Bài thuốc điều trị chứng ra mồ hôi trộm

V.THU (Theo uckhoedoisong.vn) 20/08/2022 18:03

(QNO) - Mồ hôi trộm là vã mồ hôi lúc ngủ, tỉnh giấc thấy quần áo ướt và không thấy mồ hôi ra nữa, Đông y gọi là chứng đạo hãn.

Cây thuốc ngũ bội tử.
Cây thuốc ngũ bội tử.

1. Nguyên nhân sinh bệnh

Chứng đạo hãn (ra mồ hôi trộm) chỉ là một loại triệu chứng biểu hiện ở bên ngoài, hay gặp trong trường hợp người gầy, hai má nóng ran, họng khô miệng khát, lưng đau, tai ù.

Nguyên nhân ra mồ hôi trộm do nhiều bệnh tật gây nên như công năng tuyến giáp trạng phát triển quá cao, công năng thần kinh thực vật rối loạn, bệnh lao, bệnh phong thấp, bệnh tiêu hóa và một số bệnh mạn tính khác.

Trạng thái bình thường, cơ thể cần khoảng 1,8-2,2 lít nước để bảo đảm các hoạt động của mình và cũng thải ra ngoài lượng nước tương đương bằng nước tiểu, mồ hôi, phân.

Lượng mồ hôi ra nhiều hay ít tùy mùa (mùa hè ra nhiều, mùa đông ra ít), tùy trạng thái hoạt động của cơ thể (lao động chân tay ra nhiều, lao động trí óc ra ít, ăn nóng ra nhiều, ăn lạnh ra ít...), tùy lượng nước tiểu, lượng phân (nước tiểu nhiều, nước trong phân nhiều khi mồ hôi ít và ngược lại)…

Về mặt điều trị của Đông y đối với chứng tự hãn (vã mồ hôi lúc thức) thì ích khí cố biểu, đối với chứng đạo hãn (ra mồ hôi lúc ngủ) thì dưỡng âm giáng hỏa.

Vị thuốc ngũ bội tử chữa chứng mồ hôi trộm.
Vị thuốc ngũ bội tử chữa chứng mồ hôi trộm.

2. Bài thuốc điều trị ra mồ hôi lúc ngủ (đạo hãn)

2.1 Bài thuốc uống

Bài 1: Sơn thù 12g, thục địa 16g, đan bì 9g, trạch tả 2g, sơn dược 9g, ngũ vị 6g, mạch môn 12g, bạch thược 12g, đăng tâm thảo 12g, địa cốt bì 12g, liên tử 12g.

Cách dùng: Các vị thuốc sắc với 1.000ml nước, còn 250ml, chia 2 phần, uống; 2 ngày một thang.

Bài 2: Nhân sâm, phục linh, toan táo nhân, mỗi vị 10g, tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 3g, ngày 3 lần uống với nước cơm.

Trường hợp đổ mồ hôi trộm, đau lưng, ù tai (thận hư), dùng 1 trong 2 bài thuốc sau:

Bài 1: Thục địa 24g, sơn thù 12g, sơn dược 12g, trạch tả 9g, phục linh 9g, đan bì 9g.

Cách dùng: cho 800ml nước sắc còn 200ml nước, sắc 2 lần, 2 ngày uống 1 thang.

Bài 2: Ngũ vị tử, sơn thù, long cốt, mẫu lệ, hà thủ ô, viễn chí, ngũ bội tử, địa cốt bì đều 12g.

Cách dùng: cho 800ml nước sắc còn 200ml nước, sắc 2 lần, 2 ngày uống một thang.

2.2 Thuốc dùng ngoài

Bài 1: Ngũ bội tử tán nhỏ hòa với nước lạnh, quấy thành hồ, đắp vào rốn, ngày một lần. Phương pháp này chữa cả chứng tự hãn và đạo hãn.

Bài 2: Hoàng bá 10 gam, nghiền thành bột, dùng nước sôi để nguội hòa thành 2 bánh thuốc đắp vào đầu vú, lấy vải gạc bẵng buộc lại, ngày 1 lần.

3. Món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị ra mồ hôi trộm

Bài 1: Gạo tẻ 50g, mộc nhĩ trắng 5g, bách hợp 15 g, đường phèn 10g, nấu cháo ăn, ngày 1 lần.

Bài 2: Hồng táo 50g (bỏ hạt) phủ tiểu mạch 30g, nấu canh, ăn táo uống nước, mỗi ngày một thang.

Bài 3: Sâm tây 6g, hãm với nước sôi trong bình kín, uống thay trà, uống dần trong ngày.

Bài 4: Tiểu mạch 30g, rang chín, sắc uống, ngày 2 lần.

4. Tập luyện điều trị mồ hôi trộm

Chọn một trong 2 phương pháp sau:

- Nội dưỡng công: Mỗi ngày làm từ 1-2 lần.

- Thái cực quyền: Mỗi ngày luyện 1 - 2 lần.

V.THU (Theo uckhoedoisong.vn)