Thưa thớt khách quốc tế đến Quảng Nam

VĨNH LỘC 20/08/2022 15:47

(QNO) - Bảy tháng đầu năm, khoảng 167 nghìn khách quốc tế đến tham quan, lưu trú tại Quảng Nam, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2021, dù vậy so với năm 2019 thì tỷ lệ khách quốc tế giảm gần 94%.

Khách Hàn Quốc đã quay lại Hội An nhưng chủ yếu tham quan, ít lưu trú. Ảnh: V.L
Khách Hàn Quốc đã quay lại Hội An nhưng chủ yếu tham quan, ít lưu trú. Ảnh: V.L

Lưu trú giảm

Sau hơn hai năm ngưng trệ do ảnh hưởng dịch Covid-19, những du khách Hàn Quốc đã bắt đầu quay lại làng gốm Thanh Hà. Song đây có phải là tín hiệu lạc quan về dòng khách quốc tế sau địa dịch Covid-19?

Theo thống kê từ Trung tâm VH-TT&TT-TH TP.Hội An, đầu tháng 4.2022 đến nay, hơn 14 nghìn lượt khách đã mua vé tham quan làng gốm, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 3.500 lượt. Riêng từ tháng 6.2022, bình quân mỗi ngày có khoảng 500 lượt khách mua vé tham quan trải nghiệm, chủ yếu là du khách Hàn Quốc. 

Tháng 7, 8 được xem là “điểm nhấn” của khách du lịch đến Quảng Nam. Qua 7 tháng đầu năm, tổng lượt khách tham quan, lưu trú đến Quảng Nam đạt gần 3,1 triệu lượt, phần lớn là khách nội địa (trên 2,9 triệu lượt), tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ năm 2021, thậm chí tăng 54% so với cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, khách quốc tế khá thấp (ước đạt 167 nghìn lượt, giảm 94% so với cùng kỳ năm 2019).

Tại TP.Hội An, tỷ lệ lấp phòng và thời gian lưu trú của khách quốc tế bình quân đạt 1,23 đêm, con số được xem là rất thấp so với thời điểm trước dịch Covid-19. Hiện tại, một số khách sạn có quy mô lớn chuyên đón khách nước ngoài vẫn chưa mở cửa trở lại.

Khách quốc tế chủ yếu đến từ 2 thị trường gần gồm Đông Bắc Á (chủ yếu Hàn Quốc, Nhật Bản) và Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Singapore). Thị trường truyền thống Tây Âu, Bắc Mỹ hầu nhưng không đáng kể, đặc biệt xu hướng khách đi tự do hoặc nhóm lẻ tăng cao, ít có đoàn lớn.

Khách quốc tế thấp khiến các hoạt động dịch vụ cũng bị ảnh hưởng. Ảnh: K.L
Khách quốc tế thấp khiến dịch vụ cũng bị ảnh hưởng. Ảnh: K.L

Theo thông tin Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, tính đến cuối tháng 7, bình quân mỗi tuần có 29 chuyến bay từ Hàn Quốc đến Đà Nẵng. Cụ thể, tuyến Đà Nẵng - Incheon do Korean Air khai thác tần suất 7 chuyến/tuần, Vietnam Airlines (7 chuyến/tuần), Vietjet Air (7 chuyến/tuần), T’way Air (2 chuyến/tuần), Air Seoul (4 chuyến/tuần) và tuyến bay Đà Nẵng - Daegu do T’way Air 2 chuyến/tuần.

Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam nhìn nhận, việc gia tăng những chuyến bay kết nối Hàn Quốc là tín hiệu tích cực cho thị trường khách quốc tế do đây là thị trường khách quốc tế hàng đầu của Quảng Nam trước dịch Covid-19. Tuy nhiên làm thế nào giữ chân dòng khách này lưu trú lại Quảng Nam trước sự cạnh tranh với các tỉnh, thành lân cận mới quan trọng, bởi Hội An thiếu điểm vui chơi, mua sắm đẳng cấp, điều mà thị trường khách Hàn Quốc cũng như Đông Nam Á ưa thích. Chưa kể, sự tương đồng văn hóa cũng là nguyên nhân khiến khách châu Á ít lưu trú Hội An hơn Đà Nẵng.

