Về nghe, chiêng trống gọi mời...

ALĂNG NGƯỚC 08/08/2022 07:38

(VHQN) - Núi đang vào mùa lễ hội. Rộn ràng theo câu lý của già làng, là thanh âm của nhịp trống chiêng giục giã. Bên cạnh tôi, lúc này, là những người bạn và du khách. Họ đến đây, không chỉ để nghe tiếng trống, nhịp chiêng, mà xa hơn là muốn một lần đắm mình vào không gian sắc màu của núi.

Già Bh’ling Hạnh biểu diễn cách đánh trống trước các học trò tại liên hoan. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Già Bh’ling Hạnh biểu diễn cách đánh trống trước các học trò tại liên hoan. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Nhưng, lễ hội, không chỉ để đi chơi. Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Giang - Trần Ngọc Hùng nói, đó còn là dịp để cộng đồng người Cơ Tu, Ve, Tà Riềng… nhìn lại bản sắc của mình, để góp thêm vào công tác bảo tồn, hướng mục tiêu quảng bá sản phẩm truyền thống của cộng đồng đến với du khách.

1. Thật bất ngờ, người đầu tiên tôi gặp tại Liên hoan Âm vang cồng chiêng huyện Nam Giang lần thứ V - 2022 vừa diễn ra là nghệ nhân Bh’ling Hạnh. Ở tuổi 72, ông vẫn miệt mài truyền dạy cho lớp trẻ xã Zuôih từng điệu nhảy tâng tung, điệu múa da dá. Người ta ví, vai trò của ông với làng và cộng đồng địa phương, hệt như tiếng trống k’thu vọng giữa non ngàn.

Vẫn phong thái cũ, ông tham gia ngày hội như một “nhạc trưởng” dày dạn kinh nghiệm. Giữa không gian văn hóa truyền thống, lúc nào người ta cũng nhìn thấy ông bận bịu với công việc.

Hết hỗ trợ tỉa tót vài bức tượng điêu khắc cho vừa ý, đến thổi khèn làm nhạc nền cho lời hát giao duyên. Có khi, chính ông còn đóng vai già làng trong chương trình tái hiện nghi thức cưới vợ của đồng bào Cơ Tu. Gần như vai nào ông cũng đều góp mặt và làm tròn trách nhiệm.

Già Bh’ling Hạnh nói, cho đến bây giờ, ông vẫn chưa thể yên tâm để giao trọng trách “tổng chỉ huy” cho một người trẻ ở làng. Là bởi, học trò của ông, dù nhiều người có đủ tố chất để làm công việc truyền dạy, hướng dẫn cộng đồng tham gia các lễ hội văn hóa, nhưng thật tâm, ông vẫn thấy điều gì đó… “thiếu hụt”.

Ông vẫn đau đáu với công việc chung của làng, chính xác là nhiệm vụ bảo tồn văn hóa truyền thống Cơ Tu mà lâu nay ông thường nhận lấy. Trọng trách đó, với ông là hơn cả công việc thường nhật khác của cuộc sống. Vì thế, trong ánh mắt của nghệ nhân này, lúc nào cũng đăm đắm một niềm riêng.

2. Già Bh’ling Hạnh không nhớ số lần dẫn học trò tham gia các hoạt động trình diễn văn hóa truyền thống. Bởi nhiều lắm, như vết chân chim hiện trên gương mặt của ông vậy. Nhưng so với các lần tham gia khác, ông nói chuyến đi này mang nhiều cái mới, cái hay, nhất là sau thời gian dài tạm nghỉ các hoạt động cộng đồng do dịch bệnh.

“Mấy hồi chỉ trình diễn cho du khách, còn hôm nay là trình diễn cho… chính bà con mình xem nữa, nên từng điệu múa, từng nhịp chiêng phải rất chú ý. Nếu lỡ sai một chi tiết, sẽ rất nguy hiểm, khi lớp trẻ bây giờ đang bắt đầu học lại văn hóa truyền thống”.

Vũ điệu trống chiêng kết hợp khèn truyền thống tạo nên âm vang núi rừng trong mùa lễ hội văn hóa ở Nam Giang.
Vũ điệu trống chiêng kết hợp khèn truyền thống tạo nên âm vang núi rừng trong mùa lễ hội văn hóa ở Nam Giang.

Say sưa trong câu chuyện mới - cũ, đúng lúc phần trình diễn của các nghệ nhân thuộc tộc người Tà Riềng ở xã biên giới Đắc Tôi vừa bắt đầu. Họ trình diễn điệu múa rê-rê kết hợp giai điệu đhing-tút, nét văn hóa đặc trưng của nhóm người Giẻ Triêng ở vùng Đông Trường Sơn. Sau một hồi chăm chú, già Bh’ling Hạnh quay sang tôi, nói vào tai những điều mà tôi thắc mắc ban nãy.

“Phải xem để biết nhiều hơn văn hóa của từng tộc người. Cái gì hay thì học hỏi, cái gì chưa được thì góp ý, có như thế, giá trị văn hóa cộng đồng vùng cao mới được gìn giữ lâu đời. Đó mới thực sự là đoàn kết và phát triển giữa các dân tộc” - già Bling Hạnh nói.

Ông nói, mà hệt câu chuyện cách đây ít ngày, tôi nghe nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Giang - Chờ Rum Nhiên kể về mối lương duyên không thể tách rời giữa cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện.

Sinh sống dưới sự chở che của mẹ rừng, người Cơ Tu, Ve, Tà Riềng… không phân biệt “anh Ve tôi Tà Riềng”, nhờ đó mới tạo nên kỳ tích trong kháng chiến và cả ngay cuộc sống mới hôm nay.

Chính nhờ yếu tố đa sắc tộc đã tạo nên một Nam Giang kiêu hãnh, hội tụ đủ đầy giá trị văn hóa truyền thống với đa sắc thái cộng đồng, biểu thị tinh thần gắn kết bền chặt.

Ông Chờ Rum Nhiên nói, đó là giá trị cuộc sống đích thực, là câu chuyện đẹp và… có hậu được lưu truyền từ đời này sang đời khác giữa các tộc người vùng cao. Xóa bỏ hiềm khích xưa cũ, người Cơ Tu, người Ve và Tà Riềng cùng uống chung nguồn nước, cùng canh tác trên phần đất cộng đồng và hủy bỏ hủ tục truyền kiếp “cấm cưới xin, hứa gả con cái”, xác lập cuộc sống mới thuận hòa.

3. Tôi đi xem các gian hàng trưng bày, triển lãm. Ở đây, người ta bán nông sản và các mặt hàng thổ cẩm là chủ yếu. Phía trước khoảng sân rộng, các nghệ nhân thi nhau trình diễn nghệ thuật điêu khắc, dệt thổ cẩm và đan lát truyền thống.

Vòng quanh họ, là du khách, rất đông đến từ Đà Nẵng, Tam Kỳ và một số ít ở TP.Hồ Chí Minh. Họ nói, rất ấn tượng với các hoạt cảnh tái hiện đời sống của cộng đồng, đặc biệt là ẩm thực và trình diễn văn hóa dân gian truyền thống.

Lê Đức Bo - một du khách đến từ Điện Bàn nói, gần như lễ hội nào ở miền núi anh cũng đều có mặt. Đến vừa là để xem không khí của lễ hội, trải nghiệm đời sống cộng đồng và tìm hiểu các nghi thức, câu chuyện bảo lưu các giá trị văn hóa bản địa.

Nam Giang cuối chiều, cơn gió rừng làm dịu mát hẳn bầu không khí oi bức. Nhịp trống chiêng rộn rã, như giục dòng người tìm đến. Nhà nghiên cứu Tôn Thất Hướng nói, khác với các địa phương miền núi trong tỉnh, Nam Giang với đặc trưng là đa thành phần dân tộc, đã góp thêm nhiều mảng màu văn hóa đặc trưng.

Thông qua các hoạt động trình diễn, nghi thức tái hiện văn hóa dân gian truyền thống trong đời sống cộng đồng… hứa hẹn sẽ làm sống dậy ý thức bảo tồn từ chính tri thức bản địa, mở ra chiều hướng mới là phát triển du lịch xanh ở vùng núi cao Đông Trường Sơn.

ALĂNG NGƯỚC