Thăng Bình đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ
Huyện Thăng Bình chú trọng tăng hiệu quả hoạt động ở lĩnh vực khoa học - công nghệ bằng cách gắn các ứng dụng vào thực tiễn đời sống, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Chú trọng đầu tư
Để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thăng Bình đã chú trọng đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN).
Ông Hồ Khánh Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất & thương mại Phú Toàn Quảng Nam (Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được) cho biết, với kinh phí đầu tư 30 tỷ đồng, doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất trang thiết bị y tế Vietrue. Công ty sở hữu dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động hóa cao và đạt tiêu chuẩn ISO.
Tự động hóa là nhu cầu thiết yếu trong sản xuất của nhiều doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn huyện Thăng Bình. Công ty TNHH Domex Quảng Nam (Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được) hay Công ty TNHH May mặc Mỹ Hưng (Cụm công nghiệp Kế Xuyên - Quán Gò) đã đầu tư hệ thống tự động hóa về dây chuyền sản xuất, qua đó giảm đáng kể nhân công, chi phí sản xuất, góp phần tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh thị trường đang được mở rộng vì kinh tế phục hồi.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, đề tài khoa học phục tráng giống nếp Hương Lân được ngành nông nghiệp Thăng Bình triển khai từ năm 2018, đến nay đã cho kết quả khả quan.
Ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào cho biết, đơn vị đang canh tác 10ha lúa nếp Hương Lân. Suốt thời gian dài, lúa nếp Hương Lân không được trồng ở những cánh đồng trên địa bàn Thăng Bình, nay đã được HTX phục tráng thành công.
“Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm HTX thu hoạch được khoảng 40 tấn nếp, phục vụ tốt cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Nếp Hương Lân đã được chúng tôi xây dựng thành sản phẩm OCOP, được khách hàng ưa chuộng” - ông Sanh nói.
Với khả năng chịu úng khá, thích nghi trên nhiều chân đất khác nhau nên huyện Thăng Bình trồng đại trà giống nếp Hương Lân ở nhiều cánh đồng thuộc vùng đông.
Theo ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, điểm nhấn trong ứng dụng KH-CN ở Thăng Bình là phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, xây dựng chính quyền điện tử.
Huyện tiếp nhận, chuyển giao, ứng dụng các phần mềm tin học trong quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sở hữu trí tuệ và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ứng dụng công nghệ
Ông Lê Quang Hạt - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thăng Bình cho rằng, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần có tầm nhìn dài hạn về cải tiến, đổi mới công nghệ để phát triển bền vững.
Huyện ủy Thăng Bình yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền về nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng các tiến bộ KH-CN với nội dung thiết thực, phù hợp. Giải pháp của huyện là mở rộng liên kết, hợp tác với các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu để đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao các tiến bộ KH-CN, trong đó chú trọng lựa chọn quy trình sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương nhằm xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa.
Mới đây, UBND huyện Thăng Bình phối hợp với Sở KH-CN tổ chức hội nghị KH-CN cấp huyện năm 2022. Ông Võ Văn Hùng cho rằng, hoạt động nghiên cứu, phát triển chuyển giao, ứng dụng KH-CN cần bắt nguồn từ tính cấp thiết của thực tiễn sản xuất và đời sống.
Để thực hiện các nhiệm vụ KH-CN đạt kết quả, đòi hỏi các cơ quan, địa phương phối hợp chặt chẽ từ khâu điều tra, khảo sát, xác lập nhiệm vụ đến quá trình tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá kết quả, chuyển giao ứng dụng và nhân rộng trong thực tiễn.
Huyện Thăng Bình đề xuất UBND tỉnh quan tâm tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý KH-CN cấp huyện; phân bổ kinh phí ngân sách nhà nước về KH-CN; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, nhất là chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH-CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn.