Một "hòa bình thật sự"
Vụ kiện của một thường dân Việt Nam - bà Nguyễn Thị Thanh (Điện Bàn), người từng là nạn nhân chiến tranh đã thu hút sự chú ý đặc biệt của truyền thông Hàn Quốc.
>>50 năm vụ thảm sát tại Quảng Nam
>>Trong tôi, Quảng Nam là...
Ngày 10.8, tại tòa nhà Quốc hội Đại Hàn Dân quốc (Seoul), trước rừng ống kính của các hãng truyền thông, một phụ nữ trong tấm áo dài Việt Nam bước ra: “Tôi muốn gởi đến người dân Hàn Quốc tấm lòng chân thành của tôi, một nạn nhân chiến tranh Việt Nam đang tiến hành vụ kiện Chính phủ Hàn Quốc đòi bồi thường tổn hại chiến tranh.
Năm nay kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc, những ký ức về ngày đó vẫn còn nhức nhối trong cơ thể và trái tim tôi. Nhưng tôi hy vọng rằng, thông qua lời khai và phiên tòa của tôi lần này sẽ thúc đẩy Việt Nam và Hàn Quốc tiến đến một hòa bình thật sự”.
Người phụ nữ đó là Nguyễn Thị Thanh, khi mới là một đứa bé 8 tuổi, đã mất 5 người thân gồm mẹ, dì và các em trong vụ thảm sát Phong Nhị do quân đội Rồng Xanh, Nam Triều Tiên gây ra tại xã Điện An (Điện Bàn) vào ngày 12.2.1968. Hàng năm, ngày đó vẫn được người dân gọi là ngày “giỗ Đại Hàn”.
Tiếng nói của chính nghĩa
Là một trong hàng chục vụ thảm sát do lính Nam Triều Tiên gây ra ở miền Trung trong chiến tranh Việt Nam, vụ thảm sát Phong Nhị là vụ duy nhất được ghi lại bằng hình ảnh bởi một người lính Mỹ trong đơn vị cứu thương đã đến làng Phong Nhị ngay sau đó - hạ sĩ J. Vaughn.
Những bức ảnh người chết không toàn thây, nhà cháy đỏ và các báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ được giải mật sau 50 năm đã trở thành bằng chứng quan trọng, giúp các tổ chức xã hội dân sự tiến hành các bước chuẩn bị pháp lý và cuối năm 2019, bà Nguyễn Thị Thanh - nạn nhân còn sống sót với tư cách nguyên đơn đã nộp đơn kiện Chính phủ Hàn Quốc đòi xin lỗi và bồi thường thiệt hại.
Trước đó, ngày 9.8, tại Tòa án Quận trung tâm Seoul, bà Thanh bước vào phòng xử án cùng ông Nguyễn Đức Chơi, chú ruột của bà, người cùng làng Phong Nhị. Ông Chơi đã chứng kiến lính Hàn xả súng và ném lựu đạn vào người dân làng mình, được tòa triệu tập với tư cách nhân chứng.
Luật sư Jaesung Lim thuộc nhóm Luật sư vì một xã hội dân chủ - người bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn phát biểu với báo chí: “Đây là phiên tranh tụng lần thứ 8, trong một quá trình tố tụng kéo dài và bị gián đoạn bởi dịch Covid-19. Nếu chúng tôi thắng trong vụ này, đây sẽ là một khởi đầu tốt nhằm đưa các vụ thảm sát của quân đội Nam Triều Tiên ở miền Trung Việt Nam ra ánh sáng”.
Chứng kiến sự ủng hộ của các nhóm xã hội dân sự với nguyên đơn Nguyễn Thị Thanh, mới thấy rõ sự vận động mãnh liệt của tiến trình dân chủ trong xã hội Hàn Quốc.
