Ngày còn nghe hơi ấm mẹ cha...

SONG ANH 12/08/2022 17:10

Vu lan này, tôi và chồng cùng cài lên ngực áo mình một bông hồng trắng. Màu trắng của bình an nhưng cũng là biệt ly, màu của nỗi nhớ khôn nguôi về người mẹ vừa khuất...

Trên bến sông Thu. Ảnh: LÊ VẤN
Trên bến sông Thu. Ảnh: LÊ VẤN

Mồ côi, thì tuổi nào cũng đều vậy. Trống huơ trống hoác. Quờ ngõ nào cũng chạm thấy kỷ niệm với người đi xa. Mọi thứ rồi sẽ tan biến nhưng kỷ niệm và ân tình thì sẽ còn khiến lòng người ngơ ngác. Một người bạn già tuổi 50, ngày mẹ mất, anh nói mình dù biết là lẽ thường của cuộc đời, nhưng gia đình mình vẫn cứ như bầy gà con lạc mẹ trong mưa: hoảng loạn và nháo nhác.

Mùa Vu lan những năm sau này, anh viết: “Hoa hồng trắng thì đẹp, cớ sao lòng hoảng sợ, có lẽ nỗi xót xa cứ phải nhủ với lòng rằng: đóa hồng trắng hôm nay, nhưng mãi mãi sẽ là những đóa hoa hồng đỏ thắm. Đóa hoa đó chính là cái gốc nhà làm người lương thiện, tử tế, mà ông bà, bố mẹ đã để lại cho con cháu như một vun bồi. Vu lan từ bây giờ không chỉ là mùa báo hiếu, mùa nhắc nhở những sám hối cho đạo làm con, mà còn là mùa nhắc chúng con sống trọn đạo làm người”.

Màu trắng hoa hồng mùa Vu lan làm người đối diện cay mắt. Tôi vẫn nghĩ con người thật may mắn vì còn có nước mắt. Những nỗi buồn những chuyện tiếc nuối những niềm đau, may thay còn có thể chảy nước mắt để lòng mình bớt khô cong. Giọt nước mắt sắt se như sương của bạn tri kỷ tiễn người đồng hành mình đến khúc cuối cuộc đời; giọt nước mắt rơi muộn mằn của đứa con đi xa, giọt nước mắt như thắt lại của cả quãng đường dài rời xa cha mẹ...

Nước mắt dễ an ủi lòng người. Đã ai nghe thấy giọt nước mắt báo hiếu? Hình như nó khiến ta tự soi chiếu lòng mình. Khi giọt nước mắt rơi xuống, nghĩa là đã có những lúc mình mặc sức ê hề cho thế cuộc, để ngày nhìn lại có đoạn tiếc nuối rơi vỡ và ân hận muộn màng nhưng không sao quay về được…

Những người phụ nữ quanh tôi, có người đã là mẹ, có người dành cuộc đời chỉ để là chị. Tôi những tưởng cuộc sống họ bình yên, khi ở trong vùng an toàn từ mắt nhìn kẻ đối diện. Nhưng hóa ra, họ cũng có những éo le đến khi quằn quại. Nó thành sẹo để mỗi ngày thức dậy lại kéo da non, những chuyện buồn chỉ như cơn dị ứng ngắn lúc tiết trời khô rốc. Những người phụ nữ mà hình như lễ lạt không dành cho họ. Nên những buồn vui đã trải qua đời mình, họ cũng xem như một con gió vô thường.

Cô Hai của tôi - một phụ nữ dành đời mình để làm chị, là người như vậy. Mỗi giai tiết, người phụ nữ duy nhất còn ở lại bầu bạn với mẹ, sau khi những đứa em dựng xây tổ ấm, sau khi người cha qua đời sớm, nhang khói và bày biện thờ cúng. Hương khói trên bàn thờ ông không phải để cầu khấn, mà để những người hiện diện quay lại xưa sau, nhớ tới người cả đời đã xới vun... Tháng Bảy, mùa Vu lan, đâu chỉ để nhắc lẽ cố nhiên của đạo hiếu. 

Khi sức khỏe của cha tôi bị đánh gục vì bệnh, ông nằm một chỗ, mắt vẫn thăm thẳm tỏ tường chuyện ngày cũ. Má là người coi sóc chăm bẵm người đàn ông mà bà cũng từng đôi lần day dứt thiệt hơn. Vợ chồng, nghĩa tào khang, hình như ở đoạn này mới thấu rõ. Nói với má, thật may, những ngày này ba còn có má. Đạo hiếu với những đứa con, dù có sâu chừng nào chăng nữa, vẫn không tỉ mẩn bằng bà chăm ông.

Những ngày này, nước mắt tôi mau chảy hơn. Nhiều lúc không vì nguyên do nào. Đôi khi vì những hình ảnh quá khứ cứ xáo động, để giọt nước mắt lòng thành tự dưng chực trào. Đó là những lần chớp nhoáng về quê, mang theo hàng lô lốc thuốc bổ rồi dặn dò đủ điều, để những tuần tháng sau trở lại, mớ vitamin xanh đỏ mà người trẻ ngỡ sẽ đếm thêm ngày sự sống vẫn còn y nguyên đó. Hình như thứ người già cần, là cái mùi quê đã theo chân bầy trẻ năm chúng 17,18 tuổi, biền biệt trôi để ngày trở về với mẹ cha, lại hóa thành mùi của ký ức của kỷ niệm với đấng sinh thành...

Bây giờ, khi còn nghe hơi ấm mẹ cha, chính là phước phần với mỗi người.

SONG ANH