Tháp Chăm ở Tam Kỳ - những điều thú vị

LÊ THÍ 14/08/2022 07:26

Người đi ngang Tam Kỳ bằng đường bộ luôn được “chào đón” và “tiễn đưa” bằng hai cụm tháp Chăm nằm phía bắc và phía nam thành phố: Chiên Đàn và Khương Mỹ. Đây là hai khu đền tháp Chăm thuộc loại lớn, đẹp và đặc sắc.

Tháp Chiên Đàn.
Tháp Chiên Đàn.

Tháp cổ Chămpa

Đền tháp là những kiến trúc phổ biến và độc đáo của người Chăm, một số đang vẫn “trơ gan” cùng tuế nguyệt và rất nhiều ngôi tháp đã vùi sâu trong lòng đất.

Lê Đình Phụng trong Đối thoại với nền văn minh cổ Chămpa (NXB KHXH, năm 2015) cho biết: “Hiện nay trên địa bàn 15 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên có hơn 150 địa điểm có di tích và phế tích Chăm trong đó có 24 nhóm tháp và tháp còn tồn tại ở mức độ khác nhau với tổng số khoảng 60 đền tháp” (trang 214). “Riêng ở Quảng Nam ngoài 27 ngọn tháp còn tồn tại có khoảng 25 phế tích kiến trúc” (trang 215).

Người Chăm gọi tên các ngọn tháp xây gạch của họ là Kalan nghĩa là đền thờ nhưng đây còn là lăng mộ của các vua chúa. Các ngọn tháp còn là nơi thờ các vị thần của Ấn Độ giáo, là “dinh thự của các vị thần”. Cho nên “chức năng đền thờ - mộ chí mới là chức năng chính, phổ biến của các tháp Chăm”.

Ấn Độ giáo tin rằng các vị thần của họ ngự ở trung tâm thế giới trên núi Mê- ru. Vì vậy các đền thờ là ngôi nhà của thần ở hạ giới phải được thể hiện như trên núi Mê-ru thu nhỏ nên phải tuân theo những quy định chặt chẽ.

Các đền tháp thường được xây dựng theo bố cục hướng tâm, các trục quay ra bốn hướng. Một khu tháp hoàn chỉnh thường gồm 3 ngọn tháp nằm theo trục bắc - nam, cửa tháp quay mặt về hướng đông là hướng mặt trời mọc, biểu trưng cho sự sống. Cả khu tháp được bao quanh bởi một hệ thống tường bao có cổng ra vào (tháp Cổng) ngay trước tháp Giữa. Nhiều tháp có thêm hệ thống phụ là dãy Nhà Dài - nơi chuẩn bị các vật phẩm để tế thần hoặc cho các tăng lữ, nhạc công, vũ nữ...

Trong ba ngọn tháp của cụm tháp thì tháp Giữa hoặc tháp Nam là to nhất, mỗi tháp lại thường có ba tầng (một số có hình cong do chịu ảnh hưởng của Khơ Me).

Lòng tháp Chăm thường chật chội vì không phải là nơi để tín đồ đến tập trung cầu nguyện mà chỉ các “chức sắc” Bà la môn đã thụ pháp mới được vào.

Tháp Chăm xây gạch làm bằng đất sét. Đây là nét độc đáo đã tạo ra những “huyền thoại” về việc xây dựng tháp và làm cho “tháp Chăm đẹp hơn các tháp của người Khơ Me” do “Người Chăm giữ được ý thức về vật liệu gạch và biết tôn trọng bản chất của nó” (theo B. Groslier, dẫn lại của Ngô Văn Doanh trong “Văn hóa cổ Chămpa”, NXB VHDT, năm 2002, trang 143).

Người Chăm đã sử dụng khoáng sét nhóm ilit có độ mịn lớn làm sạch rồi chế tác thành gạch, nung với nhiệt độ không cao nên có được độ đồng nhất tốt và độ nén cao. Đây “vừa là vật liệu tuyệt hảo bền vững cho xây dựng vừa là chất liệu lý tưởng cho điêu khắc” (Ngô Văn Doanh, sđd trang 148). Những người thợ Chăm đã xây dựng những ngôi tháp bằng gạch và những nghệ nhân Chăm đã điêu khắc những tuyệt phẩm lên trên các tường gạch đặc biệt này (không phải như một số ý kiến cho là xây bằng đất sét, điêu khắc các phù điêu rồi mới nung).

Dựa vào 8 thành tố chính tạo nên một ngôi tháp các nhà nghiên cứu đã chia các tháp Chăm làm 12 “phong cách” khác nhau.

Hai cụm tháp Chiên Đàn và Khương Mỹ

Hai khu đền tháp gồm 6 ngọn tháp còn tồn tại trên địa bàn Quảng Nam, là những tháp có quy mô khá lớn, khá đặc sắc và tương đối còn giữ được kiến trúc ban đầu dù trải qua bao nhiêu “dâu bể”.

