Ngày hội văn hóa du lịch Đại Bình 2022: Bữa tiệc đồng quê
Không khí rộn ràng của Ngày hội văn hóa du lịch Đại Bình (Quế Trung, Nông Sơn) năm 2022 đã khép lại nhưng từ đó mở ra cánh cửa để du lịch Đại Bình phục hồi và phát triển bài bản hơn theo hướng xanh trong thời gian tới.
Những ngày vui của làng
Khách bóc một quả trụ lông, hớp một ngụm nước chè xanh, hàn huyên với các cụ trong làng về ký ức của làng. Bữa tiệc đồng quê ngay bên triền sông và nán lại với miền bán sơn địa để nghe làn điệu thân thương của bài chòi, cải lương là những trải nghiệm khó quên với khách ghé lại Đại Bình những ngày này.
Diễn ra từ ngày 12 - 14.8, Ngày hội văn hóa du lịch Đại Bình 2022 thu hút hàng nghìn lượt du khách. Qua 3 ngày lễ hội, nhiều hoạt động đặc sắc đã nối tiếp diễn ra như: đua thuyền nan, hô hát bài chòi, thi vẽ tranh thiếu nhi, phát động trồng cây gây rừng, thi thả diều, bình chọn nhà - vườn - kiệt đẹp, nghệ thuật cải lương, chạy marathon “khám phá Nông Sơn”…
Chạm vào ngưỡng cửa phát triển du lịch, không gian làng trở nên chỉn chu, quy củ hơn. Sau khi được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch, địa phương đã phác thảo cơ bản sơ đồ giao thông và các điểm đến trong làng.
Nhiều địa danh thân thuộc cùng xứ sở như Bến Mén, Bến Mít, Cây Sơn, Hàng Ghen trở nên thân thương hơn khi được điền trên bảng tên đường mộc mạc để du khách dễ dàng nhận diện những đặc trưng lắng đọng nơi từng góc nhỏ của Đại Bình.
Một trong những nét độc đáo của làng Đại Bình là cách bố trí dân cư theo kiểu bàn cờ dọc theo sông Thu với cây đa, bến nước, con đò. Làng có hệ sinh thái phong phú, với hàng trăm loài thực vật giá trị là nguyên liệu để hình thành đặc trưng ẩm thực làng quê cũng như nền tảng để thúc đẩy du lịch sinh thái - cộng đồng.
Không có thống kê cụ thể về lượng khách đến Đại Bình qua 3 ngày lễ hội. Nhưng thông qua cảnh tượng hàng trăm du khách nhẫn nại chờ đò ở bến Trung Phước trong đêm khai mạc hay hàng chục ô tô nối đuôi chầm chậm lăn bánh vào làng giữa trưa nắng rát cho thấy sức hút của điểm đến.
Cần duy trì sức hấp dẫn của điểm đến
Trong quá trình hình thành, phát triển một điểm đến du lịch, nhất là du lịch sinh thái - cộng đồng, luôn cần quan tâm đến sức tải để duy trì sự bền vững cho điểm đến. Những ngày lễ hội vừa qua, Đại Bình đón một lượng khách rất lớn thậm chí ngoài dự lường của địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, địa phương đang chuẩn bị kế hoạch nâng cấp hạ tầng gồm đường bộ từ cầu Nông Sơn vào làng và bến đò phía làng Đại Bình để du khách có thể tiếp cận điểm đến này bằng hai hướng dễ dàng hơn.
“Một số không gian như cánh đồng chong chóng, vườn rau… được bài trí phục vụ ngày hội sẽ được giữ lại và tiếp tục cải tạo, chăm chút để du khách đến Đại Bình trong thời gian tới vẫn được trải nghiệm và có điểm “checkin” độc đáo. Huyện cũng đang tích cực kết nối với Hiệp hội Du lịch tỉnh cùng một số doanh nghiệp để luôn duy trì một lượng khách nhất định đến làng” - bà Thủy nói.
Bên cạnh những miệt mài đồng áng, tỉ mẩn chăm sóc vườn tược, giờ đây người dân trong làng sẽ thường xuyên dự tập huấn để trang bị thêm năng lực phục vụ du khách. Từ Đại Bình, những cung đường xanh đã được mở ra.
Nếu đi trong ngày, du khách có thể khám phá khu trưng bày “Ký ức Đại Bình”, nghĩa trũng của làng, rừng Cấm, tìm hiểu nghề trầm hương mỹ nghệ, tham quan thưởng thức trái cây tại vườn. Còn nếu lưu trú, du khách sẽ có nhiều thời gian hơn để đến danh thắng Hòn Kẽm Đá Dừng, đốt lửa trại, hát cho nhau nghe và đón bình minh nơi miền bán sơn địa.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, Đại Bình hội tụ tiềm năng để phát triển du lịch xanh. Nông Sơn cần phải tích cực liên kết với các địa phương có hoạt động du lịch phát triển mạnh, có khả năng kết nối chuỗi điểm đến như TP.Đà Nẵng, TP.Hội An, huyện Duy Xuyên… Ngoài ra, cũng có thể kết nối với huyện Tiên Phước để nâng tầm hệ thống sản phẩm trái cây bản địa gắn với du lịch, tạo giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm.
Những ai yêu không gian của một miền quê bình yên, nếu trót đến làng trong những lễ hội với không khí có phần quá chộn rộn, đất người Đại Bình vẫn luôn rộng mở cuộc hò hẹn để du khách thêm một lần trở lại.
Bởi có lẽ, trong những khoảng thời gian đời thường nhất thì du khách mới có thể thưởng thức và cảm nhận được dư vị của một vùng đất đẹp mơ màng như lời thơ của nhà thơ Tường Linh: “Đại Bình quê ngoại đẹp như tranh/Qua bốn mùa tươi quả ngọt lành/ Trước bãi lững lờ dòng nước biếc/Sau đồng hùng vĩ rặng non xanh”.