"Hải đăng" của niềm nhớ…

THÀNH CÔNG 14/08/2022 07:24

Thoát khỏi màu vàng nhợt nhạt của đèn đường đô thị, ngọn tháp truyền hình thường được cư dân gọi vui là “Eiffel Tam Kỳ” lung linh đổ bóng xuống sông Bàn Thạch. Tháp đã ở đó, suốt 24 năm, đủ lâu để trở thành một biểu tượng của thành phố. Một “hải đăng cảm xúc” để ai đó có bất chợt rời đi đôi ba ngày hay mươi, hai mươi năm, nhìn thấy ngọn tháp ngay khi vẫn còn cách xa dăm cây số, là như thấy đã đặt chân về nhà…

Tháp truyền hình An Hà. Ảnh: VÕ VƯƠNG
Tháp truyền hình An Hà. Ảnh: VÕ VƯƠNG

1. Nhà báo Mai Văn Tư - Giám đốc Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam gửi cho tôi một bức hình cũ: tháp truyền hình, dưới chân là người đàn bà đang dắt xe đạp qua cây cầu tạm bằng tre bắc qua sông Bàn Thạch.

Bức hình của ngày mới tái lập tỉnh. Chắc nhiều người, trong đó có ông, đâu đó sẽ rưng rức một miền nhớ về cây tháp truyền hình ngày cũ, về những bận đi về nơi thị xã ngày xưa in hằn những cơ cực…

Là tôi đang nhắc về tháp truyền hình An Hà, sừng sững hiện diện trên đỉnh đồi An Hà kể từ năm 1999. Cột tháp này cao 125 mét, là công trình cao nhất ở TP.Tam Kỳ đến thời điểm hiện tại. Không quá nhiều người từng đặt chân đến “đồi gió hú”, nơi nhiều thế hệ làm truyền hình đã dãi dầu qua bao bận gió sương, vận hành ngọn tháp cho đến tận bây giờ.

Anh Kiều Văn Vinh, người đã hơn hai mươi năm gắn bó với tháp truyền hình An Hà kể, năm 1999, anh vào làm việc ở đài, rồi gắn với chốn nhỏ này suốt từ đó đến nay.

“Thì cứ đi làm rứa, khi thì ở tổ kỹ thuật bên đài, khi thì chạy qua trực ở trạm phát sóng. Có chương trình trực tiếp thì đi theo xe màu, rải dây, thuộc bộ phận tổng khống chế, truyền dẫn” - anh cười, nửa muốn kể chuyện, nửa… ngại ngùng.

Năm tháng trôi vùn vụt, ngọn tháp và anh Vinh vẫn ở đó. Vui buồn, khó kịp nhớ hết để mà kể. Công việc cũng đã khác đi nhiều. Thời chưa có truyền hình số mặt đất, trạm An Hà có 4 máy phát, chỉ phát đúng 4 kênh, là VTV1, VTV2, VTV3 và QRT, cùng với sóng phát thanh.

Bây giờ trạm vận hành chỉ hai máy phát, tiếp và phát sóng hàng chục kênh bằng nền tảng mới. Quen rồi, nên vất vả cũng khúc xạ đi nhiều dưới con mắt của những người đã quá lâu sống đời mình gắn với đời… trạm phát sóng. Nhưng nhìn ảnh anh Nguyễn Quang Tuyến, kỹ thuật viên trực cùng kíp với anh Vinh gửi, chụp từ… đỉnh tháp, mới thấy rợn người.

“Lên bảo trì các hộp panen là cực nhứt. Trèo lên hàng chục mét, lơ lửng giữa trời, mà khổ cái, mưa gió càng phải trèo, phòng nước vào panen. Nhìn thì thơ mộng rứa, chớ trèo lên lúc trời gió mới biết, nó rung lắc dữ lắm. “Tiền đình” phải vững lắm mới trụ được. Riết rồi thì cũng quen, với lại trạm chỉ có vài người, cái cốt yếu là phải khắc phục sự cố nhanh nhất để truyền dẫn, phát sóng” - anh kể.

Đội ngũ kỹ thuật viên ở trạm phát sóng An Hà đã tận tụy gắn bó với công việc suốt nhiều năm nay. Ảnh: V.V
Đội ngũ kỹ thuật viên ở trạm phát sóng An Hà đã tận tụy gắn bó với công việc suốt nhiều năm nay. Ảnh: V.V

Tôi đi theo anh ra phía chân cột tháp, rêu phủ loang trên nền bê tông. Anh Tuyến nói, không ngán chuyện đêm hôm vắng lặng nơi đồi, vì ngủ ở phòng máy còn nhiều hơn ở tập thể tại trạm. Cái ngán nhất là sét. Sét nện xuống một năm không biết bao nhiêu bận. Sét từ tháp xuống. Sét từ điện cao thế đánh lên. Máy móc bao phen tiêu điều vì sét. 

“Sét dữ lắm. Mùa mưa dông, đì đùng cả ngày cả đêm, người không quen chắc sét nện phát đầu tiên thôi là mất vía. Đài phải đầu tư hệ thống chống sét hiện đại, tốn kha khá tiền, mới đỡ” - anh Tuyến chỉ tay về phía cột tháp.

2. Năm 2012, Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam chính thức phát sóng truyền hình lên Vinasat 2, tăng thời lượng phát sóng truyền hình lên 18 giờ/ngày.

Đó cũng là dấu mốc đáng tự hào, khép kín lịch phát sóng trong ngày và tăng dần các chương trình tự sản xuất của một đài địa phương, giải được bài toán 100% địa bàn dân cư được xem truyền hình, nghe phát thanh.

