Bồi đắp thương hiệu "Dòng chảy tinh hoa"

QUỐC TUẤN 10/08/2022 07:58

Năm tỉnh, thành nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đều sở hữu những giá trị tinh hoa đặc trưng. Vấn đề của du lịch vùng lúc này là cố gắng kết nối với hai đầu mối Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh để tạo ra dòng chảy tinh hoa xuyên suốt.

Hiệp hội Du lịch các địa phương trong nhóm liên kết ký hợp tác khai thác chương trình du lịch chung với các doanh nghiệp du lịch. Ảnh: Q.T
Hiệp hội Du lịch các địa phương trong nhóm liên kết ký hợp tác khai thác chương trình du lịch chung với các doanh nghiệp du lịch. Ảnh: Q.T

Ngày 8.8, tại tỉnh Quảng Ngãi diễn ra hội nghị sơ kết diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2021 - 2022. Hội nghị thu hút sự tham gia của khoảng 200 đại biểu đến từ Bộ VH-TT&DL, 7 địa phương liên quan cùng các doanh nghiệp du lịch, hãng hàng không.

Những tín hiệu khởi sắc

Cuối năm 2020, TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh ký thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm các địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định) với chủ đề “Dòng chảy tinh hoa”, mở ra một chương mới về việc kết nối bài bản giữa các bên.

Dù liên tục vật lộn với khó khăn do dịch Covid-19, đến nay thỏa thuận hợp tác đã đưa đến một số kết quả tích cực. Sáu tháng đầu năm 2022, thu nhập xã hội từ du lịch của 7 địa phương trong liên kết đạt gần 88 nghìn tỷ đồng (cả năm 2021 chỉ đạt hơn 63 nghìn tỷ đồng).

Trong năm 2021, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, các đơn vị du lịch ở TP.Hồ Chí Minh vẫn kết nối được hơn 50 nghìn lượt khách đến khu vực 5 tỉnh miền Trung. Trong khi đó, thời gian qua Sở Du lịch Hà Nội đã kết nối cùng các hãng hàng không mở bán hàng trăm nghìn vé máy bay giá rẻ từ Hà Nội đến các địa phương để kích cầu du lịch.

Các tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung liên tục khuấy động bầu không khí du lịch bằng các chương trình, sự kiện tầm cỡ. Quảng Nam đang tổ chức Năm du lịch quốc gia 2022 hay Đà Nẵng sắp đăng cai giải golf phát triển châu Á (dự kiến tháng 9.2022), hội chợ du lịch quốc tế VITM (dự kiến tháng 12.2022)…

Liên kết chặt chẽ với hai đầu mối Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh sẽ mở ra cơ hội khai thác lượng lớn khách quốc tế do có đến 86% lượng khách vào Việt Nam thông qua hai thành phố này. Ảnh: Q.T
Liên kết chặt chẽ với hai đầu mối Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh sẽ mở ra cơ hội khai thác lượng lớn khách quốc tế do có đến 86% lượng khách vào Việt Nam thông qua hai thành phố này. Ảnh: Q.T

Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay, tín hiệu phục hồi thông qua liên kết giữa 7 địa phương là rất tích cực khi lượng khách tham quan, lưu trú nội địa đã vượt cùng kỳ thời điểm 2019. Tổng cục Du lịch sẽ tích cực đồng hành với các địa phương thông qua hoạt động xúc tiến, đặc biệt là xúc tiến đưa khách quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2024 với thông điệp “đưa cả thế giới đến Việt Nam”.

Chưa đột phá

Thỏa thuận liên kết giữa 7 địa phương mới hình thành cũng khó lòng xoay chuyển ngay liên kết du lịch vùng bởi tính đặc thù của khu vực. Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, các địa phương vẫn chưa kích hoạt được chuỗi liên kết thực chất. Ở từng địa phương vẫn còn tồn tại tình trạng “mạnh ai nấy làm”, sáng tạo ra sản phẩm gì là làm ngay chứ chưa có tính kết nối, thống nhất để nâng tầm thương hiệu vùng.

Rào cản này không dễ khắc phục khi chưa có cơ chế, chính sách liên kết giữa các tỉnh trong vùng và giữa Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với các vùng khác trong hợp tác phát triển du lịch, giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng.

Du lịch Quảng Nam nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung bước đầu đã khởi sắc trở lại nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19 và tăng cường liên kết. Ảnh: Q.T
Du lịch Quảng Nam nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung bước đầu đã khởi sắc trở lại nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19 và tăng cường liên kết. Ảnh: Q.T

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Trần Văn Tân, cần tăng tốc nâng cấp hạ tầng phục vụ du lịch. Với thực trạng hiện nay, khi du lịch quốc tế bùng nổ trở lại, hạ tầng du lịch sẽ khó lòng đáp ứng.

“Cần có cơ chế khuyến khích xã hội hóa, mạnh dạn đầu tư hợp tác công tư để đẩy mạnh phát triển hạ tầng du lịch. Sắp đến Quảng Nam sẽ có đoàn đi nghiên cứu ở Campuchia về mô hình quản lý di sản, qua đó tìm giải pháp thực hiện thí điểm với Khu đền tháp Mỹ Sơn” - ông Trần Văn Tân nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Thân Thị Thu Huyền - Giám đốc điều hành đảo Ký ức Hội An cho rằng, điều cần chú ý khi liên kết du lịch là nên đứng trên quan điểm của du khách.

Họ có thể lựa chọn, tham quan nhiều điểm đến du lịch khác nhau trong hành trình dựa trên cơ sở nhu cầu, sở thích hoặc kết nối về địa lý. Do đó, việc lựa chọn, xây dựng một nhóm điểm đến lân cận trong tỉnh hoặc trong vùng theo chủ đề trên hành trình trải nghiệm của du khách là điều cần thiết.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt cho biết, tính toán sơ bộ vào năm 2019 thì Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh chiếm đến hơn 86% lượng khách quốc tế khi đặt chân đến Việt Nam.

Nói cách khác thì đây chính là 2 đầu mối phân phối khách lớn nhất của ngành du lịch nước ta. Và chỉ có kết nối thực chất, nhịp nhàng với hai đầu mối này thì Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mới có thể tạo ra đột phá trong thu hút khách quốc tế trong thời gian tới.

QUỐC TUẤN