Làm gì để “dân biết, dân bàn, dân giám sát”?
Sáng qua 18.8, đoàn công tác Ban Dân vận Trung ương do đồng chí Nguyễn Lam - Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương làm trưởng đoàn có buổi kiểm tra, làm việc với Thường trực Tỉnh ủy về kết quả 5 năm thực hiện Quyết định số 99 (ngày 3.10.2017) của Ban Bí thư ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ (gọi tắt là Quyết định 99).
Nhìn từ việc… công khai
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận thức rõ, việc triển khai Quyết định 99 là một trong những nội dung hết sức quan trọng, thiết thực nhằm tăng cường xây dựng, chính đốn Đảng. Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên theo dõi, chỉ đạo thực hiện các nội dung của quyết định này.
Đồng chí Lê Văn Dũng nhìn nhận, việc thực hiện 3 nội dung trong Quyết định 99, trong đó có công khai góp ý, giám sát, phản biện của nhân dân rất thiết thực. Nhờ làm tốt nên niềm tin của nhân dân với Đảng được nâng lên, khối đại đoàn kết toàn dân bền chặt, trên địa bàn không phát sinh điểm nóng… Nhờ đó, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh hoàn thành tốt.
Đặc biệt, công tác kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm được triển khai thường xuyên đã đem lại niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng. Công tác đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và xử lý cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Lam đánh giá cao sự vào cuộc hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trong tỉnh Quảng Nam đối với việc triển khai thực hiện Quyết định 99. Tiếp thu những kết quả, kiến nghị của tỉnh Quảng Nam, đồng chí Nguyễn Lam mong muốn cấp ủy, chính quyền, Mặt trận đoàn thể các cấp trong tỉnh quan tâm hơn nữa đến công tác dận vận, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động để người dân được góp ý, giám sát và được hưởng lợi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng hạn chế lớn nhất cần khắc phục trong thực hiện Quyết định 99 là việc công khai, nhất là ở cấp xã theo Pháp lệnh 34.
Nhiều nội dung người dân chưa biết, chưa có điều kiện để bàn và chưa có điều kiện giám sát, như công khai công tác quy hoạch, phương án thu hồi đất, bồi thường giải tỏa… khiến nhân dân bất bình.
Ở cơ quan, một số sở ngành chưa phát huy dân chủ, chưa công khai minh bạch các hoạt động cơ quan, nhất là trong công tác cán bộ, chi tiêu tài chính khiến nội bộ mất đoàn kết, thiếu thống nhất.
Bên cạnh đó, thực trạng nhân dân góp ý nhiều nhưng việc lắng nghe, tiếp thu giải quyết ý kiến, nguyện vọng chính đáng chưa được nhiều.
“Mỗi tháng, chưa kể 2 cuộc tiếp doanh nghiệp thì tỉnh có ít nhất 4 lần tiếp dân của Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND, nhưng kết quả sau tiếp dân thì còn nhiều vấn đề. Qua tiếp dân, nhiều vấn đề chính đáng được lãnh đạo kết luận cụ thể nhưng việc triển khai thực hiện lại chậm chạm khiến người dân đi lại nhiều lần” - đồng chí Lê Văn Dũng nói.
Một hạn chế nữa là cơ chế để nhân dân giám sát chưa rõ ràng, khó thực hiện, kể cả giám sát, phản biện của Mặt trận, đoàn thể.
Cần hành lang pháp lý rõ ràng
Từ những hạn chế đó, đồng chí Lê Văn Dũng chỉ ra 3 kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Quyết định 99. Thứ nhất, trong lãnh đạo, cấp ủy nhất là người đứng đầu phải tích cực, quyết liệt, gương mẫu; trong đó cần thường xuyên kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm những sai phạm, những kiến nghị chính đáng của nhân dân, như vậy mới tạo niềm tin của nhân dân.
Thứ hai, muốn thực hiện tốt Quyết định 99, hành lang pháp lý để thực hiện phải đầy đủ và dễ làm. Chẳng hạn như với Quy định 24 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đến nay Trung ương vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện.
“Nếu không hướng dẫn cụ thể và có hành lang pháp lý minh bạch để bảo vệ thì không ai dám làm” - đồng chí Lê Văn Dũng nói. Thứ ba, cần nêu gương, nhất là người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; trong đó cần phát huy được trách nhiệm Mặt trận, đoàn thể và các hội quần chúng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cũng kiến nghị Trung ương sớm có cơ chế, hành lang pháp lý để phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận, đoàn thể và nhân dân cùng tham gia giám sát; cần đưa vào luật thì mới mạnh, mới tốt được, chưa có luật nên chỉ mới nói chung chung.
Đồng thời cần đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng, giảm bớt văn bản hành chính. Ngoài ra, Trung ương cần sớm sửa đổi bổ sung một số văn bản, nghị định bất hợp lý trong thực tiễn, gây khó khăn cho cơ sở trong triển khai thực hiện.
Theo đồng chí Lê Văn Dũng, hiện có nhiều nghị định của Chính phủ bất hợp lý, chẳng hạn như Nghị định 04 quy định xe công. Quảng Nam đi đầu, gương mẫu trong thực hiện nên hiện nay gặp không ít khó khăn.
Ở dưới huyện, khối Mặt trận, dân vận không có xe phục vụ công tác; ở tỉnh thì mỗi sở chỉ có 1 chiếc xe nên tốn kém kinh phí thuê xe đi công tác, làm việc. Hay Nghị định 34 về công tác cán bộ công chức cấp xã. Luật Cán bộ công chức thì không nói gì về công chức cấp xã, chưa liên thông giữa xã với huyện, đây là điều vô cùng bất hợp lý, dẫn đến điều động cán bộ xã lên huyện rất khó.
Phó Bí thư Thường trực Lê Văn Dũng nói: “Cũng là cán bộ nhà nước, lương bậc như nhau nhưng cán bộ xã lại không được xem như công chức nhà nước, điều này vô cùng bất hợp lý. Chưa kể đến việc đối xử với cán bộ, nhất là về chế độ chính sách”...