Khó đạt mục tiêu

Tháng 6.2022 vừa qua Sở VH-TT&DL Quảng Nam đã điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế từ 1,7 triệu lượt (đặt ra từ đầu năm) xuống còn 700 nghìn lượt khách quốc tế đến Quảng Nam trong năm 2022. Dù vậy, theo nhận định của các doanh nghiệp con số này cũng sẽ khó hoàn thành.

Ông Trần Lực – Phó Giám đốc Saigontourist, chi nhánh Đà Nẵng nhìn nhận, mặc dù khách quốc tế đã bắt đầu quay lại nhưng số lượng khá thấp, nhất là khách Tây Âu. Bên cạnh tình hình chiến sự tại Ucraine, thì suy thoái kinh tế, lạm phát… tại châu Âu cũng khiến số người đi du lịch giảm. Cạnh đó, việc một số quốc gia liên tục thay đổi chính sách chống dịch Covid-19 khiến khách châu Âu dè dặt khi đi du lịch.

“Thông thường khách châu Âu, Bắc Mỹ khi đi du lịch thường ghé nhiều nước, nhưng với chính sách kiểm soát dịch mỗi nơi một cách như hiện nay rất khó, nhất là với những khách đoàn lớn hoặc khách tàu biển” - ông Lực nói.

Saigontourist là đơn vị chuyên tổ chức khách tàu biển đến miền Trung. Trước năm 2019, bình quân mỗi tuần có khoảng 2.000 khách quốc tế ghé Đà Nẵng, từ đó tỏa ra các tỉnh, thành miền Trung như Quảng Nam, Huế…

Từ đầu năm đến nay khách châu Âu du lịch Hội An chủ yếu đi nhóm nhỏ, gia đình, ít có đoàn lớn. Ảnh: V.L
Từ đầu năm đến nay khách châu Âu du lịch Hội An chủ yếu đi nhóm nhỏ, gia đình, ít có đoàn lớn. Ảnh: V.L

Với thị trường Hàn Quốc, dù nhiều chuyến bay trực tiếp đã nối lại nhưng dịch Covid-19 tái bùng phát những ngày gần đây đã khiến khả năng tăng trưởng dòng khách này kém lạc quan do Chính phủ Hàn Quốc siết chặt chính sách chống dịch, nhiều tour du lịch ra nước ngoài của người dân Hàn Quốc đã bị hủy.

Từ tháng 3.2022, khi Chính phủ mở cửa lại hoạt động du lịch khách nội địa đến Quảng Nam khá đông, thậm chí vượt trước thời điểm 2019. Dù đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu khách hiện nay. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, về lâu dài dòng khách quốc tế vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng dựa trên những lợi thế về di sản, thiên nhiên, nhất là xu hướng du lịch xanh đang ngày càng được triển khai rộng rãi.

Khách quốc tế chưa quay lại nhiều, đồng nghĩa nguồn thu từ du lịch địa phương cũng bị ảnh hưởng, điều này đang dần hiện hữu khi mùa hè (mùa cao điểm khách nội địa) sắp kết thúc, khoảng trống dòng khách quốc tế đang dần lộ rõ. 

Ông Nguyễn Phương Đông – Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH TP.Hội An thông tin, mặc dù khách đến Hội An tăng cao, tuy nhiên tỷ lệ mua vé tham quan phố cổ khá thấp, bình quân mỗi ngày khoảng 3.500 vé (riêng dịp cuối tuần từ 4.500 – 5.000 vé), khoảng 30% trong số đó là khách nước ngoài, đa số khách đi lẻ hoặc nhóm gia đình.

Đến thời điểm hiện tại lượng khách bắt đầu giảm dần do học sinh, giáo viên… sắp bước vào năm học mới.

VĨNH LỘC