Kế đó, công nghệ số hóa chuẩn HD cùng với việc nâng thời lượng phát thanh lên 18 giờ, bằng với sóng truyền hình tạo được sự lan tỏa ấn tượng của thông tin.

Trạm phát sóng An Hà có nhiều thay đổi về công năng, quy trình hoạt động, song vẫn đang tiếp tục sứ mệnh phục vụ của mình. Tận tụy và miệt mài, như cái cách mà bao thế hệ người làm truyền hình đã “giữ lửa” suốt chặng đường dài kể từ ngày đầu thành lập.

Kỹ thuật viên Kiều Văn Vinh bên hệ thống truyền dẫn, phát sóng tại trạm An Hà. Ảnh: T.C
Kỹ thuật viên Kiều Văn Vinh bên hệ thống truyền dẫn, phát sóng tại trạm An Hà. Ảnh: T.C

Mới đây, sau một cuộc “đại tu”, ngọn tháp đẹp và nổi bật hơn hẳn, nhất là về đêm, sau khi được sơn mới và lắp hệ thống đèn chiếu sáng. Nhiều người ở Tam Kỳ, nhất là lớp trẻ, hẳn khá thích thú với màu sắc của ngọn tháp truyền hình về đêm. Bãi biền bên sông Bàn Thạch, cũng tự nhiên thành một điểm check-in thú vị nhìn lên ngọn tháp.

Nhà báo Mai Văn Tư chia sẻ, sau nhiều năm vận hành, cột tháp xuất hiện nhiều vị trí bị han gỉ, bu lông thân cột lỏng, độ thẳng đứng của tháp ăng ten không đạt tiêu chuẩn độ lệch tại các cao trình, mất hiệu lực hệ thống đèn báo... Phương án bảo trì được đưa ra. Toàn bộ ngọn tháp được sơn mới, gia cố, căn chỉnh độ thẳng đứng và lắp mới toàn bộ đèn chiếu sáng.

Tôi không nghĩ đó là một ứng xử mang tính kỹ thuật đơn thuần. Bởi, phải ăn nằm nơi đó, bao bận trèo lên đỉnh tháp để nhìn thấy những thay đổi dù là nhỏ nhất trên ngọn tháp sừng sững kia, bối rối loay hoay với sự cố kỹ thuật, với những ngày mặt mũi lấm lem dầu luyn nơi máy phát điện dưới chân tòa tháp của những người làm truyền hình, mới biết “sức khỏe” của ngọn tháp kia như thế nào để kịp có một cuộc “đại phẫu”, chăm sóc kịp thời, giúp trạm phát sóng An Hà tiếp tục sứ mệnh của mình.

Như một kíp trực 24/24 giờ của những kỹ thuật viên, sứ mệnh đó vẫn quay vòng, và chưa dừng lại. Mà chưa kể, sự an toàn của trụ tháp trước hàng chục cơn gió bão quay cuồng mỗi năm cũng rọi chiếu xuống phía dưới chân đồi, nơi biết bao người đang cư ngụ…

Một ca trực khép kín suốt 24 giờ/ngày. Các kỹ thuật viên nay đã đỡ vất vả hơn trước nhiều do ứng dụng hệ thống trang thiết bị hiện đại, tối ưu hơn. Ảnh: T.C
Một ca trực khép kín suốt 24 giờ/ngày. Các kỹ thuật viên nay đã đỡ vất vả hơn trước nhiều do ứng dụng hệ thống trang thiết bị hiện đại, tối ưu hơn. Ảnh: T.C

Ngọn tháp lại sáng đèn trong chiều chạng vạng. Tôi ngước nhìn lên từ phía sông Bàn Thạch, nhớ câu chuyện của chính mình và đồng nghiệp trong những đêm khuya lầm lụi trở về sau khi tin bài, những thước phim được chuyển về tòa soạn.

Rất nhiều chuyến đi như thế, có cả những phập phồng lo lắng trên chặng đường vắng quá dài, có cả cảm giác mỏi mệt của một ngày cật lực, nhưng ngước nhìn lên thấy ánh đèn của ngọn tháp quen thuộc, lòng lại như trút được gánh nặng.

Nhà kia rồi. Nhà mình, chốn đi về của mình đã rất gần rồi, đâu đó dưới quầng sáng kia, dù biết, phải mất vài cây số nữa mới đến. Hẳn rất nhiều người, từng đến và ở lại Tam Kỳ đủ lâu để nhận mình là cư dân của thị xã xưa, thành phố nay, sẽ có cùng cảm giác đó.

Trôi qua trong những suy tư, là hình ảnh của anh Tuyến, anh Vinh - những đồng nghiệp của tôi dưới chân trụ tháp, như một người canh gác ngọn hải đăng giữa biển. Họ miệt mài và nhẫn nại với công việc gần như lặp đi lặp lại của chính mình, thắp ngọn đèn giữa biển khơi.

Ngọn đèn ấy, đã sáng qua hàng ngàn đêm, qua yên bình và cả bão dông, như sứ mệnh của những người làm phát thanh - truyền hình: đưa “ánh sáng” của thông tin ngược biên giới, xuôi về miệt biển, đến những nơi xa nhất, gian khó nhất.

Và thắp lên một ngọn đèn nữa, của niềm nhớ. Đi thật lâu, thật xa, sẽ luôn được nhìn thấy quê nhà sớm hơn, nhanh hơn, từ ánh đèn tháp truyền hình. Để biết, mình đang thực sự được trở về…

THÀNH CÔNG