Pơr'ngoóch, ngày vui cố kết cộng đồng

ALĂNG NGƯỚC 20/08/2022 06:20

Pơr’ngoóch, theo nghĩa Cơ Tu là ăn thề, kết nghĩa. Tập tục này, từ ngàn xưa luôn được xem như một cuộc thâm giao giữa cộng đồng làng, khẳng định tinh thần gắn kết bền chặt. Người ta ví mối thâm giao ấy như sợi mây trên nóc gươl làng, quấn lấy nhau vượt qua mưa nắng…

Đồng bào Cơ Tu vui múa trống chiêng trong ngày tái hiện lễ hội pơr’ngoóch. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đồng bào Cơ Tu vui múa trống chiêng trong ngày tái hiện lễ hội pơr’ngoóch. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ngày trước, pơr’ngoóch thường được tổ chức sau lần hai bên làng Cơ Tu có sự mâu thuẫn, xung đột. Khi ấy, để mâu thuẫn không kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống, một trong hai làng chấp nhận “hạ mình” trước đối phương.

Họ chủ động kết nghĩa nhằm giải hòa những vướng mắc, rồi cắt cử người uy tín đến làng bên để thương thuyết, bàn ngày tổ chức pơr’ngoóch, chấm dứt hiềm khích không đáng có.

Ông Avô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho hay, ngày nay, lễ kết nghĩa được tổ chức không xuất phát từ sự mâu thuẫn, mà cao hơn là để giữ mối quan hệ ngày càng tốt đẹp và đoàn kết bền chặt giữa các cộng đồng làng chung sống dưới mái nhà Trường Sơn.

Từ đó, cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh, giao lưu văn hóa… trở thành nét đẹp trong văn hóa cộng đồng Cơ Tu. “Pơr’ngoóch vẫn luôn được duy trì trong cộng đồng làng, chúng tôi xem đó như biểu tượng của tình đoàn kết” - ông Phương nói.

Tiệc rượu chung

Huyện Đông Giang tổ chức tái hiện nghi lễ pơr’ngoóch, là cuộc vui gắn kết tình anh em giữa cộng đồng Cơ Tu ở xã Tà Lu và thị trấn P’rao. Cuộc gặp gỡ này, là dịp “mời rượu” nhau, để tình người Cơ Tu thêm thắt chặt như dòng máu đang chảy trong huyết quản mỗi người.

Già Zơrâm Đhông - già làng uy tín của thị trấn P’rao nói với tôi như vậy, và bày tỏ sự hào hứng khi được cộng đồng cắt cử “đóng vai” già làng đến pa’tooi - tức là mời những người anh em xã Tà Lu dự hội. Cùng đi với già Đhông, còn có một người khác nữa, uy tín cũng không kém, là già Arâl Chớp. Cả hai đều ở tuổi xưa nay hiếm.

Điệu khèn vang trong ngày vui kết đoàn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Điệu khèn vang trong ngày vui kết đoàn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Già Zơrâm Đhông mặc bộ áo dài, ngực đeo mã não, ngồi cùng những vị già làng khác, cất câu nói lý, đại ý thay mặt dân làng P’rao chuyển lời mời tham dự ngày lễ pơr’ngoóch đến những người anh em xã Tà Lu.

Chuyến đi của già Đhông, là khi hai bên đã thống nhất định ngày tổ chức kết nghĩa và mọi sự chuẩn bị đã đầy đủ, từ lễ vật cúng tế, không gian sinh hoạt, cho đến sản vật để vui hội.

Già Zơrâm Đhông cất lên điệu lý, lời hát ví von về câu chuyện tình nghĩa anh em, rằng từ đây, mọi hiềm khích bỏ qua, cả hai làng chung sống thuận hòa. Rồi già Arâl Chớp góp thêm lời ví, tăng “chất liệu” cho cuộc gặp mặt, trước khi các già làng Tà Lu đối đáp, mở lòng.

Thời gian đã được thống nhất, già làng Bh’nước Hê - đại diện xã Tà Lu thông tin số lượng người đến dự lễ, cùng một số điều kiêng cữ trong quá trình tổ chức pơr’ngoóch.

Xong xuôi, hai pa’tooi của P’rao xin phép ra về để kịp báo cáo tình hình, chuẩn bị nghi thức đón những người anh em sang dự lễ. Phía sân, cây nêu đã được dựng sẵn; trống chiêng, trâu bò, trà thuốc… cũng “đâu vào đó”, cuộc vui bắt đầu bằng nghi thức rước đón, mời rượu.

Khi dân làng Tà Lu đã có mặt trước ngõ, trước sự chỉ đạo của già làng, trống chiêng bắt đầu nổi lên. Cạnh đó, một chòi ga’nâu được dựng sẵn, trải đầy thổ cẩm truyền thống.

Những già làng P’rao tay cầm bình rượu quý, cùng món ăn đặc sản đứng tại ga’nâu đón khách. Đồng thời cắt cử thanh niên, trai gái đến tiếp nhận lễ vật, dọn mâm mời đoàn người làng bên đến dự hội...

Như dòng suối bền chặt

Khách đã vào bên trong gươl, cuộc mời rượu được bắt đầu bằng câu lý của già làng đôi bên. Mâm thịt được đậy bởi tàu lá chuối, không ai được mở ra, cho đến khi kết thúc cuộc đối đáp. Đó là lúc hai bên đã thuận lòng với nhau về cuộc kết nghĩa, với những “điều khoản” cộng đồng được thống nhất.

