"Tủ thuốc" dưới biển sâu
Trước sự gia tăng của nhiều loại siêu vi khuẩn cũng như tình trạng kháng kháng sinh đối với một số bệnh tật, các nhà khoa học đang ráo riết khám phá nhiều loại thuốc mới ẩn chứa ở vùng biển sâu trên khắp thế giới.
Trong quá trình thám hiểm đại dương, Giáo sư Brian Murphy tại Đại học Illinois (Mỹ) mang về một khối bùn từ hồ Michigan và phát hiện nó chứa vi khuẩn tạo ra 2 phân tử chưa từng được biết đến trước đây.
Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy nhóm hợp chất này có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh lao - một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới đến nay. Giáo sư Brian Murphy nói: “Trong hàng triệu năm, vi khuẩn chiến đấu với nhau. Chúng tôi chỉ đang khai thác sức mạnh đó”.
Các nhà khoa học cho biết, trên khắp thế giới, siêu vi khuẩn đang gia tăng. Như trong những năm gần đây, một số bệnh nhân mắc các chủng vi khuẩn E.coli kháng nhiều loại kháng sinh.
Cạnh đó, lạm dụng kháng sinh làm cho vi khuẩn nhờn thuốc, kháng thuốc ngày càng nhiều, từ đó việc chữa trị bệnh càng khó khăn. Đó là xu hướng đáng báo động. Giáo sư Murphy nhận định, cách để chống lại sự kháng thuốc là tìm ra chất hóa học mới, trong đó nhiều khả năng được khai thác dưới nước.
Ví như, cơ thể của loài sao biển gai được bao phủ bởi chất nhờn bao gồm 14% carbohydrate và 86% protein. Chất này đang được nghiên cứu để sáng chế phương pháp điều trị bệnh viêm khớp và bệnh hen suyễn. Hay loại cá nóc chứa độc tố tetrodotoxin (còn gọi TTX) đang được phát triển như một phương pháp điều trị cho những cơn đau phải chịu trong quá trình hóa trị.
Vi khuẩn Micrococcus luteus tạo ra một sắc tố gọi là sarcinaxanthin có thể ngăn chặn bức xạ tia cực tím bước sóng dài, có thể được sử dụng để phát triển các loại kem chống nắng hiệu quả hơn. Loài sên biển chứa một chất gọi là kahalalide F, hiện được nghiên cứu như một tác nhân có khả năng chống lại khối u....
Trước đó, nhiều loại dược phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên như hệ sinh thái biển. Đầu tiên phải kể đến tác nhân hóa trị cytarabine, được chấp thuận ở Mỹ vào năm 1969, ban đầu được tìm thấy trong một miếng bọt biển trên rạn san hô Florida Keys. Một tác nhân chống ung thư khác được gọi là trabectedin, từ mực biển Caribe và được sử dụng ở châu Âu từ năm 2007 và ở Mỹ từ năm 2015.
Các nhà khoa học cho biết, khai thác thế giới tự nhiên để tìm kiếm dược phẩm không phải mới - hãy uống một viên aspirin và cơn đau đầu của bạn sẽ được xoa dịu nhờ một chất được phát hiện trong vỏ cây liễu. Nhưng rõ ràng, thiên nhiên có nhiều thứ hơn để cung cấp cho “tủ thuốc” điều trị bệnh.
Một nhóm chuyên gia quốc tế có tên là PharmaSea, do Giáo sư Marcel Jaspars của Đại học Vương quốc Anh dẫn đầu, đang tìm kiếm các loại kháng sinh mới dưới đáy biển sâu, bao gồm cả dưới đáy của các rãnh - những phần sâu nhất của đại dương mà Giáo sư Marcel Jaspars cho rằng có thể các sinh vật đã có hàng triệu năm tiến hóa riêng biệt trong mỗi rãnh.
Nhóm PharmaSea gửi các tàu thăm dò không người lái xuống sâu hàng ki-lô-mét để mang về bùn chứa đầy vi khuẩn độc đáo. Cho đến nay, phát hiện hứa hẹn nhất của nhóm này là các hợp chất có thể có hiệu quả chống lại các bệnh của hệ thần kinh, đặc biệt là bệnh động kinh và bệnh Alzheimer.
Ở một khía cạnh khác, dù hệ sinh thái biển có nguồn tài nguyên sinh vật phong phú và đa dạng, các nhà nghiên cứu cho biết, việc khám phá vùng đáy biển với bất kỳ mục đích nào cũng phải đảm bảo sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe và đa dạng sinh học của các đại dương, sông hồ trên trái đất.