Khởi đầu từ phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam”, hàng trăm chuyến du lịch hòa bình, tìm hiểu về các vụ thảm sát của quân đội Hàn tại miền Trung Việt Nam đã được tổ chức. Mục đích thăm hỏi nạn nhân, giúp đỡ làm đường nông thôn, xây dựng sân chơi trẻ em, đào giếng nước sạch…, góp phần xoa dịu nỗi đau của nạn nhân.
Trong cuộc họp báo ngay trước phiên tòa, một nhà báo đã hỏi bà Thanh: “Bà nghĩ gì về đất nước và con người Hàn Quốc?”. Bà Thanh trả lời: “Trước năm 2000, tôi căm thù Hàn Quốc vì đã giết cả gia đình tôi, nỗi đau đó quá lớn. Nhưng sau đó, nhiều người Hàn đã đến gặp tôi, xin lỗi và điều đó an ủi tôi rất nhiều. Bây giờ tôi coi họ là những người bạn tốt”.
Vì sự thật
Vụ kiện của một thường dân Việt Nam, nạn nhân chiến tranh thu hút sự chú ý đặc biệt của truyền thông Hàn Quốc, bởi nó có sự tương đồng với vụ các “phụ nữ mua vui” Hàn Quốc kiện chính phủ Nhật Bản vì bị lính Nhật bắt làm nô lệ tình dục trong chiến tranh Nhật Triều hồi thập niên 40.
Nhà báo Koh Kyoung Tae - tác giả cuốn sách “Ngày 12 tháng 2 năm 1968” viết về vụ thảm sát Phong Nhị, giải thích sự quan tâm của công luận này: “Đòi hỏi Nhật Bản thừa nhận sai lầm trong chiến tranh, vậy thì chúng ta cũng phải thừa nhận những vụ thảm sát dân thường trong chiến tranh Việt Nam, viết lại phần lịch sử mà học sinh vẫn quen được học:
“Trong suốt 5 ngàn năm dựng nước, Hàn Quốc chưa hề xâm lược một dân tộc nào. Những người lính Hàn Quốc đã đi bảo vệ tự do và hòa bình trong cuộc chiến Việt Nam, công sức của họ đã góp phần xây dựng đất nước."
Soi vào tấm gương các vụ thảm sát giúp chúng ta nhìn lại mình: liệu một đất nước có thể trở thành siêu cường nếu chỉ nhờ vào kinh tế phát triển không? Rõ ràng chúng ta còn cần cả phẩm giá nữa, phẩm giá của một quốc gia!”.
Sau lời phát biểu “Phiên tòa của tôi sẽ thúc đẩy Việt Nam và Hàn Quốc tiến đến một hòa bình thật sự” - một phóng viên Hàn Quốc đặt câu hỏi với bà Thanh: “Tại sao Việt Nam và Hàn Quốc đang có mối quan hệ rất tốt đẹp, câu chuyện này lại đem xới lên?”.
Trong mắt bà Thanh ánh lên sự mạnh mẽ của người tin chắc con đường mình đang đi là đúng đắn: “Linh hồn của những nạn nhân chết oan trong vụ thảm sát cần phải được an ủi bởi sự thật. Và đúng là Việt Nam và Hàn Quốc đang có mối quan hệ rất tốt đẹp, nhưng tôi nghĩ nếu Chính phủ Hàn Quốc thừa nhận sự thật này thì chỉ càng làm cho mối quan hệ đó tốt đẹp hơn nữa mà thôi”.
Sau vài phiên tòa nữa từ đây đến cuối năm và phần làm việc giữa các luật sư hai bên, kết luận cuối cùng sẽ được tòa đưa ra vào đầu năm 2023. Mong rằng lúc đó, một “hòa bình thật sự” sẽ đến với bà Nguyễn Thị Thanh và 74 nạn nhân đã bị thảm sát ở làng Phong Nhị trong ngày “giỗ Đại Hàn” sắp tới, vừa đúng dịp kỷ niệm 55 năm.