết đạt ít nhất 90% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia tiêm chủng đầy đủ các liều vắc xin phòng Covid-19 theo quy định, riêng đảng viên phải đạt tỷ lệ 100%.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Y tế thành lập các đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác tiêm chủng phòng Covid-19 hàng ngày tại các địa phương, đặc biệt là các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế ký cam kết với các cơ quan, đơn vị tuyến huyện, đồng thời giám sát chặt chẽ việc triển khai tiêm vắc xin đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống cơ quan hành chính.
Đối với Sở GD-ĐT, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Phòng GD-ĐT, các cơ sở giáo dục và các trường học tiếp tục rà soát và vận động đội ngũ cán bộ giáo viên, người lao động, người chăm sóc trẻ chưa tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tham gia tiêm chủng đầy đủ theo quy định.
Kết thúc quý 3-2022, ngành giáo dục phải đạt hơn 80% tỷ lệ tiêm mũi 1 và mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 17 tuổi.
Hiện tại, các địa phương bằng nhiều cách đang chạy đua để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng. Ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, huyện đang tiếp tục các hình thức tuyên truyền vận động người dân tiêm vắc xin.
Trong đó, yêu cầu các xã phường rà soát danh sách số cán bộ công chức viên chức trên địa bàn chưa tiêm các mũi nhắc lại và yêu cầu đưa việc tiêm vắc xin trở thành tiêu chí thi đua.
Tương tự, TP.Tam Kỳ đặt mục tiêu đến ngày 30.8, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mũi 3, 4 trong cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, người lao động đạt 100%.
Thành đoàn Tam Kỳ cũng đã tổ chức phát động chiến dịch “Mùa hè xanh”, ra quân tuyên truyền tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 ở các địa phương, phấn đấu đến 30.8 có 90% đoàn viên được tiêm vắc xin đủ liều theo yêu cầu.
Cùng với đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vắc xin các mũi nhắc lại, hiện các địa phương đang kỳ vọng tỷ lệ tiêm vắc xin cho trẻ em các độ tuổi sẽ tăng nhanh sau khi học sinh bắt đầu tựu trường...
Dịch Covid-19 bùng phát tùy thuộc vào tỷ lệ tiêm vắc xin
TS-BS. Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, hiệu quả vắc xin và người từng mắc bệnh có kháng thể bảo vệ được khoảng 6 tháng, do vậy từ tháng 2 đến tháng 8 năm nay, miễn dịch cộng đồng vẫn còn khá tốt.
Nhưng sau đó, khả năng miễn dịch sẽ giảm đi, cùng với việc biến chủng mới có khả năng né tránh các loại kháng thể của vắc xin; kháng thể của người nhiễm bệnh lần trước giảm nhiều; người dân đang không ủng hộ tiêm ngừa thêm nữa và mọi sinh hoạt đã dần trở lại bình thường, mỗi cá nhân không còn ý thức phòng tránh dịch sẽ dẫn đến khả năng mắc bệnh cao hơn. Tiên lượng tháng 9, tháng 10 năm nay có đợt nhiễm bệnh cao trở lại, thực tế, lượng bệnh trên toàn quốc cũng đang gia tăng.
PGS-TS. Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh nhận định dịch, Covid-19 có khả năng sẽ có nhiều đợt bùng phát nhỏ tùy theo mức độ. Với biến chủng phụ BA.4 và BA.5, nhiều nước trên thế giới đã có những đợt bùng phát, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Việc bùng phát Covid-19 tùy thuộc vào tỷ lệ tiêm chủng của người dân.