Lững lờ sóng nước

LÊ QUÂN 14/08/2022 07:33

Một khu vườn ở cuối con đường, giáp với dòng sông. Tôi vẫn hồ đồ rằng Sông Đầm Bãi Sậy này đây, sẽ gây nhung nhớ cho biết bao người, nếu câu chuyện ở dòng sông này được kể chân thành từ chính những người gắn bó...

Trải nghiệm ở Bãi Sậy - Sông Đầm. Ảnh: X.H
Trải nghiệm ở Bãi Sậy - Sông Đầm. Ảnh: X.H

1. Khu vườn là theo hình dung của kẻ tìm đến, chứ đây vốn dĩ là một quán nhỏ. Xung quanh rợp bóng sưa. Sưa tỏa ra không theo một định dạng nào, đan vòm lại thành khung trời xanh cho kẻ mơ mộng.

Những đốm nắng rung rinh nhảy nhót. Con đường làng mặc sức vẽ nên bao nhiêu dáng hình trong mắt nhìn người đến. Cộng sinh với bóng người bước lững lờ giữa đường quê, hình ảnh chợt gợi lên chút gì như là xa xôi, như hoài niệm đã rêu phong bởi bao nhiêu xáo động của cuộc mưu sinh.

Bạn tôi - người phụ nữ cũng đa đoan với bao thế cuộc, đứng nhìn con đò cắm sào giữa buổi ban trưa, bất chợt đọc lên mấy dòng bất hủ của Thôi Hiệu: “Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?”...

Mỗi dòng sông đều chứa trong nó những câu chuyện, đôi khi lạ lùng và huyền ảo vì mộng của người sống bên bến sông. Nhưng ở Sông Đầm này, huyền tích của nó được khơi gợi bởi những chứng nhân từng một thời gắn với sông, trong lau lách và bụi rậm, để giữ cho một Bãi Sậy - Sông Đầm còn vẹn nguyên của hôm nay. Tôi gõ vài dòng về lai lịch Sông Đầm trên Google. Những con số lẫn dữ kiện lịch sử hình như vẫn đâu đó chỉ ở dòng tư liệu thô.

 

“Sông Đầm nguyên thủy nó là vùng đầm rộng lớn trải rộng từ xã Tam Thăng đến phường An Phú, diện tích hơn 68ha mặt nước được bọc giữa hai dòng sông chảy hướng ra biển, vừa là đầm vừa là sông”.

Hồ sơ di tích Sông Đầm - Bãi Sậy ghi lại, toàn bộ diện tích đầm phá này lau sậy mọc um tùm, xanh ngút tầm mắt thu hút các loài chim hội tụ về đây. Được biết, Bãi Sậy là vùng lau sậy um tùm của Sông Đầm với địa hình, địa thế thuận lợi làm nơi che chắn, luồn lách ẩn nấp giấu quân sát nách địch, vừa tránh địch càn quét vừa là nơi cung cấp nguồn thực phẩm tại chỗ cho các đơn vị vũ trang, quân chủ lực V12, V18, đơn vị đặc công E70, E72, E74 và lực lượng du kích vùng đông Tam Kỳ đánh địch. Vì vậy, tên Bãi Sậy được gắn với Sông Đầm, trở thành Di tích lịch sử tỉnh Quảng Nam, một thành phần làm nên Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Địa đạo Kỳ Anh.

 

2. Như một tấm thảm hoang vu, với xạc xào gió, với tiếng gọi bầy của đàn cò đôi lần tìm về đậu dọc bãi bờ, Bãi Sậy - Sông Đầm ngày nào đó giờ đang thu hút bước chân người tìm về. Chúng tôi gọi một chiếc đò để chòng chành trên sóng nước, cứ vậy thả trôi lòng mình rất yên giữa lừng lờ.

Người lái đò cũng là một người dân sống ở thôn Vĩnh Bình (Tam Thăng), vừa mới tham gia HTX cộng đồng Tam Thăng để “theo chân người ta làm du lịch”, cứ chất phác kể chuyện đuổi theo những câu hỏi của khách.

Chuyện sinh kế của dân Bãi Sậy, chuyện trồng lại lau sậy, chuyện trồng sen súng theo cách nào đẹp nhất, chuyện của khách nơi xa mặc nhiên tự cho rằng Sông Đầm này rộng ngang ngửa phá Tam Giang (?). Những tiếng cười giòn rụm của lũ trẻ khi quờ tay bắt được một bậu súng trắng, xáo động cả vùng trời.

Trong Tuần du lịch Bãi Sậy - Sông Đầm, chính quyền TP.Tam Kỳ thống kê khu vực này đón khoảng 1.200 lượt khách. Tôi nghĩ sẽ phải nhiều hơn con số này, vì lượt người đi tự do, không thông qua kênh lữ hành giống như nhóm bạn tôi vậy, sẽ khá nhiều.

Thiên nhiên có vẻ đẹp riêng và tự thân cảnh sắc đã tạo nên sức hút. Tôi nhắn với một người làm du lịch Tam Kỳ, Bãi Sậy - Sông Đầm đẹp quá và đã quá đủ để không cần những tô vẽ sắc xanh đỏ từ đèn lồng hay tạo hình thú đang đầy rẫy trên khúc yên của sóng nước.

 

Ghe vừa cập vào bờ, sau chừng nửa tiếng lênh đênh. Bùi Thị Hồng - cô chủ quán ngay ven bờ, làm lẹ mấy đọt súng người dân vừa thu hái để dành đãi khách. Gỏi bông súng là đặc sản của xứ này.

Cùng với những con tôm tanh tách trong đìa mà dân vừa giao, nước mắm Tam Thanh đậm đà, Hồng vừa dọn bàn vừa xăng xái giới thiệu. Tôi cứ ước giá mà đàn bà xứ này có nhiều hơn những tính cách như Hồng, chắc hẳn Bãi Sậy - Sông Đầm sẽ còn lưu dấu nhiều hơn nữa.

Sóng nước lững lờ là cách để mỗi người đối diện với khoảng yên lặng trong lòng mình. Đâu cần rườm rà chi, nhiều lúc chỉ cần cảm xúc ở một chuyến đi mà như gói cả cuộc đời vào đó. Cái thư thái của tâm hồn chùng trong lớp lớp nghĩ suy, được cơi lên bởi những đời sống bé mọn của thảm thực vật quanh đây, ngay lúc này...

LÊ QUÂN