Phố đi tìm… phố
Quá nửa số địa phương cấp xã ở Điện Bàn đã hoặc sắp mang trên mình danh xưng đô thị. Cởi bỏ áo làng, nhưng còn quá nhiều chênh vênh để nơi này trở mình sang trang phố.
Hối hả đường đến phố
Cũng đã 7 năm, từ lúc danh xưng thị xã ra đời thì tên gọi thị trấn của Vĩnh Điện đã dần đi vào hoài niệm. Phố ở Điện Bàn không còn gói gọn nơi thị trấn nhỏ ăm ắp điều thú vị mà lắm đứa trẻ thế hệ trước vẫn ao ước lui tới.
Thanh âm của phố xôn xao mọi nơi. Những ngày này, 5 xã dọc quốc lộ 1 đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng để không lỡ thêm chuyến tàu mang tên phố. Xuôi về phía đông, 5 địa phương vùng cát ngày nào giờ cũng đang cấp tập lắp ghép bức tranh của phố. Không lâu nữa, phố ở Điện Bàn rồi sẽ nhiều hơn làng.
Số liệu của Phòng Quản lý đô thị Điện Bàn, từ năm 2021 đến tháng 4.2022, trung bình mỗi ngày có khoảng 3 hồ sơ xin tách thửa trên địa bàn thị xã. Thực trạng trên dĩ nhiên chưa dừng lại.
Tất cả đều cấp bách về nhu cầu. Nhu cầu đời sống sinh hoạt, nhu cầu cho tặng và tất nhiên không thể thiếu là nhu cầu về chuyển nhượng, mua bán. Bao phen, bao người đã nhấp nhổm cùng đất. Nhưng suy cho cùng, ở nơi hình hài đô thị còn đang chập choạng sáng tối, cuộc sấp ngửa vẫn có sức cuốn hút mãnh liệt.
Điện Bàn có nhiều con sông lớn, nhỏ. Bên nhiều triền sông, đã thôi đò ngang, chẳng còn mấy biền bãi. Rải rác nương dọc theo chúng là những dự án khu đô thị, khu dân cư gắn với cụm tên mỹ miều “Riverside”. Ngặt nỗi, nhiều đoạn con nước đục ngầu, thậm chí có nơi sông còn đang mải miết tìm lại dòng chảy đã lạc mất…
Với nhiều người, định danh về phố đơn giản chỉ là chất xúc tác tuyệt vời để tăng giá trị nhận diện cho “món hàng” của họ.
Giữ cho phố ngày sau
Không riêng Điện Bàn, trong hầu khắp chiến lược quy hoạch, phát triển đô thị của các địa phương ít nhiều đều hướng đến đô thị sinh thái, bền vững. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, nhất là phát triển bất động sản đô thị để lại nhiều nguy cơ tạo ra xung đột với chiến lược này.
Điện Bàn đang định hướng trở thành đô thị đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại 3 vào năm 2025 và phát triển theo hướng đô thị sinh thái - văn hóa - thông minh.
Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho hay: “Điện Bàn đã và đang nỗ lực khắc phục tồn tại, hạn chế trong việc lập và quản lý quy hoạch đô thị trước đây. Địa phương đang tập trung thu hút các dự án có tính chất sử dụng ít đất và tăng tiện ích, tăng mảng xanh để đảm bảo hướng tới đô thị sinh thái - văn hóa - bền vững”.
Giữa vội vàng vòng quay của phố, lắm lúc người ta phớt lờ nhiều thành tố đã tồn tại từ khi phố còn chưa thành hình. Hệ sinh thái tự nhiên của làng vẫn lặng lẽ ẩn mình nơi phố thị. Dù cho bằng cách này hay cách khác, chúng đều đang bị tổn thương từng ngày.
Theo PGS-TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên - Viện Nghiên cứu phát triển Đô thị xanh Việt Nam, cần cẩn trọng trong việc quy hoạch số lượng và sự phân bố nhà cao tầng trong quy hoạch phát triển đô thị, nếu không nó sẽ dẫn đến sự quá tải hạ tầng đô thị và phá vỡ trạng thái cân bằng gây ra nhiều bất ổn về môi trường, kinh tế và xã hội. Với chiều cao và diện mặt đứng lớn, nhà cao tầng sẽ che chắn ánh mặt trời tạo ra nhiều vùng bóng đổ, làm thay đổi chuyển động không khí tác động đến các vùng tiểu khí hậu đô thị.
Tại Quảng Nam thời gian qua, tình trạng thị dân rơi vào thiếu nước ngọt cục bộ không hiếm, nhưng nguồn nước mưa từ tự nhiên thì lại bỏ qua lãng phí, thậm chí không ít nơi còn hứng chịu ngập úng do mưa lớn.
KTS. Ngô Trung Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho hay, nếu nói về câu chuyện “âm - dương” trong đô thị thì khi chúng ta xây có thể gọi là “dương”, các phần lõm thuộc tự nhiên còn lại là “âm”.
Khi “âm” và “dương” không hài hòa thì tất yếu xảy đến nhiều vấn đề. Nhiều thành phố hiện thiếu hệ số thấm đô thị, tụt giảm đi mực nước ngầm. Các đô thị bị sụt lún chính vì thiếu nước ngầm. Chỗ nào cần thì để nguyên cảnh quan tự nhiên thì phải bảo tồn.
Phố đâu chỉ từ cái tên. Nếu không hình thành trên nền tảng thuận theo các quy luật tự nhiên, phố rồi sẽ chấp chới trong hành trình đi tìm hình bóng của phố.