Đào tạo nghề cho nạn nhân da cam

HOÀNG LIÊN 10/08/2022 07:51

Công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật, nạn nhân da cam thời gian qua được quan tâm, song vẫn đối diện với nhiều khó khăn, cần sự chung tay của toàn xã hội.

Nạn nhân da cam, người khuyết tật được hỗ trợ dạy nghề tại Trung tâm Bảo trợ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Nam. Ảnh: H.LIÊN
Nạn nhân da cam, người khuyết tật được hỗ trợ dạy nghề tại Trung tâm Bảo trợ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Nam. Ảnh: H.LIÊN

Nỗ lực dạy nghề

Nhiều năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Nam và đơn vị trực thuộc là Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Nam đã đồng hành, sát cánh với nạn nhân da cam và trẻ em khuyết tật trong cuộc sống.

Bên cạnh chăm sóc, giáo dục thể chất, cán bộ, giáo viên trung tâm thường xuyên tổ chức các lớp sản xuất rau sạch, làm hương,... bằng cách trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho học viên.

Khu vườn rộng hơn 500m2 tại trụ sở Trung tâm Bảo trợ là nơi đào tạo nghề trồng rau, làm vườn cho học viên là nạn nhân da cam và trẻ khuyết tật. Số lượng rau quả trồng được đã giúp cải thiện bữa ăn cho trẻ bán trú tại đây.

Quan trọng là học viên đã biết việc, có thể phụ giúp gia đình trồng rau, làm vườn. Song, không phải trẻ nào cũng có thể làm được việc do thể chất, bệnh tật của mỗi em khác nhau.

Trung tâm còn mở các lớp dạy nghề làm hương, trên cơ sở máy móc, thiết bị làm hương sẵn có. Giáo viên dạy nghề dạy từng hoạc viên cách trộn bột, sử dụng máy làm hương, phơi hương, đóng gói, dán nhãn, đóng thùng. Nguồn bán hương được sử dụng phục vụ cho bữa ăn, duy trì các hoạt động dạy học và hoạt động ngoài giờ, tặng quà dịp lễ tết.

Nạn nhân da cam, người khuyết tật được hỗ trợ dạy nghề tại Trung tâm Bảo trợ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Nam. Ảnh: H.LIÊN
Nạn nhân da cam, người khuyết tật được hỗ trợ dạy nghề tại Trung tâm Bảo trợ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Nam. Ảnh: H.LIÊN

Hoàng Thanh Thu (quê TP.Tam Kỳ) là một trong những học viên trưởng thành từ Trung tâm Bảo trợ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Nam.

Khi đã làm thạo việc, Thu được hỗ trợ sắm máy móc, thiết bị và mua nguyên liệu làm hương tại nhà. Thu còn được hỗ trợ xe lắc để có thể mang hương bán trên địa bàn Tam Kỳ.

Vươn lên từ nghịch cảnh để sống có ích, Thanh Thu chia sẻ: “Bản thân tôi có được ngày hôm nay là nhờ sự giúp đỡ của các cán bộ trung tâm và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của mình”.

Còn anh Nguyễn Văn Quang - tham gia dạy nghề làm hương tại trung tâm chia sẻ: “Đối với người khuyết tật, để hiểu việc, học việc không hề dễ dàng, bởi không phải học viên nào cũng tiếp thu và làm được. Vì vậy, giáo viên phải kiên trì hướng dẫn từng ly từng tí”.

Cần sự chung tay

Ông Trần Anh Cả - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết, năm 2021 Tỉnh hội và Trung tâm Bảo trợ đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh đào tạo khóa nghề may 3 tháng cho 15 học viên là người khuyết tật. Đến nay các học viên đã nắm được kiến thức may và có thể làm được các sản phẩm đơn giản tạo thu nhập cho bản thân.

Từ đầu năm 2022 tới nay, Trung tâm Bảo trợ luôn đón nhận 30 - 40 người khuyết tật đến học chữ, học nghề, phục hồi chức năng. Song nhìn chung, công tác đào tạo nghề, tạo sinh kế bền vững cho nạn nhân da cam và trẻ khuyết tật còn hạn chế do khó khăn về nguồn lực vận động.

Một phần đây là nhóm người gặp khó khăn về vận động, về thị lực, thần kinh… nên việc học nghề và giải quyết việc làm gặp khó. Số lượng học viên được đào tạo nghề tại trung tâm còn rất thấp. Trên địa bàn tỉnh chưa có trung tâm dạy nghề chuyên biệt dành cho người khuyết tật hoặc nạn nhân da cam.

Ở chặng đường phía trước, ông Trần Anh Cả cho hay, các cấp hội xác định, khâu đào tạo nghề và giải quyết việc làm phù hợp với sức khỏe, thể trạng của người khuyết tật, nạn nhân da cam là vấn đề ưu tiên.

Tỉnh hội và Trung tâm Bảo trợ sẽ duy trì các hoạt động học tập, phục hồi chức năng, dạy nghề cho người khuyết tật, nạn nhân da cam theo kế hoạch; kiểm tra, đánh giá chất lượng các trang thiết bị hiện có để nâng cao hiệu quả sử dụng...

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đã có buổi làm việc với bà Trần Tố Nga (Việt kiều tại Pháp, người có công lao đóng góp trong sự nghiệp chăm sóc, giúp đỡ và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam - PV) về dự án hỗ trợ đào tạo nghề cho người bị ảnh hưởng chất độc da cam trên địa bàn Quảng Nam và phía bà Nga cam kết sẽ hỗ trợ.

Sau đó Sở LĐ-TB&XH có buổi làm việc với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh về nội dung trên và hội đã khảo sát nhu cầu học nghề của nạn nhân da cam, người khuyết tật và xây dựng dự toán thực hiện công tác hỗ trợ đào tạo nghề trong 2 năm 2022 - 2023.

Thời gian tới hội dự kiến tổ chức 3 lớp đào tạo nghề phù hợp tại Trung tâm Bảo trợ, với 15 - 20 học viên/lớp, thời gian đào tạo trong 4 tháng. Đồng thời cải tạo, sửa chữa một số hạng mục phòng học, phòng ở phục vụ việc tổ chức dạy nghề, nội trú cho học viên.

HOÀNG LIÊN