Khi lá chuối được dỡ lên, đồng nghĩa với việc mọi sự đã được giải quyết ổn thỏa. Sau đó, các già làng bước lên nhà cúng, tiến hành cúng chung để thỉnh mời thần linh, thần núi về chứng giám lễ kết nghĩa.

Lễ cúng Giàng, báo cáo thần linh về cuộc kết nghĩa. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Lễ cúng Giàng, báo cáo thần linh về cuộc kết nghĩa. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Bài cúng rằng: “Lạy Giàng, trời đất, tổ tiên! Hôm nay thị trấn P’rao và xã Tà Lu tổ chức cầu cho mọi người luôn mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, kiếm được nhiều lúa thóc, hai bên không xảy ra tranh chấp mâu thuẫn. Từ nay về sau thị trấn P’rao và xã Tà Lu xem như một nhà, luôn đoàn kết để phát triển kinh tế, gìn giữ quê hương Đông Giang giàu đẹp.

Các thần linh, Giàng, núi rừng sông suối đừng thấy làm lạ vì hôm nay hai bên chúng tôi tổ chức lễ kết nghĩa. Để hằng năm chúng tôi luôn được ngồi với nhau, không ai gặp phải điều không hay. Hai bên chúng tôi kính dâng rượu, trà tất cả các đồ ở đây đến các thần linh, tổ tiên, trời đất, sông suối chứng kiến cho lòng thành của chúng tôi để hai bên từ đây về sau mối quan hệ ngày càng tốt đẹp, tình nghĩa bạn bè, anh em bền lâu”.

Già Bh’nướch Hê nói, sau lễ cúng, hai địa phương đã trở thành anh em, cùng uống chung nguồn nước, phát chung ngọn rừng.

“Từ đây về sau, không ai phản bội ai, sống gắn bó với nhau như dòng suối chảy từ máng nước về cánh đồng, như vòng mây được đan trên chiếc gùi, chiếc tà-léc” - già Bh’nướch Hê bộc bạch. Phía sân, dân làng cùng nắm tay vui múa trống chiêng, mời nhau chén rượu đầy. Nhịp trống, điệu khèn vang lên. Cuộc vui cứ thế kéo dài thâu đêm suốt sáng…

Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - Avô Tô Phương nói với tôi, người Cơ Tu xem lễ pơr’ngoóch như một dịp kết nghĩa, một biểu tượng cố kết cộng đồng. Bởi từ xa xưa, người Cơ Tu luôn giữ mối quan hệ thân thiết giữa làng này với làng khác, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng giữa núi rừng. Trong đó, lễ kết nghĩa truyền thống để kết mối thân giao, giải quyết mâu thuẫn, tạo sự hài hòa trong cuộc sống và mang ý nghĩa sâu sắc trong việc gắn kết cộng đồng, làng bản.

“Từ việc tái hiện lần này, hy vọng sẽ góp phần hiệu quả vào công tác bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào Cơ Tu, đồng thời lựa chọn giá trị văn hóa đặc sắc nhất để hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng, giúp thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, du lịch xanh trên địa bàn huyện, tạo thu nhập cho chính người dân địa phương” - ông Phương tin tưởng.

Già làng đối đáp nói lý, hát lý để thống nhất các “điều khoản” cộng đồng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Già làng đối đáp nói lý, hát lý để thống nhất các “điều khoản” cộng đồng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Chứng kiến toàn bộ nghi thức tái hiện lễ pơr’ngoóch khiến tôi hồi tưởng đến câu chuyện của già Alăng Giôr (ở thôn Aréh - nay là Aréh Đhrôồng, xã Tà Lu) kể vài năm trước. Đó là cuộc kết nghĩa giữa Aréh và Đhrôồng, sau khi cư dân Đhrôồng chuyển về từ vùng cao khu 7 (Tây Giang), nhằm xóa mờ khoảng cách xa lạ giữa hai làng dưới chân núi Aréh.

Mà sự xa lạ ấy, bắt nguồn từ quá vãng đau buồn của những năm tháng “têng brâu” (săn máu) một thuở. Vì thế, để xóa bỏ hiềm khích, hận thù, các già làng đi đến quyết định tổ chức lễ ăn thề, kết nghĩa anh em.

Ngày diễn ra pơr’ngoóch, hai làng ngồi uống chung ghè rượu, ăn cùng mâm cơm và hát lý với nhau như tình anh em một nhà. Câu lý vang lên, đại ý rằng, hai cái ché đặt gần nhau, đừng để đụng nhau mà bể, cũng giống như người Cơ Tu ở hai làng, sống cạnh nhau, đừng vì chuyện xưa cũ mà mất đoàn kết.

Sau lễ kết nghĩa đó, cư dân hai làng đã không còn phân biệt nhau, trai gái hai làng được phép lấy vợ gả chồng, chuyện về vùng Cơ Tu cao - thấp đã không còn nghe ai nhắc đến. Như một cơ duyên bền chặt, vài năm trước, hai làng Aréh và Đhrôồng được sáp nhập, trở thành một làng chung Aréh Đhrôồng.

ALĂNG NGƯỚC