Khu tháp Chiên Đàn thuộc địa phận làng Chiên Đàn nay là xã Tam An, huyện Phú Ninh, cách trung tâm Tam Kỳ khoảng 3km. Đây là cụm tháp Chăm thuộc loại truyền thống gồm 3 tháp với tháp Giữa có quy mô lớn nhất gồm 3 tầng, các tầng trên bị thu nhỏ dần có cạnh dài 9,02m, cao hơn 20m; các tháp Nam và Bắc (phần trên đã bị mất) cạnh chỉ từ 7,6 - 7,7m.

Tháp Khương Mỹ.
Tháp Khương Mỹ.

Tháp Khương Mỹ nằm cách trung tâm thành phố 2km thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành cũng có quy mô tương tự.

Vị trí của hai cụm tháp rất độc đáo, nằm trên cửa ngõ phía bắc và phía nam của thành phố và có thể cùng trên một trục kinh tuyến. Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi thì kinh độ của hai cụm tháp không chênh lệch nhau nhiều. Không rõ khi xây dựng người Chăm có tính toán gì không. Nếu có thì trình độ về thiên văn của họ thời đó quả thật đáng nể.

Theo các nhà nghiên cứu thì tháp Khương Mỹ được xây dựng trước Chiên Đàn, vào đầu thế kỷ thứ 10 (có thể là cuối thế kỷ 9) với kiểu tháp Nam lớn nhất và đây chính là cụm tháp cuối cùng được xây dựng theo kiểu tháp Nam lớn nhất để sau đó chuyển sang thời kỳ của kiểu tháp Giữa lớn nhất mà Chiên Đàn được xem là ngôi tháp đầu tiên (cuối thế kỷ 10 đến cuối thế kỷ 11).

Không chỉ khác nhau về thời gian xây dựng, hai cụm tháp cũng khác nhau về chức năng: Trong khi ở Chiên Đàn thờ cả ba vị thần của Bà la môn giáo Brahma, Vishnou, Shiva thì Khương Mỹ được xây dựng để thờ riêng thần Vishnou, một điều hiếm thấy ở các khu đền tháp Chăm. Khi khảo cứu ngôi đền tháp này các nhà nghiên cứu không tìm thấy dấu vết của các tác phẩm điêu khắc liên quan đến thần Brahma và Shiva.

Dựa vào kiến trúc tháp và các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, các nhà nghiên cứu đã xếp Khương Mỹ vào phong cách riêng - phong cách Khương Mỹ vì “thể hiện được sự chuyển tiếp từ những mạnh mẽ, dữ dội của phong cách Đồng Dương sang những nét nhẹ nhàng trang nhã của phong cách Trà Kiệu” (Hồ Xuân Tịnh, “Di tích Chăm ở Quảng Nam”, NXB Đà Nẵng 2008, trang 49).

Còn với Chiên Đàn, Ngô Văn Doanh cho rằng: “Khu đền tháp đã được tạo ra trong suốt thời gian dài từ cuối thế kỷ 9 đến cuối thế kỷ 11, nghĩa là trong suốt cả quãng thời gian tồn tại của phong cách chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định… và đây là di tích tiêu biểu nhất và điển hình nhất của phong cách chuyển tiếp này” (“Dấu ấn văn hóa Chămpa ở miền Trung Việt Nam”, NXB Đà Nẵng, năm 2021, trang 142).

Cuộc khai quật năm 1989 (ở Chiên Đàn) và năm 2000 (ở Khương Mỹ) với nhiều phát hiện mới “đã khiến 2 khu đền tháp này trở thành những di tích gây nhiều bất ngờ nhất đối với các nhà chuyên môn về khảo cổ, lịch sử, văn hóa và nghệ thuật Chămpa” (Ngô Văn Doanh, sđd trang 136).

Theo tác giả Phú Bình trong tác phẩm “Dấu cũ Hà Đông” (NXB Văn Học, năm 2016) thì “vùng tháp Chiên Đàn thuộc ấp Gia Thọ (vốn là tên Hán Việt được chuyển từ tên xứ đất “Cây Dừa” - là tên Nôm của một ấp của vùng này). Trong khi đối với tháp Khương Mỹ: “Vùng này nhiều xứ đất mang tên gốc Chăm như Ba Lay, Trà Phê, Trà Bé, Trà Nê… trong đó có tên xứ đất Cây Cau” (trang 81, 82).

Thông tin này làm chúng ta liên tưởng: Lẽ nào Tam Kỳ ngày xưa từng là vùng đất giáp ranh giữa hai thị tộc lớn của người Chăm: thị tộc Cau cai quản phía nam và thị tộc Dừa cai quản khu vực phía bắc?

LÊ THÍ